Ba công nghệ quân sự quan trọng Ukraine “nộp” Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Ít nhất 3 lần Ukraine bán các công nghệ vũ khí lớn cho Trung Quốc, góp phần rất quan trọng cho sự lớn mạnh của quân đội nước này.

Trong hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Trung Quốc và Ukraine có thể nói rằng, Ukraine chính là “mỏ vàng” công nghệ cho Trung Quốc khai thác.

Ukraine trước đây là nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết, nơi đây có rất nhiều nhà máy, viện thiết kế chủ lực của công nghiệp quốc phòng.

Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine nắm giữ nhiều nhà máy quan trọng cùng chuyên gia, kỹ sư, công nhân lành nghề trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao. Đặc biệt, nước này đã nắm giữ rất nhiều tài liệu kỹ thuật, nguyên mẫu của các chương trình phát triển vũ khí “khủng” dưới thời Liên Xô.

Từ xe tăng, máy bay, tên lửa, tàu thuyền, động cơ,  Ukraine đều nắm giữ nhiều phần quan trọng. Qua đó, nước này đã cho ra đời  những vũ khí mang tầm cỡ thế giới như: xe tăng chiến đấu T-84; xe bọc thép BTR-3/4; máy bay vận tải An-124, An-70; radar trinh sát…Đặc biệt, Ukraine là quốc gia sản xuất động cơ tuốc bin khí cho tàu chiến hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, Trung Quốc đang thèm khát công nghệ quân sự để nhanh chóng “xưng hùng xưng bá” với thế giới. Sau khi bị phía Nga nhận diện chiêu bài sao chép công nghệ của Trung Quốc họ đã trở nên cẩn trọng hơn trong hợp tác kỹ thuật quân sự với Bắc Kinh.

Trong bối cảnh đó, Ukraine được xem là địa chỉ vàng để moi công nghệ. Biết đánh vào điểm yếu chí tử của Ukraine là “tiền”, Bắc Kinh đã đưa ra những con số khiến Kiev không thể chối từ.

Tàu sân bay Varyag

Thương vụ mua bán tàu sân bay Varyag được xem là sự kiện đình đám nhất trong hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Trung Quốc và Ukraine.

Tàu sân bay Varyag do nhà máy đóng tàu Nam Nikolayev (Ukraine) đóng năm 1985 cho Hải quân Liên Xô. Con tàu được hạ thủy năm 1988 và tiếp tục việc hoàn thiện mọi cấu trúc tàu, lắp đặt hệ thống động cơ, điện tử. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, Varyag thuộc về sở hữu của Ukraine thay vì nước Nga. Do khó khăn về kinh tế thời đó, Varyag đã không thể được hoàn thành.
Tàu sân bay Varyag trên hành trình về Trung Quốc.

Trong nhiều năm, tàu Varyag trong tình trạng như “tàu ma”, không bảo dưỡng, tàu cũng không có các hệ thống bên trong (động cơ, điện tử, bánh lái..). Năm 1998, Ukraine quyết định bán đấu giá “xác tàu sắt vụn” Varyag và một công ty Trung Quốc đã thắng thầu với giá 20 triệu USD.

Mặc dù ban đầu công ty này nói rằng họ mua chiếc tàu này về để xây dựng trung tâm giải trí nổi. Nhưng, cuối cùng khi về đến Trung Quốc ngày 3/3/2002, nó bắt đầu được đưa vào cải tạo thành tàu sân bay đầu tiên cho Hải quân Trung Quốc.

Sau đó, theo một số nguồn tin, Trung Quốc đã đặt lên bàn đám phán một số tiền đủ làm “xiêu lòng” các nhà lãnh đạo Kiev để cung cấp thêm tài liệu kỹ thuật, động cơ, hệ thống cáp hãm đà cho Bắc Kinh để hoàn thiện tàu sân bay này.

Tiêm kích hạm J-15

Công tác cải tạo tàu sân bay đã được tiến hành, mọi thứ liên quan đều đã được chuẩn bị đầy đủ, việc hoàn thành tàu sân bay chỉ còn là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, một vấn đề nan giải khác là tàu sân bay này vẫn chưa có máy bay, nếu không có tiêm kích trên hạm hoạt động thì không biết phải gọi Liêu Ninh là loại tàu gì đây.

Trung Quốc đã đề nghị với Nga bán cho họ tới 50 chiếc tiêm kích trên Su-33 để trang bị cho tàu sân bay Liêu Ninh. Tuy nhiên, Trung Quốc đưa ra yêu cầu hợp đồng phải chia thành nhiều giai đoạn, họ sẽ mua 2 chiếc để thử nghiệm và đánh giá. Và sau đó mới ký hợp đồng mua số lượng lớn.
Chuyên gia Trung Quốc đứng cạnh nguyên mẫu T-10K.

Nhưng thực chất đây là “chiêu” của Trung Quốc để sao chép công nghệ. Sau nhiều lần đàm phán nhưng Nga nhất định không bán tiêm kích trên hạm Su-33 nếu số lượng mua không đúng như họ yêu cầu. Trong lúc bí nước thì thần may mắn đã gõ cửa Trung Quốc.

Giới tình báo nước này phát hiện, Ukraine đang nắm giữ nguyên mẫu T-10K của tiêm kích hạm Su-33 cùng nhiều tài liệu kỹ thuật quan trọng. Ngay lập tức Bắc Kinh đã tìm đến Kiev, một lần nữa sức mạnh của đồng tiền đã giúp Trung Quốc chiến thắng. Nguyên mẫu T-10K đã được bán cho Trung Quốc vào khoảng năm 2001.

Công bằng mà nói, chẳng có lý do gì để Ukraine từ chối một số tiền khổng lồ cho một món đồ xếp xó. Những thứ liên quan đến nguyên mẫu T-10K chẳng giúp ích gì mấy cho Ukraine. Bên cạnh đó việc tống khứ nó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến an ninh quốc gia của họ.
Không có Ukraine, Trung Quốc chắc chắn khó lòng tìm kiếm được tiêm kích hạm lý tưởng cho tàu sân bay Liêu Ninh.

Tháng 8/2009, mẫu tiêm kích hạm “hồn Nga da Trung Quốc” được đặt tên là J-15 đã cất cánh. J-15 sẽ trở thành tiêm kích trên hạm chủ lực của Trung Quốc trong thời gian tới.

Mặc dù, tính năng kỹ thuật của nó sự thực rất mơ hồ nhưng ít ra với những gì mua được từ Ukraine cùng “công nghệ sao chép siêu hạng” Trung Quốc đã chế tạo thành công J-15 tạo cơ sở quan trọng cho sự phát triển của các mẫu tiêm kích hạm về sau.

Tàu đổ bộ đệm khí Project 12322 Zubr

Trong các thương vụ đeo đuổi vũ khí và công nghệ của Nga, tàu đổ bộ khí đệm Zubr là thương vụ mà Trung Quốc phải tốn nhiều công sức nhất nhưng đều thất bại. Một trong những nguyên nhân đàm phán đổ vỡ là Viện thiết kế TsMKB Almaz của Nga, hãng thiết kế Zubr chỉ chấp nhận chuyển giao tài liệu kỹ thuật của Zubr sau khi Trung Quốc đã mua 10-15 tàu do họ đóng.

Nhưng một lần nữa Trung Quốc lại gặp may mắn và Nga tiếp tục phải nhận “quả đắng”. Điều trớ trêu là nhà máy Morie ở Feodosya (Ukraine), trước đây là nơi chế tạo loại tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới này.

Bắc Kinh đã “chơi trội” trong thương vụ này, họ thanh toán phần lớn nợ nần cho nhà máy Morie. Bên cạnh đó, họ còn đặt lên bàn đàm phán 350 triệu USD để mua 4 tàu đổ bộ đệm khí “sao chép hoàn toàn từ Project 12322 Zubr với cái tên Project 958 Bizon.
Ukraine một lần nữa giúp Trung Quốc có được tàu đổ bộ đệm khí "khủng" nhất thế giới hiện nay.

Theo các điều khoản hợp đồng, 2 chiếc được đóng tại Ukraine, 2 chiếc còn lại được đóng ở Trung Quốc theo tài liệu kỹ thuật và sự giám sát của các chuyên gia Ukraine.

Zubr được đánh giá là tàu đổ bộ khí đệm mạnh nhất thế giới hiện nay, khả năng và những công nghệ của nó đủ sức làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực nó xuất hiện.

Trung Quốc đã mua được những công nghệ thuộc hàng “nhạy cảm” để phát triển những hệ thống vũ khí đủ khả năng làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Bình Đức

Bình luận(0)