Dựng phổ hệ gia tộc vua Lý Thái Tổ

Google News

(Kiến Thức) - Khi đã lên ngôi, vua Lý Thái Tổ đã truy phong cha là Hiển Khánh Vương và tôn tạo ngôi mộ ở rừng Báng, cách không xa chùa Thiên Tâm và Dương Lôi. 

Khi đã lên ngôi, vua Lý Thái Tổ đã truy phong cha là Hiển Khánh Vương và tôn tạo ngôi mộ ở rừng Báng, cách không xa chùa Thiên Tâm và Dương Lôi. Vua lại truy phong mẹ là Minh Đức Thái Hậu và xây lăng trong rừng Báng. 
Vua có gia tộc
Do chưa tiện truy phong ông nội Lý Lãng Công, một vị sứ quân đã tử trận, nhưng sau đó truy phong bà nội làm hậu, ban tên thụy để cúng tế; như thế có nghĩa vua Lý Thái Tổ đã bí mật truy phong ông nội là hoàng đế.
Không những vậy, vua Lý còn bí mật dựng mộ phần của ông nội Lý Lãng Công (tức mộ Hùng Công) và mộ của bà nội Phạm Thị Tiên (mộ Phạm quốc mẫu) ở Hoa Lâm. Rõ ràng Lý Công Uẩn có người anh được ban tước Vũ Uy Vương, có em là Dực Thánh Vương. Lại có một người chú ruột còn sống và được phong Vũ Đạo Vương, con ông chú là Trung Hiển lại giữ chức Thái úy Lý triều. 
Như thế, Lý Công Uẩn có một gia tộc đàng hoàng nhưng do ông nội là sứ quân Lý Lãng Công bị Đinh Tiên Hoàng đánh bại và Triều Đinh, Tiền Lê tầm nã gắt gao con cháu Lý Lãng Công khiến gia đình của Lý Công Uẩn phải sống trong ly tán, bí mật.
Nếu như không có mối quan hệ huyết thống với sứ quân Lý Khuê thì bà con thân thuộc của thiền sư Vạn Hạnh chỉ cần đổi họ và sống bình thường. Đằng này cha mẹ của Lý Công Uẩn phải kết hôn trong bí mật, sống trong rừng, chịu muôn vàn khó khăn và chết thảm. 
Dung pho he gia toc vua Ly Thai To
Bản phổ hệ do nhà nghiên cứu Trần Viết Điền thực hiện. 
Dựng phổ hệ vua Lý
Do cuộc vận động nhằm đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, họ Lý hương Cổ Pháp đã tạo ra huyền thoại cha con Lý Công Uẩn là con thần cháu thánh nên vẫn giữ bí mật mối quan hệ huyết tộc với Lý Khuê. Thôn Dương Đanh, làng Dương Xá được lệnh ngầm tế lễ sứ quân Lý Lãng Công và ở Thái Đường Hoa Lâm là nơi hiệp tế tiên tổ họ Lý, trong đó có ông nội Lý Khuê và bà nội Phạm Thị Tiên của Lý Thái Tổ.
Từ giả thuyết nêu trên, nhà nghiên cứu Trần Viết Điền thử dựng một phổ hệ gia tộc Lý Công Uẩn và Quốc Sư Vạn Hạnh. Phả đồ giả thuyết về tông tích của Lý Công Uẩn, trong đó chọn thân phụ của Định Không thiền sư làm tổ họ Lý và phải chăng vị tổ này là hậu duệ của Lý Tự Tiên, cùng khởi nghĩa với Đinh Kiến vào năm 687?
Tạm xếp Định Không thuộc đời thứ nhất, ngang hàng ông cố của Lý Khuê. Có khả năng đệ tử Thông Thiện cũng thuộc họ Lý, ngang đời với ông nội của Lý Khuê. Đệ tử Đinh La Quý An của Thông Thiện, người trị phép thuật của Cao Biền và trồng cây gạo lịch sử ở Dương Lôi là ngang đời với cha của Lý Khuê và là hậu duệ của Đinh Kiến. Họ Khúc từng khởi nghĩa và tự chủ, có hậu duệ là Khúc Lãm, được Trưởng lão Đinh La Quý An nhắc đến trong lời trối.
Dung pho he gia toc vua Ly Thai To-Hinh-2
Đình Dương Lôi, trung tâm của “làng Sấm”. 
Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền đề xuất một giả thuyết trong công cuộc tìm kiếm tông tích của nhà vua huyền thoại Lý Thái Tổ. Với tinh thần khoa học, các nhà nghiên cứu dựa vào những bài kệ mang màu sắc sấm ký được chép trong Thiền Uyển tập anh ngữ lục, hoặc bài sấm ký xuất hiện trên cây gạo... để tìm sự thật về tông tích của Lý Công Uẩn. 
“Thiền sư Vạn Hạnh đã hoàn thành xuất sắc tâm nguyện của họ Lý nói riêng và của dân Việt nói chung. Dẫu thiền sư đã đạt vinh quang tột bậc, cũng như người cháu, người con nuôi và người học trò xuất sắc Lý Công Uẩn. Tuy nhiên, để đạt được sự vinh quang ấy thì tự đáy lòng thiền sư Vạn Hạnh và vua Lý Thái Tổ vẫn đau đáu một nỗi niềm không nguôi là Lý Công Uẩn là người “mất gốc”, nhà nghiên cứu Trần Viết Điền cho biết. 
Vì lẽ đó, vị cố vấn Vạn Hạnh đã bàn với vua Lý Thái Tổ khi vừa lên ngôi đã phong tước vương cho chú, anh, em; truy phong mẹ và cha... tức là biến huyền thoại người thần của Lý Công Uẩn thành bậc có cha là thần và mẹ là người thực của cõi nhân gian. 
Dung pho he gia toc vua Ly Thai To-Hinh-3
Chậu tắm của Lý Công Uẩn khi còn nhỏ. 
Chìa khóa để giải mã
Tuy nhiên, sau 10 năm ở ngôi, nỗi đau ấy vẫn còn trong thiền sư Vạn Hạnh và vua Lý Thái Tổ, cho nên hai người quyết định truy phong bà nội của Lý Công Uẩn, ở Hoa Lâm là hậu. Tuy không truy phong ông nội nhưng vẫn tạo ra huyền thoại bà nội Phạm Thị Tiên “cảm thần hầu” trên tảng đá trong hang và sinh Hiển Khánh Vương. 
Chính ở chùa Tiêu Sơn, thiền sư Vạn Hạnh kể về các vị tổ Định Không, Thông Thiện, Đinh La Quý An, Thiền Ông với những bài kệ có sức dự đoán như thần là nhằm gửi lại hậu thế những chìa khóa để giải mã gốc gác người thực của Lý Công Uẩn. 
Do bối cảnh lịch sử đương thời, trước và sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, Vạn Hạnh và Lý Công Uẩn âm thầm giữ kín nỗi niềm bi kịch ấy, khiến hậu thế gặp nhiều khó khăn trong việc tìm gốc gác của Lý Thái Tổ. 
Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền cũng gửi gắm: “Khi nêu giả thuyết để góp phần tìm kiếm tông tích của vua Lý Thái Tổ, có thể phạm sai lầm, có gì sơ suất thì các nhà sử học, bà con họ Lý, họ Phạm cùng bạn đọc gần xa góp ý cho chúng tôi trong tinh thần khoa học”.
“Dương Lôi còn có nghĩa là “sấm”, gắn liền với các “sấm ngữ”. Với những bằng chứng để lại, thì chúng tôi chắc chắn xóm Đường Sau (sau chùa Cha Lư – PV) là nơi bà Phạm Thị Ngà sinh Lý Công Uẩn. Ở đây cũng có những địa danh chứng minh chuyện bà Phạm Thị sinh con: Dao cắt rốn, ao tắm, chậu tắm, bàn đẻ”. 
TS Lê Viết Nga (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh)
“Trần Thủ Độ sau khi bức tử vua Lý Huệ Tông đã tàn sát những người trong tôn thất nhà Lý. Tuy nhiên, vẫn có một số người nhà Lý thoát chết, mang theo phổ hệ lánh sang nước khác. Đó là trường hợp như Lý Long Tường, từ Hoa Lâm sang nước Hàn Quốc, ban đầu mang theo tên Hoa Lâm, sau đổi sang tên Hoa Sơn cho hợp cảnh ngộ”.
Nhà nghiên cứu Trần Viết Điền
Trần Hòa

>> xem thêm

Bình luận(0)