6 công nhân Việt chết cháy ở Đài Loan: Công ty môi giới có trách nhiệm gì?

Google News

(Kiến Thức) - Theo luật sư Cường: Nếu 6 công nhân Việt chết cháy ở Đài Loan có tiền đặt cọc ở công ty môi giới thì gia đình người lao động sẽ được nhận lại...

Liên quan đến những quyền lợi của 6 công dân Việt Nam tử nạn trong vụ cháy lớn xảy ra tại ký túc xá công nhân của Công ty Tịch Ca ở thành phố Đào Viên, Đài Loan hôm 14/12, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội.
Công ty môi giới phải trả lại tiền đặt cọc?
Chia sẻ với Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường nhận định: “Vụ 6 công nhân Việt chết cháy ở Đài Loan là sự việc xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nên vấn đề về trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại và trách nhiệm hình sự (nếu có) trước tiên sẽ áp dụng theo luật của Đài Loan để giải quyết.
Tuy nhiên, trong số những người bị thiệt mạng tại vụ cháy ở Đài Loan, có công dân Việt Nam nên vẫn có thể áp dụng pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam và Đài Loan ký kết để giải quyết”.
 Vụ cháy kinh hoàng tại nhà máy ở TP Đào Viên. Nguồn ảnh: CNA.
Mời quý độc gải xem video "6 công nhân Việt chết cháy ở Đài Loan". Nguồn: VTC1.
Luật sư Cường phân tích, theo pháp luật Việt Nam, căn cứ tại Khoản 1, Điều 17 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định về Hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và hợp đồng lao động thì “Trách nhiệm của các bên khi người lao động chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài” là nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc và hợp đồng lao động. Cụ thể:
“1. Hợp đồng cung ứng lao động phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động và có những nội dung chính sau đây:
a) Thời hạn của hợp đồng;
b) Số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài; ngành, nghề, công việc phải làm;
c) Địa điểm làm việc;
d) Điều kiện, môi trường làm việc;
đ) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
e) An toàn và bảo hộ lao động;
g) Tiền lương, tiền công, các chế độ khác và tiền thưởng (nếu có); tiền làm thêm giờ;
h) Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt;
i) Chế độ khám bệnh, chữa bệnh;
k) Chế độ bảo hiểm xã hội;
l) Điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
m) Trách nhiệm trả chi phí giao thông từ Việt Nam đến nơi làm việc và ngược lại;
n) Tiền môi giới (nếu có);
o) Trách nhiệm của các bên khi người lao động bị chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
p) Giải quyết tranh chấp;
q) Trách nhiệm giúp đỡ người lao động gửi tiền về nước.”
Do đó, trong vụ 6 người lao động Việt Nam chết ở Đài Loan vừa qua, cần phải xem lại Hợp đồng đưa người lao động ra nước ngoài làm việc giữa công ty môi giới với người lao động; Hợp đồng lao động giữa công ty nhận người lao động vào làm việc với người lao động để biết được 2 bên đã thỏa thuận như thế nào về vấn đề trách nhiệm của công ty môi giới, công ty nhận người lao động trong trường hợp người lao động chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài như thế nào thì sẽ thực hiện theo hợp đồng đã ký kết đó.
Nếu trong trường hợp người lao động đã mất có tham gia bảo hiểm tại công ty thì gia đình người lao động sẽ được hưởng số tiền bảo hiểm đó. Nếu người lao động có tiền đặt cọc ở Công ty môi giới thì gia đình người lao động sẽ được nhận lại số tiền đặt cọc đấy.
Ngoài ra, vụ việc này cần phải chờ kết luận nguyên nhân vụ hỏa hoạn từ phía cơ quan chức năng Đài Loan để xác định trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Về nguyên tắc pháp luật, nếu người lao động bị thiệt mạng trong thời gian lao động thì thân nhân của họ sẽ được người sử dụng lao đồng bồi thường, hỗ trợ một khoản chi phí cho những thiệt hại đó và sẽ được hưởng những chính sách đối với lao động tử tuất theo quy định của pháp luật nước sở tại.
Công ty Tịch Ca phải chịu hoàn toàn trách nhiệm?
Bên cạnh đó, được biết Công ty Tịch Ca nhiều lần không tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động. Điển hình như hồi tháng 8, Tịch Ca bị phạt 30.000 TWD (1.000 USD) và yêu cầu dừng hoạt động cho đến khi cải thiện các biện pháp an toàn nhằm tránh xảy ra tình trạng công nhân bị ngã và bị thương. Tịch Ca cũng bị phạt 20.000 TWD (hơn 660 USD) vì không tuân thủ Luật Tiêu chuẩn Lao động do không trả lương làm thêm ngoài giờ cho công nhân...
Vậy nên, trong vụ việc 6 người lao động tử nạn tại ký túc xá của Công ty Tịch Ca, nếu nguyên nhân vụ hỏa hoạn là do Công ty Tịch Ca không đảm bảo các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy, các lối thoát hiểm theo quy định dẫn đến vụ hỏa hoạn thì Công ty Tịch Ca phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với cái chết của 6 người lao động Việt Nam.
Hơn nữa, từ những vụ phạt hành chính về việc không tuân thủ các tiêu chuẩn lao động của Công ty Tịch Ca như đã nêu trên, có căn cứ để nghi ngờ về việc Công ty Tịch Ca có tuân thủ đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy hay không.
Mặt khác, trong vụ việc 6 người Việt tử nạn ở Đài Loan, cần xem lại Hợp đồng lao động đã ký giữa công ty và người lao động để biết 2 bên đã thỏa thuận về vấn đề trách nhiệm như thế nào làm căn cứ để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bồi thường, hỗ trợ khi người lao động thiệt mạng.
Ngoài ra, sự việc xảy ra thiệt hại xảy ra là rất lớn, 6 người lao động Việt Nam tử nạn tại ký túc xá của công ty, vì vậy công ty phải có trách nhiệm hỗ trợ vấn đề đưa thi thể người lao động về nước, hỗ trợ chi phí mai táng và bồi thường thiệt hại cho gia đình người lao động.
Bảo Ngọc

>> xem thêm

Bình luận(0)