Bí ẩn người đẹp khó “cưa” nhất đời Tưởng Giới Thạch

Google News

Tưởng Giới Thạch nổi tiếng là người đào hoa nhưng để “cưa” đổ Trần Khiết Như, ông đã phải dùng “khổ nhục kế” cầm dao dọa chặt ngón tay trước mặt người đẹp.

Lắm chiêu nhiều trò
Năm 1919, Tưởng Giới Thạch dù chức vụ còn thấp nhưng đã là một nhân vật được Tôn Trung Sơn tin cẩn. Khi đó, trong đời sống tình cảm, Tưởng cũng đã có một vợ chính thức là Mao Phúc Mai và một người thiếp là Diêu Di Thành. Tuy nhiên, trong một lần đi cùng Tôn Trung Sơn đến nhà Trương Tĩnh Giang ở Thượng Hải, Tưởng đã gặp một người mà sau đó ông ta phải bỏ rất nhiều thời gian và dở ra hết các chiến thuật mới chinh phục được.
Người đó là Trần Phượng (sau khi cưới, Tưởng đặt lại tên cho Trần Phượng thành Trần Khiết Như). Cô sinh năm 1905 ở Thượng Hải và được cha mẹ cho đi học Trung học theo lối giáo dục phương Tây. Trần Phượng có cặp mắt to, sống mũi cao và gương mặt rất thanh tú. Xinh đẹp lại có học thức nên ngay lần đầu gặp mặt, cô đã làm Tưởng Giới Thạch mê mẩn.
Với sự dày dạn của một người từng trải trong tình trường, ngay lần đầu gặp mặt, Tưởng đã bày tỏ tình cảm khiến Trần Phượng sợ hãi. Tưởng lại bắt cô nói chỗ ở nhưng cô cố tình nói sai. Mặc dù thế, không bao lâu Tưởng cũng tìm được nhà. Kể từ đây bắt đầu một màn kịch tình yêu rất ly kỳ.
 Không chỉ nổi tiếng là người có tham vọng quyền lực chính trị lớn mà Tưởng Giới Thạch còn rất đào hoa. Ảnh: Internet.
Trong cuốn "Bí ẩn tình yêu hôn nhân của các danh nhân", các tác giả dẫn hồi ký của Trần Khiết Như cho biết, ngay bức thư đầu tiên, Tưởng đã dồn Trần Phượng vào một thế tiến lui đều khó.
Khiết Như kể: trong một buổi tối, Tưởng sai người đưa thư đến nhà. Trên bì thư đã ghi mấy chữ to “đợi trả lời”. Đáng chú ý, trong thư Tưởng đã đem gán chuyện tình cảm với công việc cách mạng. Thư có đoạn viết: “Nếu em tiếp tục cự tuyệt nói chuyện hoặt gặp mặt tôi thì sẽ làm giảm sút và tổn hại khí tiết cùng tinh thần hiên ngang cao cả của nhà cách mạng này”.
Nhưng điều mới mẻ nhất với Trần Phượng là câu: “Nếu tôi không được em trả lời thì tôi sẽ không thể yên tâm được, tôi sẽ đặt trái tim tôi ở dưới vành váy của em đó!”. Về chi tiết này, Trần Khiết Như sau này bình luận: “Loại quyết tâm bất khuất dốc lòng quỳ lạy “dưới vành váy” của tôi này, quả thật là đầy vẻ mới lạ kỳ quặc”.
Người đưa thư của Tưởng vẫn ở đó. Anh ta sẽ không chịu đi nếu như không được hồi âm. Bức bách, A Phượng đành viết mấy chữ: “Thư gửi tôi đã nhận được. Chỉ cần anh đừng gọi điện thoại hoặc viết thư đến làm phiền tôi, thì anh sẽ được tha thứ kịp thời”. Mặc dù vậy, 1 tuần liền sau đó, nhà A Phượng liên tục có điện thoại. Cô phải nói dối mẹ là các bạn gọi điện rủ đi chơi mà cô thì không muốn đi để mẹ cô khỏi nghe.
Vào lúc đó, Trần Phượng không có chút tình cảm nào với Tưởng Giới Thạch. Cô kêu trời: “Trời xanh sao nỡ tàn khốc bất nhân như vậy, sao lại cứ một mực đưa kẻ truy tầm không được hoan nghênh này vắt ngang trên đường đời của tôi? Tôi phải làm thế nào mới có thể tránh được Tưởng đây?”. Một thời gian sau đó, A Phượng kiên quyết tránh mặt Tưởng và cô đã có vài tháng không bị quấy rầy.
Nhưng một sự kiện bất ngờ xảy ra lại tạo cơ hội cho Tưởng. Đó là việc cha A Phượng lâm bệnh qua đời. Tưởng đã đến viếng với một bộ mặt râu ria xồm xoàm. Điều đó làm cho gia đình họ Trần và ngay chính A Phượng cảm động vì họ nghĩ đó là Tưởng thành tâm để tang ông Trần. Bởi vì tục lệ Trung Quốc, khi cha mẹ mất, con cái chịu tang thì không được cắt tóc cạo râu trong thời gian chịu tang.
Mãi sau này A Phượng mới biết rằng hành động đó của Tưởng không phải để tang cha mình mà vì mẹ anh ta cũng mất cách đó mấy tháng. Và đó cũng là lý do mà trong thời gian đó cô không bị quẩy rầy. Nhưng khi biết ra thì cô đã đồng ý lời cầu hôn của Tưởng rồi.
Dùng đến khổ nhục kế
Sau hành động viếng ông Trần, Tưởng lại nhờ ông Trương Tĩnh Giang là người có quan hệ thân thiết với gia đình Trần Phượng đứng ra mai mối giúp. Dần dần mẹ A Phượng cũng xuôi lòng. Như thế chỉ còn cửa ải cuối cùng là Tưởng thành công. Và ông ta đã rất dày công chuẩn bị cho “đòn” cuối cùng đó.
Một buổi, Tưởng Giới Thạch đến nhà A Phượng. Cả hai ngồi yên lặng không nói câu nào. Khuôn mặt Tưởng có vẻ căng thẳng một lát rồi ông liền kêu lên:
Tôi xin thề với em
Biển có thể cạn khô
Núi có thể sập đổ
Tình yêu tôi với em
Muôn đời không tan vỡ
Rồi Tưởng sát lại gần hỏi A Phượng: “Em có tin tưởng tôi không? Ngàn lần xin em hãy thể hiện tốt đối với tôi, hãy nói rằng em tinh tưởng ở tôi đi”. Nhưng A Phượng vẫn yên lặng vì ngại. Dẫu sao lúc đó cô cũng mới chỉ là cô thiếu nữ 15 tuổi.
Giữa lúc đó, Tưởng đột ngột thay đổi thủ pháp. Trần Khiết Như kể: “Tức thì Tưởng lấy từ trong túi ra một con dao, kéo lưỡi dao sáng quắc ra nói: Nếu em vẫn không tin tưởng tôi yêu em sâu sắc chân thành thì tôi sẽ đổi một phương thức khác, để chứng minh cho em biết. Nhìn đây! Chỉ cần em nói ra chữ đó, tôi lập tức dùng lưỡi dao này chặt đứt một ngón tay của tôi để chứng tỏ tôi rất đúng mức. Được, em hãy nói ra chữ đó đi!
 Tuy nói tình cảm của mình “muôn đời không tan vỡ” nhưng chỉ mấy năm sau, khi Tưởng đưa Tống Mỹ Linh vào tầm ngắm thì Trần Khiết Như đã bị gạt ra rìa. Ảnh minh họa.
Lúc đó, Tưởng duỗi thẳng cánh tay và những ngón tay trên bàn tay di chuyển về phía tôi. Tôi lập tức bị sợ hãi bởi động tác của Tưởng liền vội vã nắm chặt lấy bàn tay của Tưởng, bảo vệ lấy bàn tay đó. Tưởng lại nói: Tôi nhất định sẽ dùng máu tươi của tôi viết cho em một bức thư thề rằng tôi vĩnh viễn yêu em”.
Đến lúc này A Phượng hoàn toàn đầu hàng. Cô kêu lên: “Một nghìn lần xin ông hãy bỏ dao xuống. Em tin tưởng ông, chỉ cần ông bỏ dao xuống”. Vậy là trong ngày hôm đó, Tưởng Giới Thạch đã hoàn thành một công cuộc chinh phục tình yêu gay cấn nhất trong đời mình. Có thể nói như vậy vì sau này khi chinh phục Tống Mỹ Linh, Tưởng chỉ dùng các tác nhân trong gia đình họ Tống là đủ chứ chưa cần dùng đến kiểu khổ nhục kế lấy dao dọa chặt tay như với A Phượng.
Sau đó không lâu, lễ cưới của hai người đã được tổ chức vào ngày 5/12/1921 trong nhà khách Đại Yến Dung của khách sạn Đại Đông Vĩnh An đại lầu Thượng Hải. Tuy nói tình cảm của mình “muôn đời không tan vỡ” nhưng chỉ mấy năm sau, khi Tưởng đưa Tống Mỹ Linh vào tầm ngắm thì Trần Khiết Như đã bị gạt ra rìa. Tưởng ép cô sang Mỹ du học vào năm 1927, trước khi ông ta và Mỹ Linh tổ chức đám cưới. Đến năm 1933 Khiết Như về nước rồi năm 1940, khi đến ở tại Trùng Khánh, hai người lại qua lại nồng nàn. Chuyện này vấp phải sự phản đối quyết liệt của Mỹ Linh nên từ đó hai người phải xa cách. Khi Tưởng thua chạy ra Đài Loan, Khiết Như vẫn ở lại Đại lục. Bà mất tại Hong Kong năm 1971.
Theo Đời sống pháp luật

Bình luận(0)