Hé lộ mỹ nhân quyên sinh vì Lê Chiêu Thống

Google News

(Kiến Thức)  - Trong cuộc đời mình, Lê Chiêu Thống có được sự hậu thuẫn hết lòng, hết nghĩa của hai người đàn bà quan trọng. Họ là ai?

Lê Chiêu Thống, vị vua cuối cùng của nhà Lê Trung hưng (1533 - 1789) dù mang mệnh thiên tử nhưng lại có một cuộc đời trầm luân chìm nổi. Âu cũng là điều dễ hiểu khi tiếng làm vua nhưng không có thực quyền trong thời kỳ Lê mạt chúa Trịnh quyền nghiêng thiên hạ. Tài năng không có nhiều, nhưng trong cuộc đời mình, vua có được sự hậu thuẫn hết lòng, hết nghĩa của hai người đàn bà bên cạnh, đó là mẫu thân Nguyễn Thị và vợ ông Hoàng phi Nguyễn Thị Kim.
 
Mẫu hậu thương con

Trong cuộc đời vương tử ngắn ngủi chưa đầy bốn năm (1786 - 1789), đáng ra nhận mệnh đế vương là một trọng trách lớn lao rất đỗi tự hào. Nhưng, cũng do thời cuộc mà đời làm vua của Lê Chiêu Thống không được trọn vẹn, nếu như không nói là theo sự sắp đặt của thời cuộc bởi các thế lực phong kiến lúc bấy giờ.

Lê Chiêu Thống, tên thật là Lê Duy Khiêm, sau đổi tên Lê Duy Kỳ là vị vua thứ mười sáu của nhà Lê Trung hưng. Cũng thuộc dòng dõi con vua, cháu chúa, nhưng thời Lê Chiêu Thống, chế độ “lưỡng đầu chế” vua Lê – chúa Trịnh đang tồn tại, bên cạnh cung vua là phủ chúa. Dù về danh nghĩa thì vua Lê có quyền lực cao nhất, trị vì đất nước, nhưng thực quyền lại nằm hết trong tay các chúa Trịnh, bởi vậy ngôi vua Lê chỉ để làm vì mà thôi, chúa Trịnh muốn lập ai, phế ai đều là việc làm dễ như trở bàn tay, thậm chí việc chi tiêu của vua Lê cũng do nhà chúa quyết định. Lê Chiêu Thống cũng không thoát khỏi cảnh con tốt trong cuộc cờ chính trị đầy biến động ấy. Và xét cả đời Chiêu Thống, nghiệp vua của ông hết do loạn tam phủ của kiêu binh mở lối, lại đến Quang Trung giúp rập theo lời khuyên của Ngọc Hân, rồi sau lại nhờ cả ngoại bang Thanh triều giúp sức vào chứ không do thực lực mà làm nên công danh hiển hách như tiền nhân thời Lê sơ (1428 - 1427).

Dù năng lực, phẩm hạnh không đáng vì thiên tử, nhưng trong cuộc sống riêng, vua Lê Chiêu Thống lại có được sự giúp đỡ, yêu thương rất mực của người mẹ hiền. Mẹ của Lê Chiêu Thống là Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị (? - 1799), vợ Thái tử Lê Duy Vỹ. Khi quân Tây Sơn đánh ra Bắc tháng 11 năm Đinh Mùi (1787), mẹ con vua Lê Chiêu Thống cùng với đình thần phải chạy loạn khỏi Thăng Long. Bị quân Tây Sơn đuổi đánh khắp nơi, các thị vệ, bầy tôi của vua Lê người bị lạc, kẻ trốn loạn, mẹ con vua Lê Chiêu Thống cũng chia hai ngả. Tháng 12 năm ấy, nhà vua sai hoàng đệ Duy Trù hộ tống Thái hậu, hoàng phi Nguyễn Thị Kim và Thái tử (con trưởng của Chiêu Thống) cùng cung tần đi trước.

Khi nhà vua đến Kinh Bắc, lại sai hoàng đệ Duy Chỉ đem thị thần Lê Quýnh và tôn thất rước Thái hậu và Thái tử đi Cao Bằng, lệnh cho Duy Chỉ vẫn cứ nắm quyền thống trị hai trấn Cao Bằng và Thái Nguyên, tụ tập vỗ về các phiên thần để thúc đẩy họ cố gắng giúp vua đánh nhà Tây Sơn.

Tháng 7 năm Mậu Thân (1788), Thái hậu Nguyễn Thị cùng với tôn thất và gia quyến 62 người chạy đến ải Đẩu Áo trấn Cao Bằng. Phiên mục Bế Nguyễn Trù dẫn tướng Tây Sơn là bọn Cúc, Hoán đến đánh úp trấn doanh. Bọn Đốc đồng Nguyễn Huy Túc, phiên thần Địch quận công Hoàng Ích Hiểu, tụng thần Lê Quýnh và Nguyễn Quốc Đống bảo vệ Thái hậu và Thái tử qua cửa ải Thủy khẩu chạy sang Long Châu nhà Thanh. Nghĩ con trai làm vua chưa ấm chỗ đã bị lùa khỏi ngai vàng, Thái hậu Nguyễn Thị bèn sai thảo một tờ biểu, lệnh cho Đốc đồng Nguyễn Huy Túc đưa thư sang Long Châu, Bằng Tường xin nhà Thanh cứu viện, phục quốc, giành lại ngai vàng cho con mình.

 Tông tộc của vua Lê Chiêu Thống sang Thanh cầu viện. Ảnh: Internet.

Lưỡng Quảng Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị và Quảng Tây tuần phủ Tôn Vĩnh Thanh lúc ấy đang hội họp ở Nam Ninh. Thái hậu bèn đưa Thái tử con Chiêu Thống đến yết kiến ở trong sân, gào khóc xin cứu viện. Cảm cái lòng của bà mẹ vì con, lại thấy đây là cơ hội tốt để ràng buộc nước Nam vào phận bề tôi, nhà Thanh liền động binh sang “giúp” Lê Chiêu Thống phục quốc. Với lực lượng 29 vạn, quân Thanh tiến thẳng đến Thăng Long, quân Tây Sơn thì lui về phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn. Vua Chiêu Thống được về kinh, lên ngôi trở lại, Thái hậu từ nhà Thanh cũng về đến nước nhà. Tuy nhiên, vua Chiêu Thống vốn là người hẹp hòi, hay để bụng. Được quân Thanh giúp sức rồi, vua không nghĩ đến việc làm cho quốc thái dân an, mà ngay sau đó chỉ chăm việc trả thù, báo oán, dân tình, quan lại cũ mắc lỗi nhiều người bị giết, bị lưu đày.

Thương con nên lo phục quốc, nhưng về đến Thăng Long, Thái hậu nghe biết những việc làm ngang ngược của nhà vua, chỉ thưởng hay phạt theo một chiều bằng tình cảm riêng mình yêu hay ghét, bà nổi giận nói:

- Trải bao cay đắng, ta mới cầu xin được quân cứu viện sang đây, nước nhà phỏng chừng chịu được bao phen phá hoại bằng cách đền ơn báo oán thế này! Thôi diệt vong đến nơi rồi!

Rồi bà gào khóc không chịu vào cung. Bầy tôi theo hầu là Nguyễn Huy Túc phải khuyên giải mãi Thái hậu mới thôi. Hành động đó của bà được sử thần nhà Nguyễn trong Khâm định việt sử thông giám cương mục ca ngợi: “Hiền thay, bà mẹ này! Thật không thẹn với Thân Bao Tư (1)xưa”.

Ít lâu sau, quân Thanh đại bại trong Tết Kỷ Dậu (1789), vua tôi Lê Chiêu Thống phải theo gót quân Thanh chạy loạn sang phương Bắc. Thái hậu và Thái tử cũng theo sang. Lần này, quân Thanh thua đậm trong những trận Ngọc Hồi, Hạ Hồi, Đống Đa… nên không muốn động binh nữa. Mẹ con vua Lê Chiêu Thống đành phải tị nạn ở lại. Vua Càn Long để vua Chiêu Thống, bà Thái hậu và Thái tử ở ngõ Hồ Đồng, tòa Quốc Tử Giám, cửa Tây Định ở Yên Kinh (Bắc Kinh), ngoài cửa đề chữ “Tây An Nam Dinh”.

Vò võ trong cảnh xa nước, mất cháu, mất con, Thái hậu cuối cùng của nhà Lê sau đó mất trong lặng lẽ của niềm nhớ nước khôn nguôi: “Ngày 11 tháng mười, mùa đông năm thứ tư, niên hiệu Gia Khánh nhà Thanh, tức là năm Kỷ Tỵ (1799), thái hậu lo buồn thành bệnh, mất ở “Tây An Nam Dinh”. Vua Thanh giáng chỉ sai quan bộ Lễ trông coi việc tang, và đem di hài quàn tạm ở cạnh lăng vua Chiêu Thống” (Theo Hoàng Lê nhất thống chí).

Hoàng hậu khóc chồng

Dù là ông vua mang tiếng “cõng rắn cắn gà nhà”, nhưng Lê Chiêu Thống không chỉ có mẹ ngày đêm lo nghĩ cho vận mệnh vương triều, mà còn có người vợ thủy chung, bảo toàn danh tiết hết mực theo đúng giáo lý “Tam tòng, tứ đức” của Nho giáo thuở ấy. Người vợ ấy chính là Hoàng phi Nguyễn Thị Kim.

 Vua Lê Chiêu Thống và Hoàng phi Nguyễn Thị Kim trong phim Tây Sơn hào kiệt.

Về vị Hoàng phi cuối cùng của nhà Lê Trung hưng, bà là con của quan Tham đốc Vãn Trung hầu, em của Phượng Thái hầu Nguyễn Quốc Đống, sinh năm Ất Dậu (1765) đời vua Lê Hiển Tông tại thôn Tỳ Bà, huyện Gia Lương, xứ Kinh Bắc, nay thuộc thôn Tỳ Điện, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Đến năm Tân Sửu (1781) được đưa vào cung hầu Lê Duy Kỳ, năm Bính Ngọ (1786) khi 22 tuổi thì sinh ra con trai trưởng cho Lê Chiêu Thống, tức Thái tử sau này. Tiểu sử đoạn đời trước của bà được bài thơ Tiêu cung tuẫn tiết hành (bài trường ca về người cung phi chết theo vua) của Tô phái hầu Nguyễn Huy Túc nhà Lê ghi lại là:

Khí tươi tốt nhóm về khuê tú,
Năm Cảnh hưng Ất Dậu mừng sao,
Nhà sang sinh bậc nữ hào,
Công, dung, ngôn, hạnh vẻ nào kém đâu.
Tuổi mười bảy kén vào cung khuyết,
Bính Ngọ liền sớm biết điềm hùng (2).

Lúc quân Thanh đại bại trong Tết Kỷ Dậu (1789), “Vua Lê khi ấy vội vàng, Cùng Tôn Sĩ Nghị sang đàng Bắc kinh” (trích Đại Nam quốc sử diễn ca). Nhà vua sai bọn Hoàng Ích Hiểu chạy gấp về nội điện, hộ vệ Thái hậu và Thái tử vượt qua sông Nhị Hà (sông Hồng). Hoàng đệ Duy Chỉ hộ vệ bọn hoàng phi Nguyễn Thị Kim và cung tần đến bến sông thì cầu phao gãy, không qua sông được, phải hướng về phía tây mà chạy trốn. Đại Nam nhất thống chí quyển XIX, phần tỉnh Bắc Ninh trong mục Liệt nữ cho biết do lạc chồng, lạc con, bà Hoàng phi “phải nương náu ở dân gian, không ai biết tung tích”. Theo nhiều nguồn tài liệu thì bà Hoàng phi sau đó đã lánh mình vào chùa đi tu. Như lời nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp có viết trong bài thơ Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống năm 1923:

Thiếp nén lòng đau khóc nghẹn lời,
Chậm bước đành nương mình bóng Phật;
Màng tin trông ngóng nhạn chân trời.
Chuông đồng cảnh vắng, hồn mơ sảng,

Theo Quốc sử di biên, bà Hoàng phi đã vào nương nhờ tại chùa Lã (?) để ngóng tin tức của chồng con. Có tài liệu nói bà cắt tóc cải trang ở chùa Dương Nham tỉnh Hải Dương (nay thuộc thôn An Đà, phường Đằng Giang, thành phố Hải Phòng, dân trong thôn thờ bà làm Thành hoàng). Qua thời gian, nhà Tây Sơn đổ, nhà Nguyễn lên thay năm Nhâm Tuất (1802), vua Gia Long nhà Nguyễn cho mời những cựu thần nhà Lê ra làm quan, lại mang biểu cầu phong sang nhà Thanh. Năm Giáp Tý (1804), đoàn sứ bộ nhà Nguyễn do quốc sứ Nguyễn Cát dẫn đầu sang Yên Kinh. Nhân chuyến đi ấy, Doãn Hựu Lê Quýnh là người đã cùng chạy loạn với Lê Chiêu Thống sang Yên Kinh đã nhờ con của mình thuộc đoàn sứ bộ nước Nam là Doãn Trắc về nước làm biểu xin đem hài cốt vua Lê Chiêu Thống về. Việc này được nhà Nguyễn và nhà Thanh đều nhất trí cho thi hành.

Lúc này, vua Chiêu Thống và Thái hậu đều đã mất, cả Thái tử con Chiêu Thống cũng đã mất bên Trung Hoa bởi bệnh đậu mùa năm Nhâm Tý (1792) khi mới 7 tuổi. Tháng 8 năm Giáp Tý (1804), Lê Quýnh từ Yên Kinh đem hài cốt vua Lê về nước. Chuyến hồi hương cố quốc ấy chia làm ba đợt, vợ con các người theo hầu vua trước kia đi đợt đầu, quan tài hài cốt đi đợt giữa, các quan lại cũ vong quốc còn sống đi đợt cuối cùng. Đang nương mình nơi cửa Phật, biết tin linh cữu của chồng con được đưa về Bắc thành Thăng Long, bà Nguyễn Thị Kim liền cởi áo tu tìm đến. Trong Hoàng Lê nhất thống chí có ghi lại việc như sau:

“Ngày 13 tháng 8 mùa thu năm ấy, di hài vua Lê đưa về đến cửa ải. Hoàng phi là Nguyễn Thị Kim nghe tin, liền từ Kinh Bắc lên cửa ải để đón linh cữu. Ngay từ hôm ấy, hoàng phi tuyệt thực, mỗi ngày chỉ uống một chén cháo loãng, vật vã bên linh cữu mà khóc lóc. Ngày 23 tháng 8 di hài đưa về đến Thăng Long, các quan dựng rạp tế ở nhà Diên tự công. Hằng ngày Hoàng phi chỉ nhấm vài đốt mía mà thôi. Ngày 12 tháng 10, các quan thay hài cốt vua Lê sang một chiếc tiểu khác, thấy trái tim vẫn còn y nguyên”.

Sau khi tế chồng xong, Hoàng phi đến trước hương án khóc lóc thảm thiết. Bà hỏi Doãn Hựu Lê Quýnh rằng:

- Tiên quân đã mất, ấu tử cũng lìa xa. Ta nay thân mình vò võ, nên làm thế nào cho phải?

Là bầy tôi cũ của nhà Lê, bôn ba với cựu hoàng đế suốt ngần ấy năm nơi đất khách, Doãn Hựu nghĩ ngợi hồi lâu rồi đáp:

- Theo tôi, nay chết theo tiên quân, là thượng kế. Về lăng tẩm để giữ đèn hương thờ vua, là kế thứ hai.

Nghe lời khuyên của vị cựu thần cũ, Nguyễn Thị Kim mới đáp lại Lê Quýnh rằng:

- Ta nhẫn nhục vất vả đã mười lăm mười sáu năm trời nay, trong những ngày ấy không phải là không dám chết, chỉ vì thái hậu, vua ta, con ta vẫn ở bên nước người, âm tín không thông, còn mất không rõ, nên ta còn chờ đợi một chút. Nay thái hậu cùng vua ta đều mất, con ta cũng chết, linh cữu đã về đến nước nhà thế là việc của ta xong rồi, ta phải chết theo để hầu bên lăng tẩm mới phải.

Sau cuộc gặp ấy, Hoàng phi liền uống thuốc độc tự tử để theo chồng nơi cửu tuyền, năm ấy bà được 40 cái xuân xanh. Đúng là:

Cầm thuốc độc thầm thì từ tạ,
Lui vào màn uống cả một hơi,
Trẻ già ai nấy rụng rời,
Triều đình nghe tiếng bồi hồi tiếc thương.

(Trích Tiêu cung tuẫn tiết hành)

Việc này lan ra, ai nghe tin ấy cũng đều thương xót. Sứ thần Trung Hoa bấy giờ đang ở đấy cũng than thở, ngợi khen mãi. Ngày 13 tháng 10 cùng năm, các quan lại sắm quan quách khâm liệm cho bà, rồi ngày 28 tháng 10 cùng rước xuống thuyền đưa về trấn Thanh Hoa. Ngày 24 tháng 11, các quan làm lễ an táng vua Lê, Thái hậu, Hoàng phi, Thái tử ở cạnh lăng vua Lê Hiển Tông trên núi Bàn Thạch (thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay).

Sau khi Hoàng phi chết theo vua Lê, người khắp cả nước ta và người Trung Hoa đều khen là bậc tiết nghĩa. Cảm cái nghĩa sắt son của bà, quan Bắc Thành Thăng Long Nguyễn Văn Thành có câu đối viếng rằng:

Ngũ bát tuần chúc địa quên thân, thiên cổ luần chiêu vũ trụ.
Thập lục tải di phu một tử, nhất xoang nghĩa liệt đáp quân vương.

Tức là:

Bốn mươi tuổi, thề đất bỏ mình, nghìn thuở luân thường soi vũ trụ.
Mười sáu năm, xa chồng bỏ con, một lòng nghĩa liệt đáp quân vương.

Gương liệt nữ của Hoàng phi Nguyễn Thị Kim được vua Gia Long ghi nhận, cho dựng bia khắc chữ “Yên trinh tuần nghĩa Nguyễn thị chi môn”, lại cấp cho hai người phu mộ và 20 mẫu ruộng, sai con cháu nhà Lê trông nom việc thờ tự. Ở quê bà, đền thờ Hoàng phi cũng được lập nên với tên gọi am Trinh Nghĩa, trước thuộc thôn Tỳ Điện, xã Bà Khê, tổng Tỳ Bà (nay là thôn Tỳ Điện xã Phú Hoà, huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh) lại cấp ruộng tế và tha thuế khóa cho dân trong làng để dùng vào việc đèn nhang thờ cúng người phụ nữ tiết liệt khả phong.
---------------------------------------
(1) Thân Bao Tư: Người nước Sở đời Xuân Thu, Bao Tư khóc suốt bảy ngày ở sân nhà Tần để xin quân cứu viện, được người Tần giúp đánh giặc Ngô cho Sở khôi phục được nước.

(2) Điềm hùng: điềm con gấu; thơ Tư can của Kinh Thi nói nằm mộng thấy con bi con hùng (gấu) là điềm sinh con trai.

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Trần Đình Ba

Bình luận(0)