Phiên tòa xử 9 ngư dân Trung Quốc do bắt hàng trăm con rùa biển của Philippines tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông vừa bị hoãn do thiếu thông dịch viên. Công tố viên Philippines cho biết nguyên nhân của việc này là do áp lực từ phía Trung Quốc.
Buổi điều trần trước khi xét xử của các ngư dân Trung Quốc trước đó cũng bị hoãn 2 lần. Dự kiến, phiên tòa tiếp tục bị hoãn cho tới khi tìm được phiên dịch.
“Chúng tôi không thể tìm được thông dịch viên đủ tiêu chuẩn cho các ngư dân Trung Quốc”, một công tố viên giấu tên trả lời Reuters cho biết.
Thương gia Trung Quốc trên đảo Palawan – người thường làm phiên dịch tự nguyện cho tòa án đã xin từ bỏ vị trí.
|
Ngư dân Trung Quốc bị Philippines bắt giữ. |
“Có áp lực rõ ràng từ phía đại sứ quán Trung Quốc. Những người này tiến hành việc kinh doanh ở Trung Quốc nên họ không muốn liên quan đến phiên tòa xử ngư dân Trung Quốc”, viên công tố kể trên cho biết thêm.
Đại sứ quán Trung Quốc cũng không đưa ra bất cứ bình luận nào về phát biểu của công tố viên Philippines.
Tòa án đảo Palawan đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Philippines ở Manila cung cấp người phiên dịch chính thức để tránh việc hoãn phiên toàn. Nhưng luật sư được chỉ định để bào chữa cho các ngư dân Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong việc lấy giấy chứng nhận từ đại sứ quán Trung Quốc ở Philippines để có thể làm người bào chữa hợp pháp.
Trong tháng 5, Cảnh sát biển Philippines bắt thuyền cá Trung Quốc tại Bãi Trăng Khuyết và giữ 11 ngư dân. Bãi Trăng Khuyết thuộc cụm An Bang (cụm Thám Hiểm) của quần đảo Trường Sa – thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung Quốc.
Philippines cho biết, các ngư dân Trung Quốc bị bắt trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines cũng như đang có hành vi đánh bắt đe dọa sự tồn tại của loài rùa biển quý hiểm – vi phạm quy ước của Liên Hiệp Quốc về cấm săn bắt động vật quý hiếm.
Trung Quốc lớn tiếng phủ nhận tuyên bố của Philippines và cho biết vụ bắt giữ là trái pháp luật vì các ngư dân bị bắt trong vùng biển Trung Quốc. Trung Quốc trước đó đưa ra yêu sách đường lưỡi bò hòng tuyên bố chủ quyền đối với 90% diện tích Biển Đông.