Sao "chúng tôi chưa thấy Niết bàn"?

Google News

Mọi cõi ở trong tâm ta thôi, thiện – ác tại tâm, làm sao có thể hiểu “niết bàn” là thứ vật chất có thể nhìn thấy sờ mó...

Tôi có một tình thân với ông giáo già nghỉ hưu đã mấy năm sau cả một đời gắn bó với bụi phấn từ chân giáo viên Ngữ văn, Phó Hiệu trưởng rồi đứng đầu ngôi trường THPT hàng top của tỉnh về số lượng học sinh và chất lượng dạy. Tóc thầy bạc trắng rồi, mà cái nghiệp làm thầy vẫn chưa dứt. Cũng cái nghiệp chung – đồng nghiệp – khiến chúng tôi có một tình thân, tôi vốn cũng được cầm phấn mấy năm ở trường làng.
Về hưu sau một đời gắn bó trường lớp, tách mình khỏi guồng công việc liên tục, khẩn trương, thầy hụt hẫng với một khoảng trống vắng khi gia dình con cái điều có cuộc sống riêng, đồng nghiệp thì phần lớn cũng không có thời gian để mà hàn huyên đổi trao tâm sự. Hưu trí luôn luôn có điểm chung như thế, buồn buồn cho dù cơm áo không phải lo nhiều. Mà cuối đời một số bi kịch lại diễn ra theo vòng sinh – lão – bệnh – tử khiến thầy phiền lòng.
Sao
 Ảnh minh họa. 
Và chúng tôi cùng mượn bước chân thể dục kiểu thiền hành quanh một cái hồ rộng quang tạnh như một cách thư giãn, yên tịnh thân tâm. Cũng khó tin: đến giờ thầy trò chúng tôi đã đều đặn đi quanh hồ nước rộng ấy gần hai năm! Gần như không bỏ buổi chiều nào trừ những lúc đặc biệt bất khả kháng. Tách khỏi quốc lộ, xa dòng chảy đầy xe cộ và khói bụi, vào chừng 200 m, qua một cánh rừng trồng kiểu công viên, vào hồ nước. Chu vi mặt nước chừng 500 m, vậy 365 ngày nhân 2 nhân 500 m ra bao nhiêu cây số? Có lần thầy hỏi tôi như thế.
Không Quy y, lại học triết học duy vật và làm nhà nước, thầy không hoàn toàn thấy sự hữu lý của tư tưởng nhà Phật song không thể nói là không hiểu đạo do 4 năm Đại học diễn ra tại một cơ sở giáo dục Phật giáo ở Sài Gòn: Đại học Vạn Hạnh. Những khái niệm cơ bản về Giới luật và tư tưởng Phật giáo nói chung, thầy hiểu.
Trong hai năm cùng bộ hành thầy nói nhiều những tâm tình có tính riêng tư về nghề, về đời và chính bản thân mình, tôi cũng thế. Tin cậy, sẻ chia. Hôm qua, chợt thầy hỏi nhỏ một cách ý tứ: thầy trò mình đi hai năm liên tục, sao không thấy niết bàn? Và cười...
Tôi nghĩ. Nếu người khác hỏi vậy thì có thể không có vấn đề gì, có thể bâng quơ ngẫu nhiên không chừng. Đằng này thỉnh thoảng giữa tôi và thầy có những tranh luận về niềm tin và lập trường người giáo viên ấy luôn luôn duy vật, cũng không tiện phản bác một vấn đề tế nhị nhưng có suy nghĩ là đương nhiên.
Niết bàn ở đâu? Mọi cõi ở trong tâm ta thôi, thiện – ác tại tâm, làm sao có thể hiểu “niết bàn” là thứ vật chất có thể nhìn thấy sờ mó kiểu một ngọn đồi hay một tòa nhà hoặc một nơi chốn cụ thể nào đấy. Mọi cõi, tất nhiên địa ngục cũng thế, trong tâm, vạn pháp duy tâm tạo mà. Nếu trong hai năm dài đằng đẵng với vạn bước chân quanh một hồ nước, kiên trì bền bĩ và thành tâm, thầy trò cùng buông xả, tâm từ bi, lòng sám hối, ngẫm lại mọi nghiệp đã trót tạo, sửa mình.. thì biết đâu đã tìm thấy niết bàn tại tâm qua sự thanh lặng tịch tịnh, nhẹ nhõm của một tâm không con cắn rứt, day dứt, dày vò khổ não.
Hai năm, cùng đổi trao lời Phật dạy, từ tứ diệu đế đến bát chánh đạo, giới luật và pháp tu.. Rồi trong hai năm cố sức hành tập trong mọi sự từ gia đình, ngoài xã hội, biết đâu thầy trò đã được diễm phúc nhìn thấy chút niết bàn như phần thưởng dành cho công hạnh tạo được?
Nhưng, lại nhưng, trong hai năm ấy chúng tôi không được như thế. Thầy trò thường “đồng hành” bước đi của mình với biết bao chuyện đời trần tục đầy hỉ nộ ái ố. Đề tài xuyên suốt là giáo dục, “món” mà thầy đã mang mà mơ ước không trọn khi sự ngổn ngang trong học đường khiến ông giáo đao đáo phiền muộn. Tôi cũng bị cuốn vào đấy có khi hăng đến mức quên cả thân phận và quan hệ thầy – trò, sân si có đủ, vậy niết bàn ở đâu thì rõ rồi, ta không tịnh làm sao mà đòi hỏi niết bàn? Vậy đó. Hai năm, tiếc quá...
Hối như thế song cũng có chút mừng: ngộ ra được vậy cũng còn cơ may thấy niết bàn. Thầy còn chỉ sang bên phải hồ nước nơi người ta bắt đầu thi công tòa nhà cao tầng khi chúng tôi bắt đầu đi, giờ gần như xong, “niết bàn chưa thấy mà tòa nhà đã xây xong!”, tôi không cười được. Cũng không thể hiểu như thế, quá giản đơn, niết trong tâm quý báo vô lượng sao có thể hài hước so với một tòa nhà. Triết học mênh mông hơn nhiều lắm...
Mà thầy đã già rồi...
Theo Nguyễn Thành Công/Phật giáo Việt Nam

Bình luận(0)