Bí ẩn chuyện tình của Tô Đông Pha

Google News

(Kiến Thức) - Ngoài mối tình nồng đượm với người vợ cả Vương Phất, thi sĩ trứ danh thời Tống (Trung Quốc) Tô Đông Pha còn có quãng thời gian mặn nồng với những hồng nhan tri kỷ khác trong đời. Chả thế mà ông được mệnh danh là nhà thơ tài hoa nhưng cũng rất mực đa tình.

Tô Đông Pha là một nhà thơ nổi tiếng với tính cách hào phóng, tài hoa. Ông được tôn vinh là một trong “bát đại gia Đường Tống”. Ngoài tài thơ phú, ông còn là nhà thư pháp, họa sĩ xuất sắc của Trung Quốc cổ đại.

“Ông tổ Blog”?

Đối với ông, tức cảnh sinh tình, chắp bút thành thơ đã thành một nếp sống. Cho dù là một bài thơ tùy hứng chỉ với mấy chục chữ cho tới bài phú hàng trăm chữ, tác phẩm nào cũng dạt dào thi hứng.
 Chân dung Tô Đông Pha.

Một khi có cảm xúc, Tô Đông Pha liền tiện tay ghi chép lại, cách làm này của ông thật không khác gì viết Blog ngày nay – đăng tải những suy nghĩ, tâm tư của mình trên trang blog cá nhân. Những nội dung đem lại nguồn thi hứng cho Tô Đông Pha vô cùng rộng lớn, gần như bao gồm hết thảy mọi mặt của cuộc sống thường ngày, từ chính trị triều đình tới cuộc sống của bách tính muôn dân, từ làm thơ trong mộng tới những chuyện thần tiên quỷ quái, từ dưỡng sinh tới lạc tử...

Thi sĩ đa tình

Thuở nhỏ đắc chí, tuy nhiên cả đời ông lại lắm phen chìm nổi. Ở góc độ đời tư, ông là một người đa tình, nhưng chẳng phong lưu. Đa tình ở đây không có nghĩa là lợi dụng tình cảm của người khác. Ông nhiều vợ, nhưng từ Vương Phất, người vợ đầu cũng là mối duyên trời định cho tới các hồng nhan tri kỷ đã gắn bó với ông tới suốt quãng đời sau này, với bất kỳ ai trong số họ, ông cũng thương yêu thực lòng. Người đời thường nói: "Tài tử phong lưu", nhưng Tô Đông Pha không thuộc tuýp ấy. Ông từng từ chối sự ái mộ của một người con gái có tên Siêu Siêu ở Huệ Châu, cũng chẳng rung động trước nhan sắc yêu kiều của nàng.

Nhiều tư liệu chỉ viết về mối tình giữa Tô Thức với Triều Vân, nhưng đã quên mất một điều, Tô Thức và vợ đầu của mình là Vương Phất cũng đến với nhau xuất phát từ tình cảm lứa đôi chứ không hề do cha mẹ ép gả hay nhờ mai mối.

Cả đời Tô Thức chịu ảnh hưởng sâu sắc của cả ba tôn giáo là đạo Phật, Đạo giáo và đạo Nho. Vào thời trẻ, ông từng một độ theo đuổi giấc mộng sống ẩn cư, cho tới khi gặp Vương Phất, ông mới thay đổi quan niệm này.
 

Tương truyền, tại quê Vương Phất có một hồ cá tự nhiên, chỉ cần du khách tới bên hồ vỗ tay một cái, cá sẽ lũ lượt kéo nhau tới nhào lộn trên mặt nước. Vương Phương, cha Vương Phất là một tiến sĩ hương cống lúc bấy giờ, là người khá nổi tiếng trong vùng. Một ngày nọ, ông nổi hứng, muốn đặt tên cho chốn phong cảnh hữu tình này. Nghĩ vậy, ông bèn cho mời những thanh niên tài tử gần xa tề tựu về đây giúp mình. Quả thực lần này, Vương Phương cũng ngầm có ý kén rể cho con gái. Tô Thức đương nhiên cũng là một trong số đó. Hết người này tới người khác trổ tài đặt tên, nhưng Vương Phương vẫn chưa thấy hài lòng. Cho tới khi Tô Thức đưa ra cái tên “Hoán ngư trì” (ý chỉ: Hồ gọi cá), ông bèn tấm tắc khen hay.  Vương Phương không hề hay biết, con gái mình lúc ấy đang nấp sau rèm cũng chọn đúng ba từ này để đặt tên cho hồ nước. Suy nghĩ của hai người không hẹn mà rất đỗi tương đồng. Cũng chính vì cái duyên “không hẹn mà gặp” ấy, Tô Thức bắt đầu chú ý tới Vương Phất và dần nhận ra, mình đang bị nàng tiểu thư thùy mị hút hồn. Cũng từ đây, ông bỏ quan điểm: “không màng quan lộ, cũng chẳng thành thân” của mình rồi rước Vương Phất về làm vợ.

Là con gái khuê các trong một gia đình có học, Vương Phất chẳng những biết lo liệu việc nhà mà do chịu ảnh hưởng của cha, bà cũng đọc rất nhiều sách. Do đó, mỗi khi Tô Thức đọc sách, bà cũng thường ở bên, chồng xướng vợ họa, vô cùng tình cảm, hòa hợp. Trên con đường sự nghiệp của Tô Thức, Vương Phất cũng là một trợ thủ đắc lực. Khác với tính cách hào phóng, ít khi chú ý đến tiểu tiết của chồng, Vương Phất lại vô cùng tỉ mỉ, chu đáo. Mỗi lần cần đưa ra quyết định hay cần ứng xử cho phù hợp, bà chính là vị quân sư luôn hiến diệu kế cho chồng. Có thể nói, Tô Thức và Vương Phất không chỉ là bạn đời mà còn là cặp bài trùng ăn ý trên bước đường sự nghiệp của ông. Nhờ có sự ủng hộ hết mình của vợ, Tô Thức mới tự do phát huy tài cán của mình trên chốn quan trường mà không phải ngay ngáy một nỗi “loạn trong giặc ngoài”.

Cũng vì thế, khi Vương Phất rời xa cõi trần, Tô Thức đã làm theo lời cha mình là Tô Tuân “đem chôn ở cạnh mộ mẹ đẻ mình” và lập bia tưởng niệm bà. Ông còn tự tay trồng riêng trên ngọn đồi an táng vợ  cả ba vạn cây tùng để bày tỏ đau buồn, thương tiếc. Cho tới chục năm sau, ngay trong giấc mơ của mình, Tô Thức cũng không quên những năm tháng tươi đẹp bên người vợ yêu Vương Phất.

Bạn đọc có thể thấy tình cảm dạt dào mà ông dành cho người vợ đầu Vương Phất qua bài thơ “Giang Thành Tử” sau đây:

Giang thành tử - Ất Mão chính nguyệt nhị thập nhật dạ ký mộng
 
Thập niên sinh tử lưỡng mang mang,
Bất tư lường,
Tự nan vương.
Thiên lý cô phần,
Vô xứ thoại thê lương.
Túng sử tương phùng ưng bất thức,
Trần mãn diện,
Mấn như sương.

Dạ lai u mộng hốt hoàn hương,
Tiểu hiên song,
Chính sơ trang.
Tương cố vô ngôn,
Duy hữu lệ thiên hàng.
Liệu đắc niên niên trường đoạn xứ,
Minh nguyệt dạ,
Đoản tùng cương.   
 
(Giang thành tử - Đêm ngày 20 tháng giêng năm Ất Mão ghi lại giấc mộng

Chục năm sống tháng thảy mơ màng,
Chẳng tư lường,
Tự tơ vương.
Ngàn dặm mồ trơ,
Khôn xiết nỗi thê lương.
Có gặp nhau chăng chưa dễ nhận,
Mặt đầy bụi,
Tóc pha sương.

Đêm qua hồn mộng chợt hồi hương,
Trước song hiên,
Tựa đài trang.
Im lặng nhìn nhau,
Chan chứa lệ hai hàng.
Chừng hẳn năm năm nơi đứt ruột,
Đồi thông quạnh,
Dưới đêm trăng. Bản dịch của Nguyễn Chí Viễn. Trích từ nguồn: www.thivien.net)

Bài thơ nổi tiếng này từng khiến hàng triệu trái tim độc giả Trung Quốc rung động. Tác phẩm không chỉ bày tỏ tình cảm sâu đậm của ông với người vợ đã mất mà còn là sự hoài niệm với thời thanh xuân của chính mình.

So với Vương Phất, có cảm giác, Tô Thức đối xử với Vương Nhuận Chi, người vợ thứ hai của ông có phần nặng về tình bạn hơn là tình yêu. Vương Nhuận Chi là em họ của Vương Phất. Đây cũng là một trong những lý do để ông chọn nàng làm thiếp của mình. Vương Nhuận Chi nhỏ hơn Tô Thức 11 tuổi, là người từ bé đã sùng bái ông. Nàng tính tình rất ôn hòa, vì thế trong vòng 25 năm sát cánh bên chồng đã chẳng ngại gian khó, cùng ông bị biếm xuống làm quan ở Hoàng Châu, cùng ông trải đủ cực nhọc, trầm luân ở đời. Nàng không hề oán trách nửa lời, chỉ một lòng một dạ đồng cam cộng khổ.
 

25 năm sau, Vương Nhuận Chi cũng rời xa ông. Tô Thức đau đứt từng khúc ruột. Thực ra, tình cảm Tô Thức dành cho Vương Nhuận Chi cũng vô cùng sâu sắc, bởi cả hai đã cùng nhau kinh qua những tháng năm hoạn nạn, gian khổ. Tình cảm nảy sinh trong quãng thời gian ấy không thể đem so bì với thứ tình cảm trong lúc chung hưởng vinh hoa phú quý. Cũng thật may, trước lúc Vương Nhuận Chi qua đời, Tô Thức đang trong thời điểm được triều đình trọng dụng. Vương Nhuận Chi nhờ đó mà được phong là Quý phụ và vào cung diện kiến thái hậu, nên cũng coi như có diễm phúc nếm trải những phút bình yên, an lạc khi đã cuối đời. Quan trọng hơn, với Vương Nhuận Chi, được kề vai sát cánh bên người mình yêu suốt hai mấy năm trời, đó là niềm hạnh phúc lớn lao mà chẳng phải ai cũng có thể được hưởng.

Riêng với Triều Vân, người con gái được xem là “tri kỷ” của tâm hồn mình, Tô Đông Pha dành cho nàng thứ tình cảm vô cùng đặc biệt. Người phụ nữ tài hoa, phẩm cách cao thượng ấy đã không rời bỏ chồng ngay cả khi ông rơi vào cảnh bị dèm pha, thất thế.

Ẩm hồ thượng sơ tình hậu vũ   

Thuỷ quang liễm diễm tình phương hảo,
Sơn sắc không mông vũ diệc kỳ.
Dục bả Tây hồ tỷ Tây Tử,
Đạm trang nùng mạt tổng tương nghi. 
 
( Uống rượu ở Tây Hồ lúc đầu trời tạnh, sau mưa

Dưới nắng long lanh màu nước biếc
Trong mưa huyền ảo vẻ non tươi
Tây hồ khá sánh cùng Tây tử
Nhạt phấn nồng son thảy tuyệt vời. - Người dịch: Nam Trân. Trích từ nguồn: www.thivien.net)

Bài thơ ghi lại những cảm nhận đầu tiên mà thi sĩ dành cho Vương Triều Vân. Vào năm Hy Ninh thứ 4 đời vua Tống Thần tông, Tô Đông Pha bị biếm xuống làm Thông phán đất Hoàng Châu. Một ngày nọ, trong lúc đang vui vẻ yến tiệc, ông trông thấy nàng Vương Triều Vân đang nhẹ cất bước múa ca. Sau khi hát múa xong, Triều Vân liền trút bỏ bớt lớp phấn son trang điểm, dung nhan nàng lúc này làm cho Tô Thức chợt ngỡ ngàng. Triều Vân đẹp cái đẹp thanh nhã, giản dị mà vô cùng cuốn hút. Triều Vân lại đã ngưỡng mộ Tô Thức từ lâu, do đó nàng quyết từ bỏ phấn son và nghề con hát, quyết “áo vải đạm trang” theo Tô Thức về làm lẽ.
 

Tô Thức từng nói: “Người hiểu ta, duy chỉ có Triều Vân”. Vương Triều Vân không chỉ là bậc hồng nhan tri kỷ trong lòng Tô Thức, mà tình cảm nàng dành cho ông cũng vô cùng kiên trinh, sâu đậm. Khi Triều Vân cùng với Tô Thức tới Huệ Châu, nàng mới 30 tuổi, lúc này Tô Thức đã gần hoa giáp (tức gần 60 tuổi). Đám tỳ thiếp bên cạnh Tô Thức đã lần lượt rời bỏ ông mà đi, duy chỉ có Triều Vân trước sau như một, vượt núi băng đèo, chẳng quản đường xa hiểm trở, theo Tô Đông Pha tới tận Huệ Châu.

Hoàn cảnh khi ấy của Tô Đông Pha cũng có phần hao giống với Bạch Cư Dị. Năm xưa, Bạch Cư Dị từng rất sủng ái một người thiếp tên là Phàn Tố. Nhưng tới khi ông già yếu, người thiếp này đã bỏ ông mà đi. Đau buồn, sầu vương, ông viết câu thơ: “Xuân tùy Phàn tử nhất thời quy” (ý chỉ: Xuân ra đi cùng nàng Phàn Tố) để bày tỏ nỗi niềm. Triều Vân cũng có xuất thân từ ca kỹ như Phàn Tố, nhưng hành động của nàng lại khác hẳn. Nàng khiến Tô Thức cảm thấy ấm lòng vào tuổi xế bóng. Rõ ràng, Tô Thức “có phúc” hơn nhiều so với Bạch Cư Dị.

Nhưng tiếc thay, người thi sĩ mang phận đa đoan ấy chẳng được chung hưởng tuổi già tới tận phút cuối với thiếp yêu của mình. Một trận dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của Triều Vân, người đã trở nên tiều tụy, ốm yếu do không hợp thủy thổ khi đến nơi ở mới.

Trên ngôi đình mang tên Lục Như Đình xây cạnh mộ nàng có đôi câu đối do chính tay Tô Thức đề tặng:

“Chẳng hợp thời, duy nàng Triều Vân hiểu ta,
Một mình gẩy điệu nhạc xưa, mỗi lúc gió mưa bội nhớ nàng”.

Câu đối trên không chỉ là lời cảm thán với cuộc đời đầy chông gai, trắc trở của bản thân ông mà còn chất chứa nỗi niềm nhớ thương sâu sắc tới người con gái đáng yêu, đáng quý và đáng thương của mình.

Cuộc đời Tô Thức tuy quan lộ gập ghềnh nhưng bất luận bị biếm xuống làm quan ở bất cứ đâu, ông cũng được bách tính địa phương ủng hộ. Vốn bản tính phóng khoáng, ông kết giao với vô số tri kỷ. Tuy cuộc sống thanh bần, nhưng Tô Thức vẫn luôn giữ thái độ lạc quan, kiên cường và sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, thử thách ở đời. Dường như chỉ khi đối diện với cái chết của những thê thiếp mà mình hết mực yêu thương, ông mới đau tới tột độ, mới trở nên u sầu, trầm mặc như vậy...

Hải Dịu (theo China.com, Hercity.com, Thivien.net)

Bình luận(0)