Xót xa bé gái 7 tuổi bụng to gấp đôi cơ thể

Google News

(Kiến Thức) - Ngày 13/11, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã cho cháu Rơ Yam K’Biển (7 tuổi) ra viện bởi không thể kéo dài sự sống cho bé gái tội nghiệp này.

Theo anh Liêng Jrang Ha Tông (41 tuổi), ngụ tại thôn Đạ Hinh 1, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông (Lâm Đồng), khi vừa sinh ra, bé K’Biển nặng 2,5kg, thể chất khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, đến tháng thứ 3 thì không chịu bú sữa mẹ, khóc quấy suốt ngày, cơ thể mỏi mệt, da vàng nhợt nhạt, gia đình đã đưa cháu bé đi trạm xá khám thì không xác định được bệnh nên chuyển lên tuyến trên.
 Cháu K'Biển tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng
Các bác sĩ đã xác định bé K’Biển mắc bệnh Thalasaemia. Từ đó đến nay, thời gian bé K’Biển sống ở bệnh viện thường nhiều hơn ở nhà. Gia đình cũng đã vay mượn tiền của nhiều người đưa cháu bé xuống các bệnh viện ở TP.HCM để chữa bệnh nhưng không những không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng.
Do sức khỏe của bệnh nhân quá yếu nên các bác sĩ không thể tiến hành phẫu thuật. Hiện gan, lá lách, phổi sưng to đã khiến bụng của bệnh nhân to lớn gấp đôi cơ thể, không thể đi lại được. Cháu bé được hỗ trợ thở bằng máy. Hằng ngày K’Biển chỉ uống sữa tươi, không ngủ được vì khó thở. Đến nay do bệnh đã quá nặng nên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng quyết định bàn giao cháu bé về cho gia đình.
Hoàn cảnh gia đình bệnh nhân rất đáng thương. Anh Ha Tông đưa con lên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng chữa bệnh nhưng không có tiền. Hằng ngày hai cha con phải trông chờ vào bếp ăn tình thương của bệnh viện. Khi biết bệnh tình của cháu bé không thể chữa trị được nữa, các sinh viên đang thực tập tại khoa Nhi đã tự nguyện quyên góp và kêu gọi mọi người giúp đỡ cha con anh Ha Tông.
 Hiện gan, lá lách và tim bệnh nhân sưng to đã khiến bụng cháu bé to gấp đôi cơ thể 
Đến trưa 13/11, bé K’Biển vẫn trong tình trạng tỉnh táo tuy rất khó thở. Thấy đã đến giờ đi lấy cơm tình thương, bé K’Biển khó nhọc nói với bố bằng tiếng dân tộc mình là “Bố đi lấy cơm đi!...” rồi lại ngồi thở. Anh Ha Tông cho biết, cháu bé không biết nói tiếng kinh vì chưa bao giờ được đến trường. Hằng ngày cũng không ăn được cơm nhưng lại rất lo cho bố bị đói nên cứ đến bữa cơm thì lại giục anh đi lấy cơm về ăn.
Theo một bác sĩ khoa Nhi, bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, bệnh Thalassemia là bệnh di truyền, đời sống và chức năng hồng cầu của người bệnh kém làm hồng cầu dễ vỡ, vì vậy người bệnh bị thiếu máu mãn tính. Phương pháp điều trị chính là truyền khối hồng cầu và dùng thuốc thải sắt khi có thừa sắt.
Nếu không chữa trị kịp thời, lá lách, gan và tim sẽ sưng to. Xương bị xốp và dễ gãy, cấu trúc của xương mặt bị thay đổi. Vì hồng cầu vỡ sớm hơn bình thường nên tủy xương phải làm việc quá sức, khiến xương biến dạng. Ở những trẻ bị Thalassemia nặng, trán gồ lên, mũi tẹt, xương hàm trên nhô ra do tăng sản tủy xương.
Khắc Lịch

Bình luận(0)