Khủng hoảng CP Mỹ: Phe Cộng hòa đang xuống thang?

Google News

(Kiến Thức) - Phe Cộng hòa đề xuất nâng trần nợ tạm thời đổi lấy đàm phán với Tổng thống Obama về chấm dứt bế tắc gây ra đóng cửa một phần chính phủ Mỹ.

Tổng thống Obama và Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner.
Chủ tịch Hạ viện John Boehner, đảng viên Cộng hòa, nói với các phóng viên hôm thứ 10/10: "Đã tới lúc phải lãnh đạo. Đã đến lúc phải thảo luận và bắt đầu đối thoại".
Một phát ngôn viên của ông Boehner thì nói với các nhà báo rằng đề xuất nói trên là đơn thuần về tăng trần nợ chứ không đi kèm bất cứ chính sách gì khác. Và thời hạn của nó chỉ là 6 tuần, tức cho tới 22/11.
Phản ứng trước đề xuất của Cộng hòa, người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney nói tại một cuộc họp báo rằng Tổng thống Obama vui mừng vì "những cái đầu lạnh" xem ra đang thắng thế ở Hạ viện.
Sau cuộc gặp với lãnh đạo đảng Cộng hòa và Tổng thống Obama hôm 10/10, Nhà Trắng cho biết hiện chưa có thỏa thuận cụ thể. Eric Cantor, nhân vật thứ hai của đảng Cộng hòa tại Hạ viện, nói cuộc gặp nói trên “hữu ích” vì ̀nó làm rõ quan điểm hiện tại của cả hai bên.
Trước đó, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid nói Thượng viện sẽ xem xét tất cả các đề xuất mà Hạ viện gửi lên, nhưng sẽ không đàm phán với phe Cộng hòa trước khi Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại.
Tình trạng bế tắc về trần nợ đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường và khiến lãi suất trái phiếu chính phủ thời hạn một tháng tăng lên. Tuy nhiên thị trường chứng khoán ở Mỹ đã tăng trở lại trong ngày 10/10, sau khi có tin về khả năng mở ra đột phá.
Hiện còn chưa rõ liệu phe Cộng hòa có sẵn sàng từ bỏ kế hoạch hoãn hoặc chặn tài chính đối với Luật cải tổ y tế mà Tổng thống Obama ban hành năm 2010 hay không.
Hàng trăm nghìn nhân viên chính phủ liên bang đã phải tạm nghỉ việc kể từ khi chính phủ đóng cửa, các công ty tư nhân cũng bắt đầu phải cho công nhân viên nghỉ việc. Khoảng 15.000 nhân viên trong lĩnh vực tư nhân đã xin trợ cấp thất nghiệp trong vụ chính phủ đóng cửa, theo Bộ Lao động Mỹ.
Thống đốc của 4 bang phía Tây là Utah, South Dakota, Arizona và Colorado đã đề nghị mở lại các công viên quốc gia ở địa phương vì hậu quả kinh tế của việc đóng cửa quá lớn.
Văn Bình (theo BBC News)

Bình luận(0)