Chuyện chưa kể về “ông già nước Nam“

Google News

(Kiến Thức) - Được biệt đãi nơi xứ người, nhưng đêm ngày, "ông già nước Nam" ấy vẫn đau đáu nỗi nhớ nước nhà đã bị đô hộ. Ông là ai?

Kết cục bi thảm

Quân Minh dồn đánh quân Hồ ở cửa Muộn Hải (Nam Định) sau đó kéo về đóng trại ở Hàm Tử chờ quân Hồ. Hồ Nguyên Trừng đón Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương từ Tây Đô ra tập hợp quân thủy bộ ở Hoàng Giang chuẩn bị một trận quyết chiến với quân Minh.

Các chiến thuyền của nhà Hồ đậu san sát dọc sông dài hơn mười dặm. Số quân thủy bộ lên tới bảy vạn người, lại vung tin lên có 21 vạn. Đoàn quân hùng hậu tiến về Hàm Tử, nhưng không có sự chỉ huy hợp đồng chặt chẽ, nên bị quân Minh mai phục đổ ra chặn đánh và chia cắt. Các đoàn quân Hồ không liên lạc được với nhau, bị chết rất nhiều, chỉ có toán quân thủy phía sau chạy thoát.

Thua to ở Hàm Tử, Hồ Quý Ly và Hán Thương chạy vào Nghệ An. Trương Phụ và Mộc Thạnh dẫn quân kị đuổi theo. Liễu Thăng đem quân thủy theo đường biển đón đánh. Đến núi Cao Vọng, gần Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hai cha con Hồ Quý Ly bị bắt. Sau đó, Hồ Nguyên Trừng và các tướng soái khác cũng lần lượt rơi vào tay giặc.

Thế là chỉ sau sáu tháng chống xâm lược, cuộc kháng chiến của nhà Hồ đã hoàn toàn thất bại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến kết cục bi thảm đó: Nhà Hồ mới được thành lập chưa ổn định, vẫn còn bị các thế lực triều cũ chống đối, các cải cách chưa đem lại hiệu quả, sự cai trị hà khắc làm mất lòng dân...

Người ta còn kể thêm là nhà Hồ đánh mất đồng minh là Chiêm Thành ở phía Nam. Trong chiến tranh, nhà Hồ không có chiến lược chiến thuật hợp lí như thời Trần, mà chỉ dựa vào quân thường trực (đông mà không tinh), thực hành phòng thủ bị động, không biết áp dụng chiến thuật "dùng đoản binh đánh trường trận" mà lại tập trung quân đánh trận địa chiến (trận Hoàng Giang) trong khi không chắc thắng. Song, nguyên nhân chủ yếu thua trận đúng như Hồ Nguyên Trừng đã nói từ trước: "Lòng dân không theo!".

Tháng 6/1407, Trương Phụ cho áp giải vua quan nhà Hồ về Kim Lăng khi ấy là kinh đô của nhà Minh. Chúng lại còn vơ vét của cải và bắt theo các nhân tài, thợ giỏi người Việt sang để phục dịch cho chúng.

Minh họa Hồ Nguyên Trừng chế tạo ra súng thần công. 

Những ngày cuối của cha con Hồ Quý Ly

Nhà Minh biết Hồ Nguyên Trừng là người tài, từng chế tạo súng thần cơ và long hỏa pháo cũng như đóng chiến thuyền. Chúng tha bổng cho ông nhằm mục đích khai thác bí mật kỹ thuật, ông được ban cho chức quan ngũ phẩm làm việc chế tạo súng đạn, thuốc nổ tại Binh trượng cục Nam Kinh. Để mua chuộc và ràng buộc ông, Hồ Quý Ly và Hán Thương được chúng giữ lại không bị giết. Tuy nhiên, không thể tha cho "đầu sỏ ngụy" được, chúng bèn đem đày Quý Ly đi sung công làm lính thú ở Quảng Tây, mặc dù tuổi ông đã già. Dù vậy, Nguyên Trừng vẫn chỉ làm cho có lệ. 

Chín năm sau, Hồ Quý Ly đã chết vì bệnh và Hán Thương được tha, Hồ Nguyên Trừng mới nguôi ngoai để tâm vào công việc. Triều Minh dời đô về Bắc Kinh, gia đình Hồ Nguyên Trừng được đưa theo. Vua Tuyên Tông thăng cho ông lên tới chức Thượng thư bộ Công hàm nhị phẩm (tương đương với bộ trưởng) và con cái cũng đều được biệt đãi. Những súng thần công do ông chế tạo được giữ gìn cẩn mật và hằng năm nhà Minh làm lễ tế binh khí cũng đều tế cả Nguyên Trừng. Tuy vậy, ông vẫn đau đáu nỗi nhớ nước nhà đã bị đô hộ, đêm đêm vẫn trằn trọc mơ về chốn cũ. Hồ Nguyên Trừng lấy tên hiệu là Nam Ông (ông già nước Nam) và biên soạn sách Nam Ông mộng lục, ghi chép lại theo trí nhớ những sự kiện và nhân vật của Đại Việt.

Thật đáng tiếc thay, những cải cách đi trước thời đại của Hồ Quý Ly không được thực hiện thành công. Tài năng xuất chúng của Hồ Nguyên Trừng không có dịp cống hiến cho dân tộc mà phải đem phục vụ ngoại bang.

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Dĩ Nguyên

Bình luận(0)