Người tu với mạng xã hội là sự kết hợp mới lạ

Google News

Cái gì cũng có 2 mặt rõ rệt, nếu mình biết sử dụng thì đó là mặt mạnh, mặt ưu bằng không thì ngược lại.

- Nhiều tu sĩ Phật giáo sử dụng mạng xã hội facebook, blog... đã tác động cả 2 chiều đến sự tu học. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Kienthuc.net.vn có cuộc trò chuyện với Đại đức Thích Tâm Phương, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế.

[links()]

Theo Đại đức, việc dùng mạng xã hội có ảnh hưởng đối với người tu sĩ như thế nào?

Đại đức Thích Tâm Phương - Ủy viên Ban trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế

Thông qua trang mạng xã hội người tu sĩ cũng như Phật tử nắm bắt được các vấn đề Phật sự quan trọng trong và ngoài nước. Từ đó, có thể đúc rút những kinh nghiệm về tổ chức và đóng góp ý kiến xây dựng chung cho Giáo hội, chia sẻ cùng nhau để phát triển Đạo pháp. 

Vấn đề tu tập cũng thế, có nhiều lúc những vị Tăng Ni trẻ rất ngại và sợ sệt khi có những thắc mắc, tâm sự không dám bộc bạch trực tiếp với ai. Tuy nhiên, nhờ vào mạng xã hội này, người tu sĩ có thể cùng nhau chia sẻ và trao đổi các vấn đề tu tập.

Tuy nhiên, thời gian gần đây điển hình trong mấy ngày qua đã xảy ra rất nhiều chuyện đến với giới tu sĩ Phật giáo. Những bài viết về các chú tiểu mới vào chùa đạo chưa thắm, đời chưa phai, đã phần nào ảnh hưởng đến Phật giáo nói riêng và quần chúng nói chung.

Đây có thể coi là một trong những phương tiện truyền bá Phật pháp khá hữu ích trong thời đại ngày nay?

Hiện nay, phần đông người có tín tâm và muốn tìm hiểu về đạo Phật vì bận rộn công việc gia đình, cơ quan, xã hội... nên không có thời gian đi chùa, tụng kinh, ngồi thiền, nghe pháp được.

Nhờ vào trang thông tin điện tử, mạng xã hội họ sẽ được nghe và đọc thêm nhiều Kinh điển, kiến thức Phật pháp trong thời gian nghỉ ngơi ở mọi lúc, mọi nơi. Khi đó, những bài thuyết giảng của người tu sĩ đăng lên mạng xã hội sẽ rất lợi lạc cho mọi người.

Người tu sĩ cần nhận thức đúng việc sử dụng mạng xã hội và đem lại lơi lạc cho tín đồ Phật giáo

Riêng với giới trẻ khi mà họ ý thức được quay về nương tựa Tam bảo, dù online thì đó cũng là nơi họ cảm thấy bình an và là tìm lại được chính mình. Và coi mạng xã hội, chứa đựng tin Phật giáo như ngôi chùa online. Do đó, đây sẽ là phương tiện truyền bá chánh pháp hữu ích mà người tu sĩ nên thực hiện trong giai đoạn hiện nay. 

Người tu sĩ với mạng xã hội vẫn còn là một sự kết hợp mới lạ. Vậy người tu sĩ cần phải làm như thế nào để đưa Phật pháp đi xa hơn thưa Đại đức?

Trước hết, người tu sĩ cần thấy mặt lợi trong công tác truyền bá chánh pháp nhằm đem ánh sáng và lợi lạc của Phật pháp đến với mọi giai tầng lớp thông qua mạng xã hội.

Bên cạnh đó, cần cẩn thận trong tất cả mọi vấn đề từ nội dung đến hình thức. Khi viết bài, đăng hình ảnh hoặc giảng pháp thì cần phải cân nhắc kỹ các vấn đề nhạy cảm, tránh sự ngộ nhận, hiểu lầm không hay đến một cá nhân hay một tập thể trong Phật giáo.

Hơn nữa, cần phải phù hợp với thực tế và căn cơ của từng đối tượng già, trẻ... Có như vậy, người tiếp nhận mới hiểu được vấn đề họ mong muốn.

Bên cạnh nhiều tu sĩ sử dụng mạng xã hội làm phương tiện hoằng pháp thì có những tu sĩ lại  đăng thông tin, hình ảnh không mấy thiện cảm. Đại đức đánh giá thế nào?

Như tôi đã nói ở trên, cái gì cũng có 2 mặt rõ rệt, nếu mình biết sử dụng thì đó là mặt mạnh, mặt ưu bằng không thì ngược lại.

Nhiều tu sĩ trẻ đã lạm dụng trang mạng xã hội để đưa lên những hình ảnh nghịch ngợm, trêu chọc, đùa giỡn... nên đã xảy ra những điều đáng tiếc mà vừa qua báo chí đưa tin như chú tiểu hộ tống cô gái đi thi hoa hậu...

Để đánh giá vấn đề này theo tôi thì các vị trụ trì cũng như Tăng chúng, những người có trách nhiệm thì phải quản lý chặt chẽ, theo dõi sát sao đệ tử của mình và chia sẻ những mặt trái, mặt phải của trang mạng Internet, công nghệ thông tin hiện nay.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người tu sĩ. Họ nên nhận thức được việc họ đang phải làm là truyền bá chánh pháp tới cộng đồng chứ không phải dùng mạng xã hội để tán ngẫu hay làm những việc trái với giới luật.

Bùi Hiền (thực hiện)

Bình luận(0)