“Tại sao em lại ở chùa?“

Google News

Dạ, tại em thích đi tu. Vì sao em chọn đi tu? Em đi tu để độ chúng sanh...

Câu trả lời hồn nhiên và thơ ngây của chú tiểu nơi tu viện làm tôi nhớ lại cái hình ảnh hôm nào của mình...

Cha mẹ tôi có đến ba người con, gồm hai trai và một gái, tôi là anh cả trong gia đình. Từ nhỏ, tôi đã thích đến chùa lễ Phật, thích được ăn chay, niệm Phật…Thấy vậy nên gia đình sợ tôi đi xuất gia và đã không cho tôi đến chùa nữa. Tuy thế, tôi cũng tìm mọi cách để được đến chùa.

 Nơi chùa nhỏ trên núi, thầy trò cùng nhau tu tập - Ảnh: T.K.

Những bữa chiều, tôi cũng mặc đồ bình thường như các bạn và đi chơi, rồi chạy đến nhà cô Phật tử tôi quen thay bộ đồ vạt-hò vào, đến chùa tụng kinh. Có những hôm bị phát hiện, thế là bị ăn đòn, nhưng tôi vẫn tìm mọi cách đến chùa. Ngày rồi lại ngày, cứ thế thời gian trôi qua, tôi cũng tốt nghiệp phổ thông, các bạn tôi nô nức nộp hồ sơ dự thi đại học, tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng, sau khi dự thi xong, tôi trốn nhà để thực hiện chí nguyện của mình là: “Xuất gia tu học”.

Nơi tôi chọn xuất gia là một ngôi chùa nhỏ ở trên núi, xung quanh là những vườn chè xanh bát ngát, có con suối nhỏ chảy róc rách ngày đêm, cùng những tiếng chim hót líu lo tạo nên một khung cảnh thật thiền vị. Sư phụ rất thương huynh đệ chúng tôi, dạy bảo rất tận tâm với những cử chỉ chu đáo và hiền từ nhưng vẫn toát lên vẻ trang nghiêm.

Vào những buổi chiều, thầy thường dẫn chúng tôi thiền hành dọc theo con suối, rồi dừng lại bên những vách đá mà chỉ dạy chúng tôi. Tôi nhớ có hôm, thầy nhìn huynh đệ chúng tôi mà bảo rằng: “Khi xưa, các vị gần Phật, khi nghe Ngài thuyết pháp có thể chứng quả A-la-hán, A-na-hàm, Tu-đà-hoàn…”. Nói rồi, thầy dí dỏm: “Khi ở gần thầy, nghe những lời chỉ dạy của thầy, mong sao các con có thể chứng được quả “tu đàng hoàng” là thầy vui rồi”.

Đôi lúc, thầy dẫn theo đi hoằng pháp, thính chúng ngồi dưới nghe rất đông. Khi về phòng, tôi thưa thầy rằng: “Hôm nay, thầy giảng hay quá, thính chúng ngồi nghe rất đông và chú tâm”. Thầy quay sang bảo rằng: “Con này! Mình chỉ là người trùng tuyên lại lời của chư Phật, chư Tổ thôi con. Trong kinh Niết-bàn, Thế Tôn dạy rằng, “Hơn 49 năm qua Ta chưa từng nói lời nào”. Cả Đức Phật là bậc vĩ đại còn nói thế thì thầy có là gì hả con. Mai sau, con lớn khôn đi ra hoằng pháp lúc nào cũng hãy tâm niệm rằng mình chỉ là người nói lại lời dạy của Phật, của Tổ thôi chứ mình chẳng là gì cả. Mình làm được việc gì cũng hãy tâm niệm rằng mình chỉ làm vì sự thật thôi, vì vốn nó là vậy từ bao giờ”.

Cuộc đời thầy sống cũng rất giản dị, đi hoằng pháp được cúng dường những vật dụng gì về thầy cũng chia đều có các thầy ở chùa, không sử dụng riêng cho mình. Đôi lúc, trong người không khỏe, nhưng có chùa thỉnh đi giảng thầy cũng không từ chối. Có lúc thấy thầy mệt, các huynh đệ nói: “Sao thầy không tịnh dưỡng mà phải đi như thế này”. Thầy bảo rằng: “Tâm nguyện thầy là có thể đem Chánh pháp của Phật, Tổ đến với mọi người. Nếu mai này, trên đường đi hoằng pháp mà qua đời thì thầy cũng mãn nguyện”.

Ngày tôi xa thầy để chuẩn bị đi học, tối đó thầy kêu lên mà dạy rằng: “Con lớn khôn phải biết tự lo cho mình, xuống đô thị có rất nhiều thứ  cám dỗ, làm việc gì phải lấy lời Phật, Tổ ra mà suy xét việc làm của mình. Lấy trí tuệ mà trang nghiêm cho chính mình. Nói năng, hành động phải có oai nghi tế hạnh. Lúc nào cũng tự hỏi chính mình rằng mình xuất gia vì điều gì? Mình có làm đúng với tâm nguyện của mình chưa? Con hãy nhớ kỹ những điều này”.

Xa thầy, xa chùa mới được ba tháng thôi, nhưng tôi có cảm giác xa ba năm vậy. Tôi nhớ thầy, nhớ huynh đệ và nhớ hình dáng chú điệu hôm nào khi mới vào chùa. Những lời thầy chỉ bảo nghe như mới thoáng ngày hôm qua và in sâu trong đầu mình. Tôi tin mình đã chọn đúng thầy, đúng con đường và tâm tâm niệm niệm giữ vững lòng tin đó trên bước đường tu tập và không ngừng trau dồi trí tuệ như pháp danh Tâm Kiên mà thầy đã ban cho thuở ban sơ vào chùa quy y Tam bảo, lạy thầy xin được thế phát xuất gia…

TIN BÀI LIÊN QUAN

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo Giác Ngộ

Bình luận(0)