Tiết lộ bất ngờ về người Việt thiết kế Cố Cung TQ

Google News

(Kiến Thức) - Cố Cung (Sài Cấm Thành) là một công trình kiến trúc nghệ thuật hoàn mỹ của Trung Quốc cổ đại.

Và kiến trúc sư cho công trình nguy nga tráng lệ này là một người Việt Nam: Nguyễn An.
Cung điện hoàng gia của hai triều đại
Cố Cung là cung điện Hoàng gia của hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh, còn có tên gọi khác là Sài Cấm Thành. Cố Cung nằm ở trung tâm Thủ đô Bắc Kinh được xây dựng từ năm Vĩnh Lạc thứ tư (1406) dưới triều đại nhà Minh và được hoàn thành vào năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420). Tới nay đã có gần 600 năm lịch sử. Nơi đây đã có 14 vị hoàng đế triều đại nhà Minh và 10 vị hoàng đế triều đại nhà Thanh nối tiếp nhau lên ngôi.
Khuôn viên Cố Cung hình chữ nhật, với diện tích 720.000m2. Diện tích xây dựng chiếm khoảng 160.000m2 với 9.999 cung điện, đền đài và lầu gác. Bao quanh Cố Cung là một bức tường màu đỏ tía với chu vi dài 3.400m. Bao bọc bên ngoài trường thành là sông Hộ Thành rộng 52m, sâu khoảng 4m. Bốn mặt tường thành được xây dựng bốn cổng thành ở chính giữa, trên có lầu gác cổng. Cổng phía Nam gọi là Ngọ Môn, phía Bắc gọi là Thần Ngọ Môn, cổng phía Đông gọi là Hoa Môn và phía Tây là Tây Hoa Môn. Ở bốn góc tường thành dựng bốn vọng lâu là những pháo đài chính giữ cho Sài Cấm Thành.
Cố cung được xây dụng từ năm 1406 - 1420. 
Đại diện cho kiến trúc cổ đại
Bố cục kiến trúc của Cố Cung - Sài Cấm Thành được chia làm hai khu vực là ngoại triều và nội đình. Ngoại triều ở phía trước là nơi thiết triều, nơi hoàng đế cử hành các lễ lớn tiếp kiến quần thần, thi hành quyền lực của đất nước. Ngoại triều được chia làm ba phân khu: Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa. Nối giữa hai bên phải trái là hai cung điện Văn Hòa và Vũ Anh. Nội đình ở phía sau là nơi làm việc và xử lý các sự vụ hằng ngày của hoàng đế và cũng là nơi ở của hoàng hậu và các phi tần cung nữ, hoàng tử, công chúa. Vừa là nơi vui chơi, giải trí, nơi thờ phụng các thần. 
Nội đình gồm ba cung điện nằm chếch về phía Bắc, được chia làm ba dãy: Trung, Đông và Tây; Trung có: Càn Thành cung, Giao Thái điện và Thẩm Minh cung, tiếp sau là vườn hoa (chiết hoa viên). Hai bên trung lộ (con đường ở giữa) về phía Đông, Tây có sáu cung điện. Về phía Đông, dọc theo hướng Nam có Phụng Tiên điện, Trai Doanh và Nam Tam sở. Phía Tây dọc theo hướng Nam có điện Dưỡng Tâm, cung điện Ninh Thọ và cung điện Thọ An.
Sự phân chia làm hai khu vực này là thể hiện đầy đủ lễ nghi cổ đại gọi là “Tiền triều, hậu tẩm” (phía ngoài làm việc, phía sau nghỉ ngơi). Tiền triều là nơi “Đại nội chính nha (nơi làm việc chính của vua quan). Hậu tẩm là ba cung điện và sáu tự viện (tam cung lục viện).
Sài Cấm thành là tác phẩm đại diện cho nghệ thuật kiến trúc cổ đại của Trung Quốc, đặc điểm nổi bật nhất là phương diện xử lý các chi tiết tinh xảo mà nghệ nhân đã tạo ra, nó có tác dụng trang điểm làm cho cung điện thêm hào hoa, phong nhã. Điểm nổi bật phải kể đến là nóc nhà và các đầu đao cong lượn thoai thoải tạo cho người xem có cảm giác như những con đại bàng đang tung cánh bay lượn. Điều này thể hiện các nhà kiến trúc xưa khi thiết kế cấu trúc nóc nhà đã nghiên cứu từ toàn cục đến từng bộ phận chi tiết, trong đó kết hợp hài hòa kiến trúc dân gian. Từ đó đã đưa cấu trúc nóc cung điện trở thành một trong những đặc trưng tiêu biểu cho sự nghiệp kiến trúc cổ đại. 
(còn nữa)
Dương Tuấn

Bình luận(0)