Chẩn bệnh vô sinh cho đại mỹ nhân Dương Quý Phi

Google News

Có quan điểm cho rằng, Dương Quý Phi mắc phải căn bệnh nội tiết, tức tiểu đường. Thực hư ra sao?

- Đẹp đến như Dương Quý Phi còn có tỳ vết: cơ thể có mùi hôi, bạc phúc vô sinh, thậm chí là bị tiểu đường. Quả khó mà đạt tới độ “mười phân vẹn mười”.

Là một trong bốn mỹ nhân có vẻ đẹp vĩnh cửu của Trung Quốc cổ đại, Dương Quý Phi nổi tiếng thiên hạ bởi nhan sắc “tu hoa” (đến hoa cũng hổ thẹn). Ngợi ca nhan sắc khuynh nước khuynh thành của Dương Quý Phi, “thi tiên” Lý Bạch có bài: “Thanh bình điệu”: “Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung, Xuân phong phật hạm, lộ hoa nùng. Nhược chi quần ngọc sơn đầu kiến, Hội hướng Đao đài nguyệt hạ phùng”. (Thoáng bóng mây hoa, nhớ bóng hồng. Gió xuân dìu dặt giọt sương trong. Ví chăng non ngọc không nhìn thấy, Dưới nguyệt đài Dao thử ngóng trông - Ngô Tất Tố dịch).

Người đẹp Phạm Băng Băng trong vai Dương Quý Phi.
Người đẹp Phạm Băng Băng trong vai Dương Quý Phi.

 

Nhưng phàm là con người khó mà đạt tới độ “thập toàn thập mỹ”. Nhà văn Kỷ Liên Hải trong cuốn "Kỷ Liên Hải khâm phục Tứ Đại Mỹ Nhân" từng đúc kết ra rằng, xưa nay, người ta vẫn hay tôn sùng nhan sắc tuyệt trần của các nàng, mà ít ai để ý, tứ đại mỹ nhân cũng như bất kỳ một người nào khác, vẫn có những điểm yếu của mình.

Riêng với Dương Quý Phi, mỹ nhân có vẻ đẹp “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” bị cho là có những khiếm khuyết về sức khỏe. Ngoài giả thuyết cơ thể mỹ nhân có mùi hôi, còn có một số giả thuyết cho rằng, Dương Quý Phi gặp trục trặc ở đường sinh nở và mắc bệnh nội tiết.

Nỗi buồn vô sinh


Dân gian Trung Quốc thường lưu truyền câu nói: “Hoàn phì, Yến sấu”, ý chỉ Dương Quý Phi béo, Triệu Phi Yến gầy. Vẻ đẹp phú thái đầy đặn của Dương Quý Phi - người con gái sắc nước hương trời trong cung nhà Đường từng được xem là chuẩn mực cho nét đẹp của người phụ nữ bấy giờ.

Trong bài “Trường hận ca”, thi nhân Bạch Cư Dị cũng có câu thơ hàm ý mô tả vẻ đẫy đà của người đẹp: “Ôn tuyền thủy hoạt tẩy ngưng chi” (ý chỉ nước suối nóng chảy trôi mỡ tụ). Nhưng chính cơ thể tròn trịa, đẫy đà ấy lại trở thành con dao hai lưỡi, khiến Dương Quý Phi mắc phải những trở ngại về sức khỏe. 

Có quan điểm cho rằng, vẻ đầy đặn là nguyên nhân khiến đại mỹ nhân không thể thụ thai. Dấu hiệu vô sinh xuất hiện ngay từ thời Ngọc Hoàn hãy còn bừng bừng sức xuân, sống nghĩa phu thê mặn nồng với Hoàng Thọ vương Lý Dục – con thứ 18 của Đường Huyền Tông. Dù trong độ tuổi lý tưởng để thụ thai, nhưng Dương Quý Phi vẫn không có tin mừng.

 

Nếu xét ở góc độ y học hiện đại, quá béo là tác nhân gây hại tới tử cung, thậm chí dẫn tới chứng ung thư nội mạc tử cung. Với những phụ nữ có thân hình quá khổ, tổ chức mỡ sẽ khiến nội tiết tố androgen trong máu biến chuyển thành một loại oestrogen đặc biệt có khả năng gây ung thư.

Theo các kết quả nghiên cứu khoa học, phụ nữ quá mập mạp thường không có kinh nguyệt đều đặn. Khi vòng kinh bị rối loạn, cơ chế rụng trứng cũng trở nên thất thường và dẫn tới nguy cơ bị đa nang buồng trứng hoặc không có progesterone ức chế tăng sinh nội mạc tử cung, dễ gây ra hiện tượng tăng sinh quá độ nội mạc tử cung, thậm chí dẫn tới chứng ung thư nội mạc tử cung. Thực tế cho thấy, những phụ nữ có vấn đề ở tử cung và buồng trứng thường gặp trắc trở về khả năng sinh nở.

Khốn khổ vì chứng tiểu đường?

Lại có quan điểm cho rằng, Dương Quý Phi có khả năng bị tiểu đường. Trong đông y, căn bệnh này được gọi là chứng tiêu khát và đã xuất hiện từ thời xưa. Rất nhiều nguyên nhân gây bệnh như gen, môi trường, thói quen ăn uống, vận động thể lực, stress. Trong đó, những người có thân hình quá mập, thói quen ăn uống thiếu khoa học, uống nhiều rượu hoặc căng thẳng thần kinh kéo dài…thường dễ có nguy cơ mắc bệnh.

 

Đẹp đến như nàng Ngọc Hoàn mà còn bị cho là có tỳ vết.
Đẹp đến như nàng Ngọc Hoàn mà còn bị cho là có tỳ vết.
 
Người xưa chỉ ca tụng Dương Quý Phi là “viên ngọc quý” sở hữu vẻ đẹp tròn trịa, đầy đặn, nhưng ít ai quan tâm tới vấn đề sức khỏe của đại mỹ nhân. Nhưng theo cách nhìn nhận của người hiện đại, vẻ đẫy đà, nảy nở của người đẹp thời Đường thực chất là dấu hiệu của bệnh tật. Các nghiên cứu y học chỉ rõ, béo phì là một nguyên nhân  có thể dẫn tới chứng tiểu đường. Những người quá mập mạp cũng thuộc nhóm có nguy cơ cao bị tiểu đường.

Dương Quý Phi vốn rất thích ăn vải. Vải ở miền Bắc không ngon ngọt như ở phía Nam, nên để chiều lòng người đẹp, Đường Minh Hoàng thường sai quân vượt đường xa xôi diệu vợi, chở vải tươi từ phương Nam về tận kinh đô cho nàng thưởng thức.

Mỗi chùm vải đều mang nặng mồ hôi, thậm chí cả mạng sống của người lẫn ngựa. Dương Quý Phi thường đứng trên lầu cao mà ngóng trông người về. Khi nhìn thấy bụi tung mù mịt từ xa, nàng khấp khởi mừng thầm vì biết vải đã được đem về. Nhà thơ Đỗ Mục thời Đường trong bài: “Quá hoa thanh cung tuyệt cú”có hai câu mô tả việc này: “Nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu, Vô nhân tri thị lệ chi lai” ((Bụi hồng người đẹp mỉm cười, Nào ai đã biết vải tươi mới về).

Ai cũng biết, vải là loại quả chứa hàm lượng đường cao, cũng là món ăn không tốt với người bị tiểu đường. Các nghiên cứu y học cho thấy, thích ăn đồ ngọt tuy không liên quan trực tiếp tới chứng bệnh này, nhưng nếu ăn quá nhiều ngọt, sẽ ảnh hưởng tới tụy, từ đó dẫn tới bệnh tiểu đường. Trong cuốn “Tân Đường thư Huyền Tông Quý Phi Dương thị truyện” cũng đề cập tới thú nghiện ăn vải của người đẹp Ngọc Hoàn. Ăn nhiều đâm nghiện, vậy ai dám đảm bảo, nàng không mắc phải căn bệnh nội tiết này?.

Lại nói, Dương Quý Phi còn có thú vui uống rượu và uống rất cừ. Điều này từ lâu đã không còn là bí mật trong chốn hậu cung. Vở diễn nổi tiếng trong kinh kịch “Quý Phi say rượu” cũng mô tả cảnh mỹ nhân vì ấm ức chuyện hoàng đế không tới đình Bách Hoa như đã hẹn, liền một mình uống rượu tiêu sầu tới mức say mèm rồi đau khổ trở về cung.

Theo ghi chép của sử sách, Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi thường cùng nhau thức đêm ẩm tửu đối ca. Tương truyền, vì rất nâng niu, trân trọng thân thể ngọc ngà của đại mỹ nhân, nhà vua từng mời nghệ nhân khéo tay làm một chiếc cốc dành riêng cho người đẹp. Cốc này mỗi lần chỉ rót được phân nửa, nếu rượu đầy ngập sẽ tràn sạch ra ngoài.

Những nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, thói quen uống rượu trong thời gian dài là một yếu tố khác khiến chứng tiểu đường thêm trầm trọng. Vì vậy, nguy cơ mắc bệnh của Dương Quý Phi không phải là không có.

Một biểu hiện khác cho thấy người đẹp có bệnh trong người là vì những căng thẳng lâu ngày khi sống trong chốn hậu cung. Nhà thơ Bạch Cư Dị trong “Trường hận ca” từng lột tả đến tận cùng mức độ sủng ái mà bậc thiên tử dành cho Dương Ngọc Hoàn bằng hai câu nổi tiếng: "Hậu cung giai lệ tam thiên nhân, tam thiên sủng ái tại nhất thân” (Hậu cung giai nhân trên ba ngàn, ba ngàn yêu chiều dồn mình nàng).

Với nhan sắc trời phú như vậy, chẳng khó lý giải khi Đường Huyền Tông dù “tam cung, lục viện” vẫn đắm say, mê mẩn và hết mực sủng ái nàng. Nhưng chốn hậu cung vốn nhiều hiểm nguy. Vị trí của Dương Quý Phi luôn có nguy cơ bị tranh giành bởi những phi tần, mỹ nữ khác. Trong vở “Quý Phi say rượu” cũng đề cập tới điều này. Dương Ngọc Hoàn vốn bày tiệc tại đình Bách Hoa để đợi Đường Huyền Tông tới cùng vui vẻ, nhưng đợi hoài đợi mãi mà chẳng thấy bóng dáng người thương. Hóa ra hoàng đế đã đổi ý, tới Tây cung vui vẻ cùng Mai Phi, để mặc mỹ nhân ngóng trông trong vô vọng. Ngọc Hoàn vì tức giận, tủi hờn đã một mình ẩm tửu tiêu sầu tới mức say mèm. Điều thú vị là trong “Dương Thái Chân ngoại truyện” của Nhạc Sử đời Tống có chi tiết kể rằng, chị của Dương Quý Phi, tức Quắc Quốc phu nhân cũng có ý tranh giành với em gái, “dĩ bất biến ứng vạn biến” mà có được sủng ái của Đường Huyền Tông.

Cũng như những triều đại phong kiến khác, người đẹp trong chốn hậu cung thời Đường Huyền Tông nhiều vô số kể, nên chuyện phi tử phải nghĩ trăm phương ngàn kế để được hoàng đế yêu chiều là lẽ thường tình. Vì vậy, Dương Quý Phi khó lòng tránh khỏi chuyện “đấu đá”, tranh giành với đám phi tần trong cung. Sống giữa môi trường luôn phải kèn cựa, cạnh tranh gay gắt như vậy, chắc hẳn, nàng phải chịu đựng những áp lực nặng nề về mặt tinh thần. Xét theo góc độ sinh lý, áp lực tinh thần quá lớn sẽ khiến nội tiết bị rối loạn, dễ có nguy cơ bị tiểu đường. Rối loạn nội tiết phải chăng cũng là nguyên nhân khiến đại mỹ nhân dù bừng bừng sức xuân vẫn không thể mang thai rồi sinh nở như bao phụ nữ khác.

Như vậy, thân hình mập mạp, thói quen ăn uống không khoa học và thường xuyên căng thẳng, áp lực có thể đã khiến đại mỹ nhân xuất hiện những dấu hiệu điển hình của bệnh tiểu đường. Nhưng dù có tỳ vết trên cơ thể hay những khiếm khuyết về sức khỏe, Dương Quý Phi với nhan sắc tuyệt mỹ của mình vẫn là viên minh châu lấp lánh mà đấng quân vương luôn nâng niu, trân trọng như một báu vật chốn hoàng cung.

Thùy Dương (theo Sina, Huanqiu)

Bài đang đọc nhiều
Sửng sốt “nhân chứng“ lịch sử bị... siêu thoát Sửng sốt “nhân chứng“ lịch sử bị... siêu thoát “Hà Lội“ nổi tiếng trong phóng sự ảnh lụt bão quốc tế “Hà Lội“ nổi tiếng trong phóng sự ảnh lụt bão quốc tế 

Choáng với “thành tích“ ngoại tình của bà Trần Lệ Xuân Choáng với “thành tích“ ngoại tình của bà Trần Lệ Xuân

[links()]

 

Bình luận(0)