Chuyện ít biết về ông Tổ nghề hát xẩm ở VN

Google News

(Kiến Thức) - Thương xót cho số phận hẩm hiu của Thái tử Trần Quốc Đĩnh, thần linh đã ban cho nghề ca hát để kiếm sống. Ông được suy tôn là ông tổ nghề hát xẩm -  nét văn hóa, là "món ăn" không thể thiếu của người Hà Nội xưa.

Hình ảnh những người hát xẩm hầu hết là bị khiếm thị, dắt díu nhau thành các nhóm nhỏ với cây đàn nhị trên tay và những lời ca lay động lòng người, dường như khó phai mờ trong kí ức của người dân Hà Nội.

Ông Tổ nghề hát xẩm

Nhạc sĩ Thao Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Âm nhạc Nghệ thuật Việt Nam cho biết: "Theo truyền thuyết ghi lại nghề hát xẩm ra đời từ thời nhà Trần cách đây hơn 700 năm, ông tổ nghề là Thái tử Trần Quốc Đĩnh. Trước đó Trần Quốc Đĩnh và anh trai Trần Quốc Toán xảy ra mẫu thuẫn trong quá trình phân chia quyền lực. Thái tử Trần Quốc Đĩnh bị anh trai dụ vào rừng sâu rồi dùng chiếc gương soi vào mắt, chiếc gương phát ra độc tố khiến mắt của Thái tử bị mù. Trần Quốc Đĩnh bỏ em trai giữa rừng thiêng nước độc".

Thương xót cho số phận của Thái tử Quốc Đĩnh, thần linh đã ban cho nghề ca hát để kiếm sống. Ông đi khắp nơi để hát, được người dân yêu mến. Tiếng tăm của chàng trai hát hay đàn giỏi vang xa tới tận triều đình. Vào một mùa xuân ngày 22/2 âm lịch, vua cho mời Quốc Đĩnh vào cung nhưng ông đã từ chối và nguyện đi khắp dân gian dạy nghề hát xẩm cho những người khiếm thị kiếm kế sinh nhai. Từ đó ngày 22/2 âm lịch được xem là ngày giỗ tổ nghề hát xẩm.

Tưởng chừng hát xẩm ở Hà Nội bị "tuyệt chủng", nhưng nhờ có sự đam mê xẩm, nhạc sĩ Thao Giang đã làm sống dậy môn nghệ thuật này. "Tôi yêu thích hát xẩm từ nhỏ, giờ muốn khôi phục lại bộ môn nghệ thuật này. Hát xẩm ở Hà Nội nó gắn liền trên những chuyến tàu điện. Những người hát xẩm đa số bị khiếm thị, vợ dắt chồng, con dắt cha đi hát. Họ mang theo chiếc nhị để kéo, chiếc chậu đồng để đệm nhạc và để đựng tiền khách trả. Những bài hát họ tự sáng tác nhưng với âm thanh réo rắt, lời ca tha thiết trữ tình khiến người nghe say đắm", nhạc sĩ Thao Giang cho biết.

Gánh hát xẩm từ thời Pháp thuộc.
Gánh hát xẩm từ thời Pháp thuộc.

"Trùm xẩm" và 12 bà vợ

Nhạc sĩ Thao Giang cho hay, thế kỷ XX là thời kỳ thịnh vượng nhất của hát xẩm. Hát xẩm được người dân rất thích thú và trọng dụng. Các bài hát xẩm không còn mang tính giải trí đơn thuần mà còn kêu gọi mọi người đấu tranh giành độc lập dân tộc, phản ảnh cảnh lầm than của người dân dưới ách cai trị của thực dân Pháp. Nhà sử học Dương Trung Quốc nói rằng, hát xẩm còn tham gia trong hoạt động kinh tế. Những "nghệ sĩ" hát xẩm đã sáng tác ra các bài hát ca ngợi nhà kinh tế Bạch Thái Bưởi, đả kích bọn tư bản phương Tây.

Nhạc sĩ Thao Giang đã từng gặp nhiều người hát xẩm trên tàu điện Hà Nội. Trong đó có một người đàn ông khiếm thị, nhưng nổi danh cả vùng đất kinh kỳ nhờ khả năng đàn hay hát xẩm giỏi. "Tôi rất may mắn được gặp ông Nguyễn Văn Nguyên, mọi người đặt biệt danh cho ông là "trùm xẩm". Những bài hát xẩm của ông không giống bất kỳ ai, ông tự sáng tác cả phần nhạc và lời. Mỗi khi nghe ông hát mọi người rất mê mẩn, nghe cả ngày không biết chán. Tài năng âm nhạc của ông đã thu phục trái tim nhiều người con gái. Ông Nguyên có tới 12 bà vợ, hơn chục người con. Nhờ đi hát xẩm mà ông mua được nhà cho vợ con ở", nhạc sĩ Thao Giang kể.

Tiếc rằng sau khi nhạc sĩ Thao Giang đi du học ở nước ngoài về, tìm lại ông "trùm xẩm" đó nhưng không ai biết tung tích. Những năm 60 thế kỷ trước có thời gian chính quyền bài xích hát xẩm, vì cho rằng nó phát sinh hoạt động ăn mày, ăn xin gây mất trật tự xã hội nên đã dẹp bỏ. Nhạc sĩ Thao Giang cũng nghe thông tin con cháu của cụ "trùm xẩm" Nguyên vẫn sinh sống ở Hà Nội, nhưng không biết tìm họ ở đâu.


Đức Lợi

Bình luận(0)