Đường đến nghề Y của Huy chương vàng Olympic Hóa học Quốc tế

Google News

Để chạm tới chiếc Huy chương Vàng Olympic Hóa học Quốc tế và thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ, Nguyễn Mạnh Khôi đã trải qua nhiều nỗ lực và có những bí kíp học tập riêng.

Chọn nghề Y nối nghiệp truyền thống gia đình
Nguyễn Mạnh Khôi, chủ nhân Huy chương Vàng Olympic Hóa học Quốc tế (hiện là sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội) sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề Y.
Bà nội của Mạnh Khôi (bà Lê Thị Tuyết Khanh) nguyên là giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội. Ông nội của Khôi (BS Nguyễn Mạnh Tài) từng làm ở Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, sau đó làm Phó Chủ nhiệm Khoa Hô hấp của bệnh viện.
Chuyen chua ke ve “chang trai hoa hoc” Nguyen Manh Khoi
 "Gia đình bác sĩ" của Nguyễn Mạnh Khôi.
Bố của Khôi là PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Chủ tịch Hội Chấn thương Chỉnh hình Việt Nam, là một bác sĩ mổ nội soi khớp gối nổi tiếng tại Việt Nam, người được ví nối những đứt gẫy của cơ thể điêu luyện như nghệ nhân.
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, Nguyễn Mạnh Khôi chia sẻ, sống trong môi trường gia đình làm bác sĩ, ngay từ khi còn nhỏ, em đã được quan sát ông nội khám bệnh và tình cảm của bệnh nhân dành cho ông, em cảm thấy công việc của ông thật đáng trân trọng. Lớn hơn, trong những lần được theo bố vào bệnh viện, chứng kiến các bác sĩ làm công việc cứu người, trong em nhen nhóm lên tình yêu với nghề Y.
Lên cấp 3, Khôi chọn và thi đậu vào chuyên Hóa, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội (đúng môn chuyên mà bố Khôi từng học của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam), bắt đầu định hình con đường đi theo ngành Y.
Chuyen chua ke ve “chang trai hoa hoc” Nguyen Manh Khoi-Hinh-5
 Bố là người truyền cảm hướng lớn nhất, khiến Mạnh Khôi chọn đi theo nghề Y.
Năm lớp 11, sau khi đoạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia, biết mình được tuyển thẳng Trường ĐH Y Hà Nội, em đã quyết tâm chọn con đường trở thành bác sĩ, tiếp nối truyền thống gia đình. Trong đó, bố là người đã có ảnh hưởng tới Khôi nhiều nhất trong việc lựa chọn này.
“Bố là người truyền cảm hứng, thần tượng lớn nhất đối với em. Bố là bác sĩ giỏi, đã cứu giúp nhiều bệnh nhân khỏi bệnh và là người luôn chia sẻ, động viên em trong việc lựa chọn, đi theo ngành Y. Bố mẹ là người đã tạo điều kiện tốt nhất cho em được học tập và đạt kết quả như ngày hôm nay”, Mạnh Khôi tâm sự.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết, gia đình chưa bao giờ gây áp lực với con trong việc chọn ngành Y, mà có lẽ, tình yêu với ngành Y đến với Khôi một cách rất tự nhiên. Ông chỉ chia sẻ với con về những vất vả của nghề Y, và muốn vượt qua được cần có đam mê, để con có được động lực và quyết tâm theo đuổi con đường đã chọn.
“Tôi nói với con, ngành Y rất vất vả nhưng cũng rất đáng tự hào và nếu đam mê con sẽ vượt qua được mọi sự vất vả”, BS Khánh chia sẻ.
Bí kíp học giỏi môn Hóa, chạm ước mơ
Nguyễn Mạnh Khôi tiết lộ, khi Khôi học cấp 3, khi biết em có ước mơ theo ngành Y, bố mẹ đã định hướng, động viên em tham gia Kỳ thi HSG quốc gia để được cộng điểm hoặc tuyển thẳng vào Trường ĐH Y Hà Nội.
Lớp 11, Mạnh Khôi xuất sắc giành giải nhất Kỳ thi. Lên lớp 12, Khôi đã trở thành chủ nhân tấm Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế 2023. Khôi không chỉ thực hiện vào được nghề Y của mình, mà đã đạt được mục tiêu tốt nhất do mình đặt ra, đó là tấm Huy chương Vàng Olympic Quốc tế.
Duong den nghe Y cua Huy chuong vang Olympic Hoa hoc Quoc te-Hinh-3
 Nguyễn Mạnh Khôi và bạn quốc tế tại Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế 2023.
Tuy nhiên, để đạt được những kết quả đó, với Khôi, đó là một hành trình nỗ lực, cố gắng với những kỷ luật, bí kíp riêng.
Khôi cho biết, năm học lớp 11, lịch học dày đặc khiến Khôi có lúc cảm thấy nản, thậm chí, trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, phải học online, nhiều buổi học, Khôi chỉ vào điểm danh. Nhưng rồi, Khôi nhận ra, điều đó không ổn, và Khôi đã tự đề ra kỷ luật, “siết” lại bản thân.
Vào mỗi buổi sáng, sau khi làm vệ sinh cá nhân, Khôi dành ra khoảng 5-10 phút viết thời gian biểu cho ngày hôm đó. Cuối ngày tổng kết lại xem ngày hôm nay đã làm được việc gì, việc gì chưa làm được.
Việc tuân thủ thời gian biểu ban đầu khá khó, nhưng Khôi cố gắng, ép mình tuân thủ. Nếu không được sẽ tự đưa ra hình phạt nào đó cho mình. Chẳng hạn, tự khóa điện thoại.
“Động lực để thực hiện kỷ luật chính là việc đặt ra mục tiêu trong mỗi kỳ thi và phải cố gắng để thực hiện”, Khôi chia sẻ.
Duong den nghe Y cua Huy chuong vang Olympic Hoa hoc Quoc te-Hinh-4
 Gia đình đón Nguyễn Mạnh Khôi mang vòng nguyệt quế trở về từ cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế.  
Với môn Hóa, bí quyết để học tốt là luôn dành thời gian ôn lại kiến thức mà mình đã học. Mới đầu, khi chưa có kinh nghiệm, khi đi học về, Khôi đã không ôn lại. Vậy là sau một thời gian, kiến thức cũng “rơi rụng”. Sau đó, Khôi đã áp dụng cách học khác, đó là sau buổi học, em luôn dành thời gian đọc lại bài giảng của thầy cô, và làm bài tập. Học theo phương pháp này, kiến thức khắc sâu và nhớ rất lâu.
Trước mỗi kỳ thi, Mạnh Khôi cũng cảm thấy bị áp lực, đặc biệt là kỳ thi Olympic Quốc tế, không chỉ thi đấu với tư cách cá nhân mà còn đại diện cho đất nước. Những lúc như vâỵ, Khôi luôn nghĩ đến chiến thắng để tạo niềm tin, động lực cho mình.
Thực hiện được giấc mơ vào ngành Y, với Khôi, đó là niềm vui rất lớn sau một chặng đường nỗ lực, phấn đấu không ngừng.
“Em biết, nghề Y là nghề vất vả. Tuy nhiên, không chỉ là công việc cứu người, em thấy, đây là môn học cần sự tích lũy, học tập không ngừng, phù hợp với tính cách của em”, Mạnh Khôi bộc bạch.

Bà Lê Thị Tuyết Khanh cho hay, nghề Y rất vất vả, theo được ngành Y là phải có tâm, có đức, làm cái gì cũng phải nhiệt tình, có trách nhiệm. “Tuy nhiên, tôi vẫn muốn con, cháu theo ngành Y bởi đó là nghề phụng sự nhân dân, phục vụ cuộc sống con người”, bà Khanh nói.

Mời quý độc giả xem video: Nguyễn Mạnh Khôi, Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế năm 2023 chia sẻ về hành trình chinh phục những thành công. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)