Gửi tiết kiệm 20 năm mua được… 3 kg thịt

Google News

(Kiến Thức) - Sau 20 năm gửi tiết kiệm, số tiền ban đầu đủ mua một căn hộ nhỏ ở Hà Nội, nay cả gốc lẫn lãi chỉ được 109.778 đồng... 

Từ năm 1982 - 1985, ông Lê Minh Toán ở số 50 Hàng Bài, phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội gửi ngân hàng 4.100 đồng. Khi đó, số tiền này đủ mua một căn hộ nhỏ ở Hà Nội. Khoảng 20 năm sau, ông Toán ra ngân hàng rút tiền, cả gốc lẫn lãi được 109.778 đồng; tính ra chỉ đủ mua 3 kg thịt lợn. 
Gửi tiết kiệm 20 năm được 109.778 đồng
Trong căn hộ tập thể ẩm thấp và cũ nát, ông Lê Minh Toán chủ nhà cho biết, năm 1980, ông công tác ở Công ty Điện lực Hà Nội, là nhân viên bậc 5/6, lương 310 đồng/tháng. Vợ ông cũng là công nhân một công ty Nhà nước. Hai vợ chồng nuôi ba người con bằng lương công chức. Lo cho tương lai con cái, cũng là để phòng hoạn nạn, vợ chồng tiết kiệm trong nhiều năm được 4.100 đồng gửi các quỹ tiết kiệm thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương (bây giờ là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). “Hai vợ chồng tích cóp từng đồng một, 12 lần đi gửi tiết kiệm, mỗi lần từ 200 - 500 đồng”, ông Toán nhớ lại.
Ngày 14/9/1985, Nhà nước ra quyết định đổi tiền theo tỷ lệ 10 đồng tiền cũ được 1 đồng tiền mới. “Mình gửi ở Ngân hàng Nhà nước, việc đổi tiền không ảnh hưởng, lãi suất vẫn theo quy định mà sinh lời. Những năm sau đó, hai vợ chồng bận công việc, không ra ngân hàng để kiểm tra số tiền lời lãi. Thay vào đó, tôi chăm chỉ làm thêm, đi khắp các gia đình trong khu phố sửa điện thuê, kiếm thêm tiền sinh hoạt. Còn khoản tiền tiết kiệm trong ngân hàng tôi cứ để đấy, phòng khi nào ốm đau, gặp chuyện bất trắc cần nhiều tiền mới ra ngân hàng rút”, chủ sổ tiết kiệm tâm sự.
Năm 2002, công việc đỡ bận bịu hơn, ông Toán cầm sổ tiết kiệm ra ngân hàng rút tiền. Tuy nhiên, địa chỉ và nhiều chi nhánh đổi tên hoặc sáp nhập chi nhánh khác. Việc tìm được địa chỉ rút tiền trở nên khó khăn với ông Toán. “Vào một số chi nhánh thuộc Ngân hàng Nhà nước để hỏi, toàn gặp các anh chị nhân viên mới, họ bảo các quỹ tiết kiệm trước đây đã giải thể hoặc sáp nhập nên tôi đành quay về nhà”, chủ tiết kiệm nhớ lại.
Gui tiet kiem 20 nam mua duoc… 3 kg thit
Ông Toán bên một sổ tiết kiệm còn giữ lại được. 
Sau nhiều lần tìm địa chỉ để rút tiền bất thành, đầu tháng 6/2002, ông Toán làm đơn phản ánh lên Ngân hàng Nhà nước Trung ương về việc gửi tiền tiết kiệm từ năm 1982 - 1985, nay muốn rút tiền nhưng không tìm thấy địa chỉ. Khiếu nại này được Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội đứng ra chịu trách nhiệm giải quyết. Ngày 26/6/2002, thanh tra chi nhánh này gửi thông báo đến chủ sổ tiết kiệm, mời đến trụ sở tại số 3 Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) xác minh sự việc.
Sau khi tiếp nhận bằng chứng từ chủ sổ tiết kiệm, thanh tra ngân hàng lập đoàn kiểm tra. Kết quả, xác minh được các quỹ tiết kiệm trước đây ông Toán gửi tiền nay thuộc Sở Giao dịch I Ngân hàng Công thương Việt Nam (số 10 Lê Lai, Hoàn Kiếm) và Chi nhánh Ngân hàng Công thương Việt Nam khu vực Hai Bà Trưng (số 25 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). 
Gửi 1 căn hộ, nhận 3 cân thịt lợn
Căn cứ vào kết quả thanh tra trên, Sở Giao dịch I Ngân hàng Công thương Việt Nam và Chi nhánh Ngân hàng Công thương Việt Nam khu vực Hai Bà Trưng lập tức rà soát các sổ tiết kiệm ông Toán trong dữ liệu ngân hàng, thông báo sẽ tính lãi theo mức cao nhất trước khi trả tiền cho chủ sổ tiết kiệm. “Tôi thở phào nhẹ nhõm, nghĩ sẽ lấy lại được số tiền lớn sau nhiều năm gửi tiết kiệm và tốn bao thời gian khiếu nại”, ông Toán nhớ lại.
Tuy nhiên, ông Toán “ngã ngửa” khi nhận được thông báo của ngân hàng, tổng số tiền cả gốc lẫn lãi gửi tiết kiệm sau 20 năm nhận được là 109.778 đồng. Số tiền lúc gửi có thể mua được căn hộ nhỏ, lúc nhận, tính cả lãi chỉ đủ mua được ba cân thịt lợn. Ông so sánh thêm, căn hộ tập thể vợ chồng ông đang sống mua vào đầu năm 1980, giá 3.100 đồng. Cũng khi đó, mệnh giá cao nhất là tờ 10 đồng; trong khi đến năm 2002, mệnh giá cao nhất là 100.000 nghìn đồng, gấp nghìn lần.
Gui tiet kiem 20 nam mua duoc… 3 kg thit-Hinh-2
 Ngân hàng công nhận số tiền gửi của ông Toán.
Với số tiền ít ỏi nhận được, ông Toán không đến ngân hàng nhận. Ông tiếp tục làm đơn khiếu nại lên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam lúc bấy giờ, cuối cùng đơn từ được trả vòng lại Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền. “Từ đó tôi bất lực, không biết kêu lên đâu”, chủ tiền tiết kiệm nói. Đến giờ, số tiền tiết kiệm trên của ông Toán vẫn nằm trong ngân hàng.
Sự việc tạm thời dậm chân tại chỗ hơn mười năm nay (từ 2002). “Thời gian này tôi luôn đau đáu phải làm sao để có được giá trị số tiền đã gửi. Nhiều lúc tôi “ăn không ngon ngủ không yên”. Rõ ràng giá trị tiền lúc gửi là lớn, đến khi nhận được cả gốc lẫn lãi thì thấp thảm hại, mặc dù nhìn vào mặt con số là lớn hơn”, ông lão phân vân. 
Hiện nay vợ chồng ông Toán có cuộc sống khá cơ cực. Ông tâm sự, hai đứa con trai đều đã ổn định gia đình. Nhưng nhà cửa chật chội, hai anh đều ra ngoài thuê trọ. Vợ chồng ông ở trong căn hộ tập thể chật hẹp, xuống cấp, sống bằng đồng lương hưu ít ỏi. “Chúng tôi đều đã ở tuổi 70, sức khoẻ yếu, chẳng biết còn sống được bao lâu. Những khi thiếu thốn, tôi cứ nghĩ đến số tiền mình gửi tiết kiệm, ước gì lấy lại được giá trị tiền trước đây, chẳng cần lời lãi để trang trải cuộc sống lúc về già”, ông lão tâm sự.
Ông Toán cho biết thêm, cả đời ông phục vụ đất nước, vậy mà số tiền tích cóp được gửi vào ngân hàng thì chẳng được hưởng đúng giá trị. Ông kể, từ năm 1960 - 1963, tham gia lực lượng công an vũ trang (bộ đội biên phòng ngày nay), trực tiếp chiến đấu với quân nhảy dù Mỹ - Diệm chống phá miền Bắc ở Mộc Châu, Sơn La. Giữa năm 1963 - 1965, ông về làm công nhân tại Sở Điện lực Hà Nội. Sau đó ông tái ngũ, trực tiếp tham gia đánh trận Khe Sanh – Đường 9 Nam Lào. Năm 1970 ông xuất ngũ, tiếp tục công việc tại sở điện lực cho đến khi về hưu. “43 năm phục vụ đất nước, tôi dành dụm được chút tiền tiết kiệm, thì nay không được hưởng”, ông Toán tâm sự. 
Nguyện vọng của ông Toán lúc này là mong muốn ngân hàng xem xét trả khoản tiền tiết kiệm cả gốc lẫn lãi đúng giá trị khi gửi để vợ chồng ông trang trải cuộc sống về già.
ThS Luật Vũ Tiến Vinh, Giám đốc Công ty luật Bảo An, Hà Nội, người nhiều năm nghiên cứu luật tài chính – ngân hàng cho biết: Xét về khía cạnh pháp lý, việc ngân hàng trả cả gốc và lãi như trên cho ông Toán là đúng đắn, không vi phạm pháp luật. Nguyên nhân dẫn đến việc ông Toán “mất tiền” là do đồng tiền bị lạm phát, mất giá. Để khắc phục tình trạng này, người gửi tiền cần kiểm soát được mức lãi suất từng thời điểm để biết cách rút, gửi tiền hợp lí, sinh lời. “Nếu gửi bằng hình thức bảo đảm vàng thì giá trị sẽ ít chênh lệch qua thời gian. Tuy nhiên hình thức này chưa được thực hiện phổ biến ở Việt Nam”, vị luật sư nói.
Luật sư cho biết thêm, dù ngân hàng không có nghĩa vụ bồi thường cho ông Toán giá trị tiền bị mất đi, nhưng xét hoàn cảnh kinh tế khó khăn, neo đơn của vợ chồng ông Toán, phía ngân hàng có thể hỗ trợ ông thông qua các hình thức làm nhân đạo, từ thiện.
Quách Minh

Bình luận(0)