Đồng phục biển quảng cáo: "Quá dị thường và bất hợp lý!"

Google News

(Kiến Thức) - Các chuyên gia kinh tế cho rằng quy định đồng phục biển hiệu quảng cáo trên đường Lê Trọng Tấn không chỉ bất hợp lý mà còn quá dị thường.

Mấy ngày gần đây, tuyến đường văn minh kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội Lê Trọng Tấn đã trở thành tâm điểm của dư luận, nhận được nhiều ý kiến tích cực của người dân khi vỉa hè rộng rãi, lòng đường thông thoáng và không còn tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra.
Tuy nhiên, dư luận cũng bất ngờ không kém khi chứng kiến tất cả các biển hiệu quảng cáo trên đường Lê Trọng Tấn được quy hoạch đồng bộ với màu sắc, chiều cao, kích cỡ tương đồng. Chiều cao trung bình của các loại bảng biển quảng cáo so với mặt đất được cố định khoảng 3,2m - 3,3m. Chiều cao bảng biển là 1,1m và chỉ được sơn 2 màu là xanh và đỏ.
Dong phuc bien quang cao: Qua di thuong va bat hop ly
Hình ảnh "đồng phục" biển quảng cáo trên đường Lê Trọng Tấn. Ảnh: Zing.
Theo quan sát, hầu hết các cửa hàng lớn nhỏ trên tuyến đường này đã thực hiện đúng quy định. Ngay cả những thương hiệu lớn như máy lọc nước Kangaroo đã quá quen thuộc với biển quảng báo có hai tone màu là xanh lá cây và trắng giờ cũng đã phải "mặc đồng phục". Bên cạnh đó nhiều thương hiệu lớn như May10, Biti's, siêu thị Vinmart … cũng không là trường hợp ngoại lệ.
Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A bức xúc cho biết: “Tôi có theo dõi sự việc này mấy ngày hôm nay và theo đánh giá cá nhân của tôi thì đây là việc làm hoàn toàn bất hợp lý và dị thường khi xét về mọi khía cạnh văn hóa, kinh tế trong thời đại hiện nay. Không biết ai là người đưa ra quyết định này, nhưng việc thực hiện theo quy định gắn biển quảng cáo đồng loạt này là một bước đi thụt lùi so với cơ chế kinh tế thị trường ở nước ta”.
Còn chuyên gia, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, Hà Nội phân tích: “Tôi không hiểu vì sao lại có hiện tượng này xảy ra. Chúng ta nên tôn trọng sự đa dạng của nền kinh tế, bởi một nền kinh tế có sự đa dạng, phong phú trong các hoạt động cạnh tranh, nhất là về hình ảnh thương hiệu thì mới có điều kiện để phát triển. Việc quy định gắn biển quảng cáo đồng loạt như vậy giữa các thương hiệu lớn, nhỏ sẽ dẫn đến sự tẻ nhạt, kìm hãm phát triển của các thương hiệu kinh doanh.
Dong phuc bien quang cao: Qua di thuong va bat hop ly-Hinh-2
"Hình ảnh mới' của thương hiệu Kangaroo. Ảnh: Zing.
Không chỉ các chuyên gia kinh tế mà nhiều người dân cũng khá bất ngờ trước vấn đề này. Chị Lê Thị Thu Trang (36 tuổi, làm việc tại Hà Nội) bày tỏ: “Mình có tham quan tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn sau hai ngày thông xe. Ban đầu mình thấy lạ vì tất cả các biển hiệu quảng cáo của các cửa hàng lớn, nhỏ trên tuyến đường này đầu dùng chung một kiểu mẫu chỉ khác giữa màu xanh và màu đỏ. Mình biết cách làm này sẽ tránh được nhếch nhác, nhà treo biển to, nhà dựng biển nhỏ tràn lan ra vỉa hè, đường phố. Nhưng như thế đồng nghĩa với việc đánh đồng các thương hiệu khác nhau, khiến người tiêu dùng rất khó nhận diện những thương hiệu quen thuộc. Đấy là chưa kể các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều vì khách hàng giờ cũng không nhận ra mình nữa".
Một nickname có tên Thu.P. đang có ý định mở cửa hàng trên tuyến đường này tỏ ra không hài lòng khi đăng dòng cảm xúc trên diễn đàn mạng: “Em định thuê mặt bằng mở cửa hàng trên tuyến đường này vì thấy nó là tuyến đường mới thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nhưng mới đây lạ thấy vụ đồng bộ biển quảng cáo thì em thấy ngán quá. Kiểu này thì khách hàng vào nhầm mất thôi. Thật là vô lý, làm gì có kiểu quảng cáo thương hiệu như vậy chứ”.
Dong phuc bien quang cao: Qua di thuong va bat hop ly-Hinh-3
Chia sẻ của một nickname tỏ ra không hài lòng với quy định trên. Ảnh chụp màn hình.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng đây là chính sách khá khiên cưỡng, chưa chắc đã phát huy được tác dụng tích cực.
Nhụy Hồ

Bình luận(0)