Trang mạng Sina dẫn tin tức từ Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa một giàn khoan nữa ra hoạt động ở Biển Đông.
Trang mạng này cho hay: “Theo tin tức website của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc, ngày 9/7/2014 đến 30/6/2015, giàn khoan Nam Hải 4 sẽ ra hoạt động ngoài khơi trong Biển Đông”. Mạng Sina cũng cho biết, Trung Quốc cấm các tàu bè không được qua lại trong bán kính 2 km từ giàn khoan Nam Hải 4.
|
Giàn khoan dầu Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
|
Vị trí của giàn khoan này ở tại tọa độ: 18°36’48’’ Bắc, 107°40’28’’ Đông. Căn cứ vào tọa độ này và so sánh với đường ranh giới theo Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì điểm đặt giàn khoan Nam Hải 4 thuộc phía bên kia đường ranh giới.
Tuy nhiên, đây là một hành động leo thang của phía Trung Quốc. Bởi lẽ các giàn khoan ngày càng được kéo vào sát trước “mũi” Việt Nam.
Khởi đầu là giàn khoan Hải Dương 981 đặt ở phía tây nam Hoàng Sa hôm 2/5. Hơn 1 tháng sau, vào ngày 20/6, Trung Quốc kéo tiếp giàn khoan Nam Hải số 9 vào tọa độ: 17°14,1’ Bắc, 109°31’ Đông. Vị trí của Nam Hải 9 nằm trong vùng chồng lấn chủ quyền chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc ở phía ngoài cửa vịnh Bắc Bộ.
Đến nay, Trung Quốc lại kéo tiếp giàn khoan Nam Hải 4 vào trong vịnh Bắc Bộ. Mặc dù với tọa độ được thông báo, giàn khoan này vẫn nằm trong vùng biển Trung Quốc nhưng chưa thể nói trước rằng nó có ở yên đấy hay sẽ còn di chuyển đi đâu.
Có tin cho biết hiện Trung Quốc đang cấp tốc đóng thêm nhiều giàn khoan nữa. Một vấn đề đặt ra là phải chăng Trung Quốc muốn dùng các giàn khoan để “bao vây” Việt Nam?
Nhìn trên bản đồ vị trí các giàn khoan hiện tại thì đã có 3 giàn khoan Trung Quốc vây lấy vùng biển Việt Nam. Trong đó, giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, giàn khoan Nam Hải 9 nằm trong vùng biển chồng lấn chưa phân định, mà theo Công ước quốc tế thì những vùng chồng lấn không được phép đơn phương tự ý thăm dò, khai thác.
Mặc dù giàn khoan Nam Hải 4 theo tọa độ thì không xâm phạm chủ quyền Việt Nam nhưng lại có ý nghĩa biểu tượng. Trong vùng biển hẹp của vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc đặt vào giữa một giàn khoan và cấm tàu bè qua lại trong bán kính 2 km, điều đó giống như người hàng xóm đem đổ một đống đá chặn trước cổng vào nhà của người khác.
Một số nhà quan sát quốc tế đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang chơi một chiến thuật nguy hiểm. Họ đóng thật nhiều giàn khoan và dựa vào lực lượng tàu Hải giám, Hải cảnh hùng hậu để hộ tống. Cứ thế, họ sẽ đưa nó đến bất cứ đâu trong Biển Đông. Qua việc đặt tiếp giàn khoan Nam Hải 9 và Nam Hải 4 của Trung Quốc, ta thấy có lẽ Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện chiến thuật nham hiểm trên.
|
Giàn khoan dầu thứ 2 của Trung Quốc ở Biển Đông là Nam Hải số 9.
|
Tờ nhật báo hàng đầu của Philippines Inquirer ngày 13/7 cho biết, quan chức ngoại giao Bắc Kinh đã ngang ngược tuyên bố rằng, các hoạt động khai thác dầu khí của công ty nước ngoài ở vùng biển Trung Quốc tranh giành với các nước trên Biển Đông mà không có sự cho phép của Trung Quốc là “bất hợp pháp”.
Theo tờ Inquirer, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi vừa chỉ trích thông tin cho biết một công ty năng lượng ở London đã được Chính phủ Philippines cho phép gia hạn thêm một năm kế hoạch khoan trong một dự án khí đốt tự nhiên ở Reed Bank (Bãi Cỏ Rong) trên Biển Đông.
Ông Hồng Lỗi nói trong cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh rằng: “Không có sự cho phép của Trung Quốc, việc khai thác dầu khí của bất kỳ công ty nước ngoài nào trong vùng biển dưới quyền thực thi pháp lý của Trung Quốc là phi pháp và không có giá trị”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Philippines sẽ có tuyên bố chính thức về bình luận của ông Hồng Lỗi vào ngày14/7.
Trong khi đó, một nghị sĩ Philippines cho rằng Trung Quốc thường đưa ra tuyên bố chủ quyền vô lý đối với một phần thềm lục địa không thể tranh cãi của Philippines. “Bắc Kinh hoàn toàn sai lầm nếu họ nghĩ rằng có thể hăm dọa được Philippines với chiến thuật bắt nạt của mình”, nghị sĩ này cho biết.