“Sẽ kiểm soát để 70% gói 30.000 tỷ đồng thuộc về dân”

Google News

(Kiến Thức) - Đây là khẳng định của đại diện NHNN về sự kiện đang rất "nóng" gần đây - gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội được chính thức triển khai.

Chỉ 9.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp

Tại cuộc đối thoại trực tuyến diễn ra hôm nay trên cổng thông tin điện tử Chính phủ, trước câu hỏi, làm sao để kiểm soát được tỷ lệ 30% cho doanh nghiệp  và 70% cho người dân một cách hiệu quả? ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng – Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định: “NHNN sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và các NHTM đã có giải pháp kiểm soát tổng thể đảm bảo cho vay đối với các doanh nghiệp tối đa sẽ bằng 30% tổng nguồn vốn cho vay trong gói 30.000 tỷ đồng. Không có chuyện trong gói này sẽ dành ưu đãi quá nhiều cho doanh nghiệp, sẽ đảm bảo kiểm soát được ở mức 30%. Chúng tôi đã có phương án để kiểm soát. Tuy nhiên, trong từng thời điểm, tỷ lệ này có thể thay đổi, nhưng tổng toàn bộ gói 30.000 tỷ đồng này chỉ có 9.000 tỷ đồng được dành cho vay doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cũng nhấn mạnh, phải phân biệt rõ ràng, hiện nay đang có 2 đối tượng khác nhau: đối tượng được mua nhà ở xã hội và đối tượng được vay nguồn hỗ trợ gói vay 30.000 tỷ đồng.

 Các khách mời tham gia cuộc đối thoại trực tuyến. Ảnh: Chinhphu.vn.

Trước hết, về nhóm đối tượng được vay mua nhà ở xã hội, hầu hết là người dân sống ở khu vực đô thị thuộc 8 nhóm đối tượng như: giáo viên, công nhân viên chức hưởng lương ngân sách, cán bộ chiến sỹ thuộc các lực lượng vũ trang, những người làm công ăn lương thuộc mọi thành phần kinh tế…đều được mua nhà ở xã hội. Nhưng đối tượng này phải đủ 2 điều  kiện. Thứ nhất là khó khăn về nhà ở. Thứ hai là có thu nhập thấp. Vì có những người khó khăn về nhà nhưng làm công ty liên doanh với thu nhập hoàn toàn có thể để dành để mua nhà thì không thuộc đối tượng Nhà nước phải lo. Nhà nước lo cho những người khó khăn về nhà ở và có thu nhập thấp. Những người có hai điều kiện trên thì được mua nhà ở thu nhập thấp.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là những người được mua nhà ở xã hội như trên có được vay tiền từ gói hỗ trợ hay không? Đây mới đủ điều kiện cần. Nghĩa là có hợp đồng được mua nhà thu nhập thấp, mà để có hợp đồng đã được soát xét là đúng đối tượng, được bình bầu, được bốc thăm, được công bố trên website 45 ngày để loại trừ các trường hợp kiện tụng, sai đối tượng…Nhưng có hợp đồng mua nhà thì không có nghĩa đến ngân hàng sẽ đương nhiên được vay tiền mà còn phải đáp ứng điều nữa là có khả năng trả được nợ, khi đến ngân hàng phải chứng minh được khả năng trả nợ trong thời hạn cho vay là 10 năm hoặc 15 năm.

Giá nhà ở xã hội chỉ dưới 12 triệu đồng/m2…


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, các dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội bắt đầu triển khai với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ có giá dưới 12 triệu đ/m2. Ông Nam dẫn giải, dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) tại Tây Nam Linh Đàm, tuy nằm trong khu đô thị kiểu mẫu với hạ tầng cơ sở tốt nhưng giá dưới 12 triệu đồng/m2, giá nhà dự án của Viglacera tại Đặng Xá là 8,5 triệu đồng, các dự án nhà ở xã hội ở Hưng Yên, Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh đều có giá dưới 7 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, ông Nam cũng nhấn mạnh, cùng với mức giá đó thì rất cần tăng cường việc kiểm soát chất lượng.

Đại diện của HUD cũng cho biết, ngày 28/5 vừa qua đã động thổ dự án nhà ở xã hội ở tây nam Linh Đàm và dự kiến đầu năm 2015, các sản phẩm này có thể đưa ra phục vụ người thu nhập thấp.

…Thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng thì chỉ nên… đi thuê nhà


Tuy giá nhà ở xã hội chắc chắn không vượt quá 12 triệu đồng/m2 nhưng theo ông Trần Xuân Hoàng - Phó Tổng Giám đốc BIDV, người thu nhập thấp chỉ có thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng thì ngân hàng không chấp nhận cho vay vì hoàn toàn không khả thi. Ông Hoàng phân tích: “Thu nhập đó còn phải dành để sinh hoạt gia đình. Với thu nhập đó còn lại bao nhiêu để trả nợ? Ít nhất họ phải chi 3-4 triệu đồng/tháng để sinh hoạt, vậy chỉ còn 1-2 triệu đồng để trả nợ. Trong khi Ngân hàng Nhà nước chỉ giới hạn trong 10 năm đối với khách vay là cá nhân”.

Còn theo ông Nam, với những gia đình thu nhập quá thấp thì phải theo phương thức đi thuê, rồi tích lũy. có nhiều gói sản phẩm bất động sản khác nhau. “Nhà nước cố gắng lo chỗ ở cho người dân, chứ không cố gắng lo sở hữu nhà cho người dân. Việc này chúng ta phải giải quyết trong hàng chục năm, chứ không phải trong một vài năm”, ông Nam nói.

Có hình thành “bong bóng” mới?


Hiện đã có nhiều dự án mở cửa để đón đà phục hồi của thị trường. Những người có nhu cầu nhà ở thực sự cũng mong đợi, song lại lo ngại rất có thể lại ‘dính’ vào đợt sóng ảo khi khắp nơi ồ ạt bàn tán về gói hỗ trợ cho vay mua nhà, trong khi đó việc tiếp cận chưa biết sẽ được đến mức nào. Bên cạnh đó, còn có ý kiến cho rằng, lượng tồn kho bất động sản còn nhiều vậy tại sao lại khuyến khích xây nhà, liệu có thành bong bóng mới không?

Trước vấn đề này, ông Nam trả lời: “Tôi khẳng định nước ta có 90 triệu dân, tương đương khoảng 25 triệu hộ gia đình, 32% ở đô thị, tương đương khoản 30 triệu người. Theo báo cáo, số lượng tồn kho khoảng 40- 50 nghìn căn/ tổng số 25 triệu hộ gia đình. Vậy đây có phải con số lớn hay không, thiết nghĩ bạn đọc có thể tự bình luận.

Vấn đề “lớn” ở đây không nằm trong nhu cầu người dân, mà đây là dư thừa những căn hộ giá cao, có căn hộ lên tới 90 triệu đồng/m2 nằm ngoài khả năng thanh toán của người dân. Nhược điểm của thị trường bất động sản hiện nay là vừa thừa, vừa thiếu.  Chúng ta thừa căn hộ cao cấp, nhưng thiếu nhiều loại hàng hóa phù hợp mức sống và khả năng thanh toán của người dân.

Hiện nay, Hà Nội đang cần khoảng 100 nghìn căn hộ, chúng ta mới triển khai xây dựng được khoảng 10 nghìn căn, nên hiện đang còn thiếu những căn hộ phù hợp nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta ban hành Thông tư 02 cho phép chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, chuyển những dự án có cơ cấu căn hộ lớn sang căn hộ nhỏ, do vậy chúng ta không lo dư thừa, chính sách của chúng ta chỉ điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với quy luật cung cầu, quy luật hàng hóa.

Nhu cầu của chúng ta còn rất lớn, hiện còn khoảng 1,7 triệu dân đô thị sống dưới 5m2/người; khoản 2 triệu công nhân khó khăn về nhà ở. Chưa kể khoảng 10 triệu người sống dưới 10m2 đầu người. Vấn đề là cần có chính sách, quy mô hàng hóa phù hợp để phát triển bền vững”.

BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐỌC NHIỀU:


Lê Thịnh

Bình luận(0)