Triều Hậu Lê phát triển thủy quân thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Các hoàng đế triều Hậu Lê đã dụng công vạch định và thực thi nhiều biện pháp khác nhau để phát triển thủy quân, nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

Dưới đây là một vài dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử.
Lê Thánh Tông và quy định về việc cắm cờ hiệu trên chiến thuyền
Việc sử dụng cờ trong quân đội không chỉ nhằm tạo dấu hiệu phân biệt mà còn tăng thêm vẻ uy nghi, hùng dũng; cũng như các lực lượng khác, thủy quân cũng dùng các loại cờ hiệu khác nhau, tuy nhiên việc cắm cờ trên tàu thuyền không phải không có những quy tắc nhất định. Vào năm Đinh Mùi (1487), Lê Thánh Tông đã đặt điều lệ về việc làm các loại vải để làm cờ và cách thức cắm cờ trên từng loại tàu thuyền.
Sách Lê triều hội điển chép về các chế độ, luật lệnh thời Hậu Lê, có đoạn ghi về quy định cắm cờ như sau: “Cờ lớn cắm ở đuôi thuyền, làm bằng vải thô. Cờ loại vừa thì từ Kiệu thị hầu Ưu trạch cho đến 6 thuyền lớn, mỗi thuyền cắm một lá cờ ở đuôi thuyền, tổng cộng là 14 lá. Đều chuẩn cho làm bằng vải thô, mỗi lá là 63 thước dọc, giá 2 quan 7 mạch 18 văn. Loại trung thì từ Thị tuyển, Thị vệ, Trung lục, Hải đạo và các thuyền khác, mỗi thuyền cắm một lá ở đuôi thuyền, tổng cộng 110 lá cờ. Mỗi lá chuẩn cho làm bằng vải thô, được 52 thước dọc, giá 2 quan 3 mạch 18 văn. Loại nhỏ, từ Thị nội, Thị trù, Thị vật, Trung hầu, Thị siêu và thuyền Long, Thiện hải cùng các thuyền mảnh, chử; mỗi thuyền cắm một lá cờ ở đuôi thuyền, tổng cộng 234 lá. Chuẩn cho làm bằng vải thô, mỗi lá 45 thước dọc, giá 1 quan 9 mạch 45 văn.
Cờ Tẩu kha, dùng lụa tốt làm; Hàng tả, Hàng hữu, mỗi thuyền cắm 2 lá; Hàng Thập quan, mỗi thuyền cắm 4 lá. Các thuyền Hành tùy, Thị hầu, mỗi thuyền cắm 1 lá, tổng cộng 84 lá, mỗi lá dài rộng 3 thước, làm bằng lụa tốt, cả diềm tổng cộng là 9 thước 4 tấc. Chuẩn cho giá tiền mỗi lá là 5 mạch 9 văn 4 phân 7 ly 4 hào”.
Lê Thế Tông đề nghị cho thủy quân sang giúp nhà Minh đánh cướp biển
Thời Minh, cướp biển Nhật Bản còn gọi là Ngọa khấu (Nụy Khấu, giặc lùn, Kenki) đã khiến cho khắp miền biển nước này bất ổn, không lúc nào yên, thuyền bè đi đánh cá, thương thuyền chở hàng hóa bị cướp bóc, chúng còn bắt và giết hại nhiều ngư dân, thương nhân… Cũng có một số lần tàu thuyền của Ngọa khấu còn xuống tận vùng biển Đông nhưng bị thủy quân nhà Hậu Lê đánh đuổi phải tháo chạy.
Bấy giờ nhà Lê Trung Hưng mới khôi phục kinh đô chưa lâu, binh lính được huy động đi đánh dẹp các lực lượng tàn dư của nhà Mạc khá đông, tuy nhiên vì trải qua nhiều năm chiến tranh nên việc binh nhung, võ bị được quan tâm phát triển, quân lính rất tinh nhuệ và nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Vì biết rõ vương triều Minh rất lo lắng trước việc Ngọa khấu hoành hành dữ dội, lại biết được quân Minh đang phải vất vả cứu viện Triều Tiên đang bị quân Mạc Phủ Nhật Bản là Phong Thần Tư Cát tấn công; tự tin vào sức mạnh của mình, triều Hậu Lê thời vua Lê Thế Tông đã đề nghị cho thủy quân Bắc tiến để giúp nhà Minh đánh Nhật Bản.
Binh lính chèo thuyền (Khắc gỗ trên song cửa đình Phù Lưu – Bắc Ninh thế kỷ 17). 
Đề xuất của nhà Hậu Lê được đưa ra năm Bính Thân (1596) bằng một tờ biểu của chúa Trịnh Tùng đứng danh nghĩa vua Lê Thế Tông gửi cho vua Minh Thần Tông. Vì sợ quân Đại Việt có ý đồ khác nên triều Minh đã từ chối nhưng qua câu chuyện này cũng cho thấy chiến thuyền nước ta và lực lượng thủy quân lúc đó hùng mạnh như thế nào. Sự kiện thú vị đó được ghi trong một tài liệu của Nhật Bản là cuốn sách Nam quốc ký của Trúc Việt Dữ Tam Lang.
Trước đề xuất nói trên gần một năm, vào mùa thu, tháng 8 năm Ất Mùi (1595) thủy quân đã tham gia biểu dương lực lượng cùng các binh chủng khác tại bến Thảo Tân phía nam kinh thành Thăng Long khi triều đình cho tổ chức duyệt quân sĩ với số lượng lớn, binh lính tham gia đông tới 12 vạn người.
Lê Thần Tông quy định thủy binh phải đóng quân tập trung
Theo cách thức tổ chức quân đội, binh lính được chia thành các binh chủng, ở cấp nhỏ nhất được chia làm các nhóm, các đội; tất cả đều ở tập trung trong các đồn trại quy định để thuận lợi cho việc quản lý, thao diễn cũng như khi huy động chiến đấu.
Quy định này đối với lực lượng bộ binh, tượng binh, kị binh được tuân thủ chặt chẽ, riêng có thủy binh do điều kiện khác biệt vận động trên mặt nước nên quân sĩ thường ở tại các đồn trại ven sông, biển; trên tàu, thuyền. Việc này đã dẫn tới một số tùy tiện trong việc ăn ở của thủy quân khiến triều đình thấy rằng cần thay đổi điều đó nếu không sẽ dẫn đến những sự việc tiêu cực ảnh hưởng đến kỷ luật quân đội.
Sách Lê triều hội điển cho biết vào năm Ất Sửu niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 7 (1625), Lê Thần Tông đã ban lệnh rằng: “Hễ là binh lính các đội thuyền phải theo viên quan cai quản các đội thuyền đó ở chung thành một đội, không được ở lẫn vào nơi phường phố hoặc ở riêng. Nếu trái lệnh, cho quan Đề lĩnh triệt bỏ nơi ở”.
Lê Dụ Tông răn cấm lính thủy cờ bạc, rượu chè
Nhằm ngăn chặn tình trạng cờ bạc, rượu chè trong binh lính dẫn tới làm giảm sức chiến đấu, tinh thần và kỷ luật nên vào năm Đinh Mùi (1727) niên hiệu Bảo Thái thứ 8, vua Lê Dụ Tông đã ban chỉ truyền lệnh cấm quân sĩ uống rượu, đánh bạc, đặc biệt là lực lượng thủy quân càng phải nghiêm chỉnh tuân theo.
Chỉ truyền của Lê Dụ Tông có đoạn viết: “Phàm quân sĩ Thị hầu và các doanh cơ đội thuyền không được uống rượu, đánh bạc. Trái lệnh, cáo với Binh phiên theo pháp luật mà luận tội. Quan quân mà không biết, tùy theo sự việc nặng nhẹ để định tội xét xử” (Lê triều hội điển).
Lê Hy Tông với việc tuyển thủy binh theo chiều cao
Tuân theo quy chế từ thời Lê sơ, triều đình thời Lê Trung Hưng cũng đã định quy chế rõ ràng về phép tuyển binh lính nói chung, trong đó có thủy quân. Đặc biệt dưới thời trị vì của Lê Hy Tông, giai đoạn dùng niên hiệu Chính Hòa (1680 -1705), việc tuyển chọn căn cứ vào chiều cao của mỗi người lính mà chia ra mức lương được hưởng. Cụ thể như sau: “Phàm tuyển binh lính, đều lấy thước tấc để định lệ khẩu phần. Cao 4 thước 4 tấc 5 phân trở lên, tuyển vào đội lính ăn lương 14-15 quan. Cao 4 thước 3 tấc 5 phân trở lên, tuyển vào đội lính ăn lương 13 quan. Cao 4 thước 3 tấc 4 phân, chọn vào đội lính ăn lương 12 quan. Cao 4 thước 2 tấc 5 phân, chọn vào đội thuyền binh ăn lương 9 quan. Cao 4 thước 1 tấc, chọn vào các đội thuyền binh ăn lương 8 quan…” (Lê triều hội điển).
Thuyền chiến thời Lê Trịnh qua nét vẽ của người châu Âu. 
Vĩnh Khánh đế đặt lệ kiểm tra tài bắn cung nỏ của thủy binh
Vị hoàng đế thứ 23 của triều Hậu Lê do bị truất ngôi nên không có miếu hiệu vì vậy sách sử thường chép về ông là Lê Đế Duy Phường hay theo niên hiệu là Vĩnh Khánh đế.
 Thuyền chiến Đại Việt thời Lê-Trịnh thế kỷ 18 (Tranh lụa tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam).
Kể từ năm Tân Sửu (1721) khi triều Lê bắt đầu lập trường Võ học, quy định phép thi võ, dần dần sau đó đặt thêm lệ khảo xét võ nghệ, tài sử dụng binh khí, sự am hiểu binh thư… nhằm tăng thêm sự tinh nhuệ, hùng mạnh của binh lính. Vào năm Canh Thìn (1730), năm thứ hai Vĩnh Khánh đế ở ngôi, triều đình đặt rõ hơn việc rèn tập của quan quân, nhất là việc sử dụng cung nỏ với lệnh truyền “Từ quan quản cho đến thuộc viên và binh lính, ai có tài sức được tập huyền nhũ (cách bắn nỏ kê ở ngực), ai kém cho tập huyền kiểm (kê ở má). Binh lính đều phải tập huyền kiểm” (Lê triều hội điển). Một năm sau, tức năm Tân Hợi (1731) lại có lệnh truyền cho thủy binh tập bắn nỏ, điều đó cho thấy sự quan tâm đến khả năng chiến đấu và việc rèn luyện sử dụng loại vũ khí đánh xa (cung, nỏ) ngày càng hữu hiệu hơn.
Cũng theo sách Lê triều hội điển thì lệ kiểm tra tài bắn cung, nỏ của quân lính tổ chức 3 năm một lần, lệ bắn cung tổ chức vào mùa thu các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu với tất cả các lực lượng. Riêng với thủy binh thì vào mùa thu các năm Dần, Thân, Tị, Hợi, triều đình sẽ “sai 2 viên quan võ, 4 viên Thị nội, 2 viên Câu kê khảo môn bắn nỏ của thủy binh”. Theo đó, “cứ 100 suất là 20 bó, mỗi bó là 5 hợp, mỗi hợp có 5 mũi tên. Định thưởng phạt có thứ bậc. Đối với cung thì được từ 45 tiếng (tức bắn trúng đích) trở lên là hạng ưu, được thưởng mỗi bó 5 quan tiền gián. Được 35 tiếng trở lên là hạng nhất, được thưởng mỗi bó 3 quan tiền gián. Được 30 tiếng trở lên là hạng nhì, được thưởng mỗi bó 2 quan tiền gián. Được 25 tiếng trở lên là hạng ba, được thưởng mỗi bó 1 quan tiền gián. Được 20 tiếng trở lên là hạng trung bình. Được 19 tiếng trở xuống bị phạt.
Đối với bắn nỏ thì được 50 tiếng trở lên là hạng ưu, thưởng mỗi bó 5 quan tiền gián. Được 40 tiếng trở lên là hạng nhất, được thưởng mỗi bó 3 quan tiền gián. Còn lại thưởng phạt cũng như thi bắn cung”.
Lê Hiển Tông cho đóng hàng trăm chiến thuyền trong một năm
Lê Hiển Tông thường được biết tới như là một trong số ít vị vua có thời gian ở ngôi lâu nhất (47 năm) và có tuổi thọ cao nhất (70 tuổi). Thời gian trị vì của ông, nước Đại Việt về mặt xã hội cơ bản là bình yên, phát triển, đúng như sách “Đại Việt sử ký tục biên” viết: “Thời vua, giặc dã dẹp hết, bờ cõi yên lặng trong hơn 40 năm, an hưởng tôn vinh”.
Mặc dù quyền lực của vua không có nhiều, chỉ là biểu tượng cho sự chính thống như một đấng chí tôn tối cao của cả nước, chính vì thế dù chúa Trịnh có muốn làm gì trong việc cai quản quốc gia vẫn phải lấy danh nghĩa chiếu chỉ, mệnh lệnh của vua mà ban hành. Một thí dụ cho điều đó là sự kiện vào tháng 4 năm Giáp Tuất (1754) “Thao diễn thủy sư ở sông Nhị Hà, các quan làm lễ chầu mừng. Bấy giờ chúa Trịnh Doanh nghĩ trong cõi mới yên, muốn cho chư quân diễu võ dương oai, bèn tâu xin rước vua ngự giá cùng xem. Sai thủy sư bày trận thuyền ở trên sông, quân dung rất chỉnh tề, chèo đua ngược dòng, thuyền đi nhanh như bay. Vua xem rất hài lòng, xem gần đến tối mới về” (Đại Việt sử ký tục biên).
Câu chuyện trên không chỉ cho thấy các chúa Trịnh dù chuyên quyền đến đâu vẫn ít nhiều phải tôn xưng, tỏ ý thần phục vua Lê. Mặt khác, nó cũng cho biết việc rèn tập binh lính nói chung và thủy quân nói riêng đều được vua Lê chúa Trịnh quan tâm, chú trọng. Ngoài thao diễn trên sông, thủy quân cũng tiến hành các cuộc diễn tập chiến đấu trên mặt biển, như vào tháng 6 năm Đinh Dậu (1777), triều đình Lê Hiển Tông ban lệnh “Sai trấn ty Sơn Nam đóng thuyền đi biển vài trăm chiếc. Thao diễn phép đánh trận trên biển” (Đại Việt sử ký tục biên).
Lê Thái Dũng

Bình luận(0)