Điêu Thuyền là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc thời cổ đại, bên cạnh Vương Chiêu Quân, Tây Thi và
Dương Quý Phi. Hệt như ba người còn lại, nhan sắc được mệnh danh là “bế nguyệt mỹ nhân” (người đẹp khiến mặt trăng phải ẩn mình) này tuy được những bậc tu mi nam tử đầy quyền lực trong thiên hạ đắm say, sủng ái nhưng vẫn phải nhận kết cục bi đát, ứng với câu “Hồng nhan bạc mệnh”.
Người đẹp có xuất xứ không rõ ràng
Nhà phê bình văn học Mao Tôn Cương sống vào cuối triều Minh từng ca tụng Điêu Thuyền như sau: “Mười tám lộ chư hầu không giết nổi Đổng Trác. Chỉ một mình Điêu Thuyền giết nổi. Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi không thắng nổi Lã Bố. Chỉ một mình Điêu Thuyền thắng nổi. Dùng chiếu giường làm chiến trường, dùng son phấn làm giáp trụ, dùng khoé mắt làm đao kiếm, lấy cái chau mày và nụ cười làm cung tên, dùng lời ngon ngọt nhỏ nhẹ mà bố trận, bầy binh, tướng quân má hồng quả đáng sợ thật”.
Điêu Thuyền là cái tên quen thuộc đối với những ai thích tiểu thuyết chương hồi hoặc phim cổ trang Trung Quốc. Nhưng sự thực, Điêu Thuyền lại không phải tên riêng, mà nó là danh từ chung gọi những cung nữ chuyên phục vụ mũ áo dưới triều Hán. Như vậy, tuy là một nhân vật gây ấn tượng mạnh và có ảnh hưởng không nhỏ đến cục diện trong Tam quốc diễn nghĩa nhưng mỹ nhân này thậm chí còn không được tác giả La Quán Trung đặt cho một cái tên, đủ thấy thân phận vô danh, con sâu cái kiến của kẻ nữ nhi trong thời đó.
Vậy Điêu Thuyền là ai? Nhiều học giả cho rằng đây là nhân vật hoàn toàn hư cấu, bởi chính sử không có một dòng nào ghi chép về nhân thân của cô gái này. Theo Tam quốc chí của Trần Thọ (sách lịch sử từ thế kỷ thứ 3, viết trước tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung hơn 1.000 năm), Lã Bố là con nuôi của Đổng Trác, có lần làm Trác nổi giận ném kích vào người, may tránh được, từ đó đem lòng oán hận Trác. Bố thường được cha nuôi sai bảo vệ các tỳ thiếp, nhân đó tư thông với một thị tỳ, nên trong lòng lo sợ. Bởi vậy, khi tư đồ Vương Doãn “rủ rê” làm nội ứng giết Trác thì Bố nhận lời ngay.
Như vậy, theo Tam quốc chí, Lã Bố tư thông với một thị tỳ của Đổng Trác, vì sợ việc bị lộ sẽ nguy nên làm phản. Chuyện tư tình của Bố với cô gái vô danh này cũng không được miêu tả, cô ta cũng chẳng có quan hệ gì với Vương Doãn, càng không tham gia vào mỹ nhân kế của ông ta, và sau cũng không trở thành vợ Lã Bố.
Các sử gia cho rằng, đến đời Nguyên, các thiểu thuyết gia và nhà soạn kịch hư cấu thêm, biến tỳ nữ của Đổng Trác thành Điêu Thuyền, biến Thuyền thành vợ Lã Bố. Trong vở “Tam Quốc Chí Bình Thoại” viết vào đời Nguyên, Điêu Thuyền tự thuật: “Tiện thiếp vốn họ Nhâm, tiểu tự là Điêu Thuyền, có chồng là Lã Bố, nhưng từ khi thất lạc ở phủ Lâm Thao, đến nay vẫn chưa gặp lại…”
Trong kịch “Cẩm Vân đường âm định liên hoàn kế”, Điêu Thuyền nói: “Nhân Hán Linh đế ra lệnh tuyển lựa cung nữ, nên mẹ tôi mới cho tôi vào trong cung, giữ việc quản lý loại mũ, gọi là điêu thuyền, vì thế tôi mới lấy tên chữ gọi là Điêu Thuyền. Sau Hán Linh đế đem tôi ban cho Đinh Kiến Xương (tức Đinh Nguyên). Kiến Xương lại gả tôi cho Lã Bố làm vợ. Sau này khi giặc Khăn Vàng nổi lên làm loạn, vợ chồng tôi bị thất tán vì chiến tranh, nay không biết chồng tôi ở nơi nào.
Từ những “dữ liệu” trải qua nhiều tầng hư cấu đó, đồi đến cuối thời Minh mạt Thanh sơ, La Quán Trung khi viết tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa” đã hư cấu thêm để tạo nên nhân vật Điêu Thuyền là con hát tronng phủ Vương Doãn, được ông quan này nhận làm nghĩa nữ, thực hiện kế mỹ nhân và kế ly gián. Doãn hứa gả Thuyền cho cả Đổng Trác và
Lã Bố, khiến Bố đâm chết Trác, kẻ lộng quyền lấn át của vua nhà Hán. Thuyền trở thành vợ lẽ của Lã Bố.
|
Điêu Thuyền và Lã Bố trong phim.
|
Một số học giả lại tin vào truyền thuyết dân gian cho rằng, Điêu Thuyền là nhân vật có thật, tên là Nhậm Hồng Xương, còn quê quán thì mỗi người nói một phách. Theo các sử gia, ngay cả cái tên Nhậm Hồng Xương cũng là hư cấu của người đời sau, trong những vở kịch thời Nguyên.
Điêu Thuyền từng được “gả” cho Quan Công?
Những người thích đọc Tam quốc diễn nghĩa đều tò mò về số phận Điêu Thuyền sau khi Lã Bố bị giết chết. Kể từ lúc ấy, La Quán Trung không nhắc một lời nào về nhân vật mỹ nhân mà ông bắt phải chịu phận vô danh ấy nữa. Có người đoán rằng, khi Lã Bố thất bại, Điêu Thuyền có thể chết trong đám đông, hoặc chạy thoát. Nhưng nhiều người lại nói, đẹp như Điêu Thuyền thì khó mà thoát nổi, thể nào nàng cũng bị chiếm làm tỳ thiếp của một ai đó, và nhiều phần sẽ thuộc về những kẻ quyền lực nhất, bởi các tướng soái thời Tam quốc trong khi chinh phạt thường không bao giờ quên lưu tâm tìm hiểu và kịp thời cướp lấy những mỹ nhân của đối phương.
Và trong trường hợp này, Điêu Thuyền sẽ lọt vào tay Tào Tháo, một con người có tham vọng chính trị lớn nhưng cũng háo sắc nổi danh. Có thuyết cho rằng, Tào Tháo thấy sự nguy hiểm của Điêu Thuyền nên đã cho thắt cổ nàng đến chết. Theo một giả thiết khác, Tào Tháo đã ban Điêu Thuyền cho Quan Vân Trường khi Quan bất đắc dĩ phải hàng Tào. Mục đích của Tào là mua chuộc Quan Công, đồng thời cũng muốn thử xem con người nổi danh vì nghĩa, khinh thường của cải và đàn bà đẹp này ứng xử ra sao trước đại mỹ nhân.
Còn Quan Vân Trường, khi biết một trong những gái đẹp được
Tào Tháo gửi đến làm quà cho mình có Điêu Thuyền, vợ của Lã Bố, thì tỏ ra khinh thường Thuyền đã vì mạng sống mà thất tiết với chồng, cam tâm làm đồ chơi mua vui cho kẻ khác. Quan Công đã tỏ thái độ với Điêu Thuyền, và người đẹp hiểu ý đã tự tìm cái chết. Lại có người nói, người đẹp được Quan Công thu nhận làm nàng hầu, về sau khi ông ta bị giết thì không biết mất tích đi đâu.
Một chuyện khác kể rằng, ngay từ thời điểm Lã Bố chết, Điêu Thuyền đã được Tào Tháo tặng cho Quan Công với mục đích làm cho họ Quan vì mê nữ sắc mà quên sự nghiệp, đồng thời làm cho Lưu Bị, Trương Phi bất mãn vì không có được người đẹp, rồi anh em bất hòa. Nhưng Vân Trường từ chối, nên Thào Tháo ra lệnh đem Điêu Thuyền ra giết, cũng với mục đích ép Vân Trường vì thương xót một mạng người mà không cự tuyệt nữa. Người đẹp biết mình sắp bị giết, khóc than thảm thiết. Quan Công bèn gọi đến bảo: “Nàng trước đã ở vớí Đổng Trác, sau lại lấy Lã Bố. Làm thân con gái 2 lần lấy chồng đã là điều đáng xấu hổ, còn khóc gì nữa?”.
Điêu Thuyền nói: “Chuyện hai chồng đâu phải lỗi của thiếp, mà vì Vương tư đồ muốn thiếp thi hành kế liên hoàn. Thiếp đem tấm thân trinh bạch vì nước trừ gian, đã chẳng được thưởng công thì chớ, giờ còn bị khép vào tội chết, chẳng phải đau lòng sao?”.
Vân Trường nghe, động lòng thương xót, muốn thả nàng ra. Nhưng Điêu Thuyền không nơi nương tựa, chả biết đi đâu, bèn xin vào rừng xuống tóc đi tu.
Theo một thuyết khác, sau khi Lã Bố chết, Điêu Thuyền lọt vào tay phe Lưu Bị. Bị tuy tỏ ra là bậc quân tử nhưng cũng say đắm và muốn lấy nàng làm vợ. Trương Phi cũng mê mệt chẳng kém, thấy mỹ nhân mà phách lạc hồn xiêu. Quan Vũ thấy vậy rất không hài lòng, bèn nói với Phí rằng: “Không ngờ tam đệ cũng mê người đẹp nhỉ”. Phi vờ nói: “Điêu Thuyền đẹp thế, phải lấy đại ca mới xứng”.
Lưu Bị thích lắm nhưng vồ vập thì cũng bất tiện, cũng nói đãi bôi: “Nhị đệ chưa có vợ, thôi gả cho nhị đệ”. Vân Trường từ chối, thế là Bị và Phi cứ vờ đùn đẩy cho nhau mãi. Quan Công đi guốc trong bụng đại ca và tam đệ, nghĩ bụng vì Điêu Thuyền mà cả Đổng Trác lẫn Lã Bố đều thân danh tan nát, anh em mình mà dính vào thì sự nghiệp tiêu tan, nên không thể để cho nàng sống.
Đêm ấy, Quan Vũ xách long đao, gọi Điêu Thuyền ra. Dưới ánh trăng, nhan sắc của nàng càng mê đắm khiến kẻ cứng rắn như Quan Công cũng phải xúc động, điều đó khiến ông càng kinh sợ và quyết giết nàng ngay để trừ hậu họa. Điêu Thuyền thấy Quan Công đầy sát khí thì sợ hãi run rẩy, người như lả đi, trông càng thập phần quyến rũ, khiến vị tướng quân cũng run tay, khiến thanh đao rơi xuống vô tình chém trúng mỹ nhân, thế là một đóa hoa lìa cành.
Theo các nhà nghiên cứu, câu chuyện trên cũng được người đời sau hư cấu, với tâm lý tôn sùng Quan Công như một vị thánh không thể bị lung lạc bởi nữ sắc. Nhưng cũng vì sợ chuyện danh tướng ra tay chém một người con gái yếu liễu đào tơ không khả năng tự vệ thì chẳng vẻ vang gì nên mới nghĩ ra chi tiết để ông ta run tay và thanh đao vô tình làm việc của mình. Cũng với ý bảo vệ thanh danh cho Quan Vũ mà trong một câu chuyện khác, người ta kể rằng Điêu Thuyền đã tự nguyện kết liễu đời mình để Quan Vũ khỏi khó xử.
Dù các câu chuyện khác nhau, nhưng đều cho thấy, thân phận đàn bà thời ấy, cho dù là người đẹp, cũng chỉ là bèo bọt, là đồ vật trong tay đàn ông mà thôi.