Hé lộ điểm nóng nhất về nguy cơ khủng bố năm 2014

Google News

(Kiến Thức) - Iraq dẫn đầu về kỷ lục các vụ tấn công khủng bố theo thống kê đến đầu tháng 7/2014 với hơn 3.100 vụ.

Bản đồ khủng bố và an ninh mới nhất của Hãng phân tích rủi ro toàn cầu hàng đầu Maplecroft (Anh) công bố là kết quả theo dõi các vụ tấn công khủng bố trong giai đoạn 12 tháng tính đến 01/7/2014.
Trên toàn cầu, số người chết do các hành động khủng bố tăng 30% lên mức kỷ lục 18.668 người. Trong cùng giai đoạn 12 tháng trước đó con số này là 9.471 người – trung bình 26 người/ngày.
Iraq dẫn đầu về kỷ lục số vụ tấn công khủng bố, với 3.158 vụ. Irắc vẫn đang phải ngăn chặn sự nổi loạn của người Hồi giáo dòng Sunni do các chiến binh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Iraq Và Cận Đông (ISIS) đứng đầu và một cuộc nội chiến giáo phái toàn diện. ISIS kiểm soát các cơ sở dầu khí tại Irắc, và mục tiêu tiếp theo là các đập nước lớn nhất của Irắc.
Trong khi đó, Nigeria có nhiều vụ khủng bố gây chết người nhất. Nhóm phiến quân Hồi giáo Boko Haram đã gia tăng bạo lực trên khắp đất nước và đã hiện diện tại các thành phố chính là Abuja và Lagos. Boko Haram giết chết trung bình 24 người trong 1 cuộc tấn công.
Mức tăng cao nhất số vụ khủng bố trên toàn cầu diễn ra ở Trung Quốc, Ai Cập, Libya và Kenya. Ngoài Trung Quốc, các vụ khủng bố tăng lên đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của số các nước này.
Bản đồ Khủng bố và an ninh thế giới do Maplecroft (Anh) công bố.
Ông Jordan Perry, nhà phân tích rủi ro chính trị của Maplecroft cho biết: “Libya, Kenya và Ai Cập nằm trong số những nước chứng kiến mức tăng lớn nhất rủi ro về xu hướng thị trường, niềm tin nhà đầu tư trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt, gồm du lịch, dầu khí”. “Khi phải đối mặt với chi phí an ninh tăng vọt và độ an toàn giảm sút đối với nhân sự của mình, các công ty buộc phải cân nhắc các cam kết đầu tư kinh doanh.”
Libya đã không thể tận dụng các giếng dầu lớn của mình khi mà các phần tử chống đối và các tổ chức khủng bố phong tỏa các cảng, hạn chế xuất khẩu dầu và phá hủy hạ tầng cơ sở của đất nước. Trong khi đó, du lịch, nguồn thu lớn ở cả Ai Cập và Kenya đã tụt dốc khi cả hai nước này phải vật lộn với tình hình an ninh.
Mặc dù các vụ khủng bố gây ảnh hưởng không đáng kể tới nền kinh tế Trung Quốc, Maplecroft dự báo rằng ảnh hưởng do các vụ khủng bố đối với Trung Quốc sẽ tăng lên. Trung Quốc đang tìm kiếm các giải pháp khai thác hyđrô-cácbua trên địa bàn bất ổn của tỉnh Tân Cương, do dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) cho rằng họ bị phân biệt đối xử nghiêm trọng.
Đáng lo ngại đối với các nhà đầu tư là các nền kinh tế có tốc độ phát triển cao như Colombia, Nigeria, Philippin và Thái Lan đều bị liệt vào danh sách có nguy cơ cao và cực cao tiếp tục bị các vụ khủng bố tấn công.
Giám đốc điều hành của Maplecroft cho rằng: “Bản chất khó lường của các chủ nghĩa khủng bố khiến khó có thể dự đoán các vụ đơn lẻ khó dự”. “Tuy nhiên, tin tức tình báo toàn cầu tới nay về mức độ, tần suất, địa điểm, và loại hình tấn công có thể giúp các tổ chức đưa ra quyết định đúng đắn khi thâm nhập thị trường, khi đưa ra các biện pháp an ninh, các nghĩa vụ, các cơ chế đảm bảo chuỗi cung cấp và giá cả.”
Đỗ Tuấn (Theo Business Insider)

Bình luận(0)