Mỹ mập mờ chuyện máy bay không người lái

Google News

(Kiến Thức) - Thời gian gần đây Mỹ ráo riết sử dụng máy bay không người lái và coi đó một thứ vũ khí đắc lực trong cuộc chiến "chống khủng bố".

Những thông tin mâu thuẫn

Vừa qua, Hiệp hội Dân quyền Mỹ (ACLU) và Nhật báo "The New York Times" đã đệ đơn yêu cầu được cung cấp các tài liệu liên quan đến máy bay không người lái do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) sử dụng và được trả lời rằng cơ quan này có thể "không xác nhận hoặc phủ nhận sự tồn tại của hồ sơ liên quan đến vấn đề này". Trước cách ứng xử lạ lùng này của CIA, ACLU đã đệ đơn kiện về vụ việc gần 200 báo cáo do chính các thành viên của CIA tiến hành về các chiến dịch sử dụng máy bay không người lái để "chống khủng bố".

Câu chuyện ngày càng trở nên phức tạp khi các thông tin do CIA cung cấp được công bố bị đánh giá là không rõ ràng và gây hiểu lầm, thậm chí mâu thuẫn. Trong một tuyên bố với công chúng, Chính phủ Mỹ nói rằng "không có" hoặc "chỉ có rất ít" thường dân bị thương vong trong các vụ không kích bằng máy bay không người lái. Cố vấn trưởng về chống khủng bố của Tổng thống Mỹ, ông John Brennan cũng từng tuyên bố rằng, trong năm 2012, "không có ai bị thương vong nhờ độ chính xác đặc biệt của máy bay không người lái". Còn theo ACLU, từ tháng 6/2004 đến giữa tháng 9/2012, chỉ tính riêng ở Pakistan các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ đã sát hại từ 2.562 - 3.325 người. Trong số này có 474 - 881 thường dân, trong đó có 176 trẻ em. Ngoài ra, còn có từ 1.228 - 1.362 người bị thương.  

Trong khi đó, Lầu Năm Góc luôn công bố tin công khai ca ngợi "khả năng chưa từng có" của chương trình máy bay không người lái như chúng "có khả năng phân biệt một cách hiệu quả giữa một tên khủng bố "Al-Qaeda" và những thường dân vô tội", rằng "các máy bay không người lái mang tên lửa có khả năng thực hiện các cuộc tấn công với độ chính xác đáng kinh ngạc". Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố họ áp dụng chiến lược "tấn công theo dấu hiệu" dựa trên sự phân tích "mô hình của sự sống" và nhằm vào "nhóm người có dấu hiệu hoặc các đặc trưng nào đó liên quan đến hoạt động khủng bố...". Một cuộc "tấn công theo dấu hiệu" như vậy từng giết chết ba người đàn ông, bởi "một trong số họ có mái tóc màu xám và có chiều cao như Osama Bin Laden". 

Máy bay không người lái "Predator" át chủ trong "cuộc chiến chống
khủng bố" của Mỹ.  

Tính pháp lý của việc sử dụng máy bay không người lái

Hiện dư luận Mỹ đang đặt dấu hỏi nghi vấn về tính pháp lý của việc Mỹ sử dụng máy bay không người lái để "chống khủng bố" vì Điều 2 của Hiến chương LHQ cấm mọi hành động sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của một nước nào đó chống lại một nước khác. Trường hợp ngoại lệ chỉ có thể dựa trên 2 điều kiện: (1) việc sử dụng vũ lực có thể được thực hiện với sự đồng ý của nhà nước chủ nhà; (2) khi việc sử dụng vũ lực để tự vệ nhằm đáp trả một cuộc tấn công vũ trang hoặc chống lại một mối đe dọa sắp xảy ra, còn nước chủ nhà không muốn hoặc không có khả năng thực hiện một hành động thích hợp. 

Áp dụng vào trường hợp Pakistan, quốc gia này đã nhiều lần bày tỏ thái độ kiên quyết không chấp nhận sử dụng chương trình máy bay không người lái của Mỹ. Quốc hội Pakistan đã bỏ phiếu nhất trí yêu cầu chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trên lãnh thổ nước này. Các quan chức Pakistan đã lặp đi lặp lại những lời chỉ trích rằng các cuộc không kích của Mỹ là bất hợp pháp, phản tác dụng và vi phạm chủ quyền của đất nước, trong khi trên thực tế các cuộc tấn công dạng này vẫn tiếp tục diễn ra. 

Mỹ tuyên bố đây là một "cuộc chiến chống khủng bố". Nhưng ai thực sự là kẻ khủng bố? Một trong những nghiên cứu mới đây cho thấy có tới 74% người Pakistan coi Mỹ là kẻ thù. Lý do là Mỹ đang giết hại thường dân vô tội. Vừa qua, công trình nghiên cứu mang tên "Cuộc sống bên dưới máy bay không người lái" đã kêu gọi xem xét tính hợp pháp, trách nhiệm và tính minh bạch trong chính sách tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ.


ĐANG ĐỌC NHIỀU:


TIN LIÊN QUAN:






Thuỳ Dương

Bình luận(0)