Lặp lại kịch bản đẩy giá cao để vơ vét thủy sản
Đang ở chính vụ thu mua hải sản nhưng hàng trăm doanh nghiệp chế biến thủy hải sản ở miền Trung rơi vào cảnh khó khăn khi hầu hết nguồn nguyên liệu đã và đang bị thương lái Trung Quốc thu mua với giá cao ngất ngưởng.
Năm nay, trời yên biển lặng nên chỉ 10 ngày sau Tết, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân miền Trung lại tấp nập cập bến Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) với những khoang tàu đầy ắp cá tôm. Nhưng chỉ trong khoảng nửa ngày cập bến, hàng tấn hải sản này đã được thương lái Trung Quốc mua hết với giá cao hơn từ 3-4 lần so với giá thị trường.
|
Sau khi tàu thuyền cập bến, chỉ ít giờ sau hàng tấn hải sản của ngư dân đều bị các thương lái Trung Quốc vét sạch với giá cao. |
Nhiều ngư dân cho biết, mọi năm, mỗi khi cập bến, ngư dân phải mất cả tuần mới bán hết lượng hải sản đánh bắt được. Nhưng khoảng vài ba tháng gần đây, tại Đà Nẵng bỗng nhiên xuất hiện nhiều thương lái nước ngoài (nhiều nhất là Trung Quốc) đến thu mua hải sản với giá cao nên chỉ trong khoảng một ngày là hàng tấn cá, tôm đều được bán hết.
Anh Lê Văn Bảy (ở Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng cho biết, khi tàu cập bến, chỉ cần có hàng là thương lái Trung Quốc mua hết, không kể là tôm hay cá, loại to hay nhỏ. Họ cũng không quan tâm cá đánh từ bao giờ mà chỉ cần đừng quá ươn. “Thú thật, chúng tôi cũng không biết họ mua rồi chuyển đi đâu, làm gì nhưng thấy họ mua giá cao hơn thì chúng tôi bán tất”, anh Bảy nói.
Theo tiết lộ của nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ, chỉ số rất ít thương lái Trung Quốc ra mặt mua hàng, còn đại đa số họ đều núp sau các đầu nậu là người Việt Nam để thu gom. Chiêu trò mà các thương lái này thường sử dụng là “bơm tiền” cho các đầu nậu, sau đó các đầu nậu này cho ngư dân vay tiền để mua ngư lưới cụ, đá cây và các nhu yếu phẩm cần thiết khác để đi biển. Tất nhiên, khi đánh bắt trở về, ngư dân này phải bán cá cho các đầu nậu và các đầu nậu sẽ chuyển hàng cho các ông chủ là người Trung Quốc. Nhiều ngư dân khác, dù không vay tiền của các đầu nậu nhưng vì ham lời nên cũng sẳn sàng cắt mối làm ăn với các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong nước để “làm ăn” với thương lái Trung Quốc.
Doanh nghiệp khan hiếm nguyên liệu ngay trên sân nhà
Là doanh nghiệp có thâm niên hàng chục năm sản xuất kinh doanh ở miền Trung nhưng nhiều tháng trở lại đây, Công ty Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) đang phải đối mặt với cảnh khan hiếm nguyên liệu ngay tại sân nhà. Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) bức xúc, cho biết: Thông thường, các thương lái Trung Quốc tổ chức thu gom sau ngày rằm tháng giêng, nhưng năm nay, họ rầm rộ thu gom từ rất sớm. Không những thu gom hải sản từ ngư dân, nhiều thương lái Trung Quốc còn tìm cách đặt cọc tiền sớm cho các chủ hồ nuôi tôm ở đất liền nhằm “vét” hàng vào đợt cao điểm những tháng tới.
Ông Lê Hồng Sơn - Chủ tịch HĐQT Saprodex (Đà Nẵng) cũng cho biết, khó nhất bây giờ không hẳn là tìm kiếm đơn hàng mà là vấn đề chủ động nguồn nguyên liệu. Năm 2013, không ít lần công ty này lâm vào thế khó khi nguồn cung cấp nguyên liệu bị khan hiếm trầm trọng. Điển hình, tháng 7 vừa qua, vụ thu hoạch tôm thứ hai trong năm của nông dân vừa bắt đầu thì thương lái Trung Quốc ồ ạt sang thu gom. Theo tôi biết thì các thương lái Trung Quốc thường núp bóng dưới các đầu nậu, đơn vị thu gom người Việt, rồi chào giá cao. Nhiều khi chào giá gấp 2-3 lần so với giá thị trường. Lý do này khiến các hồ nuôi ồ ạt bán tháo cho phía Trung Quốc để kiếm lời, đẩy các vùng nguyên liệu truyền thống của doanh nghiệp trong nước rơi vào khan hiếm. Không riêng lĩnh vực tôm, hiện nay các doanh nghiệp chế biến hải sản, cá, mực khô xuất khẩu cũng lao đao vì thiếu nguyên liệu.
Theo ông Lĩnh, thương lái Trung Quốc đang lũng đoạn nhiều lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có chế biến thủy sản. Bản thân các doanh nghiệp nước này cũng thiếu nguyên liệu nên họ ồ ạt sang thu gom ở thị trường khá tiềm năng như Việt Nam. Đáng nói, tình trạng này không chỉ đẩy doanh nghiệp nội địa vào tình huống khó khăn mà còn phá hỏng cả nền sản xuất tôm, nuôi trồng và khai thác ở mức độ lớn. “Thương lái Trung Quốc ồ ạt mua tôm nguyên liệu, họ không khắt khe về các tiêu chuẩn an toàn chất lượng nên người dân dễ bán. Khi xuất khẩu mặt hàng này ra thế giới, họ đổ lỗi cho người nuôi và làm mất thương hiệu tôm Việt Nam”, ông Lĩnh nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do phải đối mặt thêm với “đối thủ” là các thương lái Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp chế biến nhỏ ở miền Trung đã phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng. Các doanh nghiệp lớn thì phải “bơi” ra thế giới để nhập nguyên liệu về chế biến. Đơn cử như Công ty Thuận Phước, năm 2013 Cty này đã phải nhập nguyên liệu từ Ấn Độ, Ecuado về để đảm bảo việc làm cho 2.400 công nhân, đảm bảo các hợp đồng xuất khẩu.