“Em bé Napalm” Kim Phúc nói về sự tha thứ

Google News

(Kiến Thức) - "Đó là quá khứ kinh hoàng mà tôi rất muốn quên đi", Kim Phúc -  "em bé Napalm" trong bức ảnh chiến tranh VN nổi tiếng một thời chia sẻ.

Kim Phúc khi đó mới 9 tuổi, sau khi nơi cô trú ẩn bị bom bắn trúng và toàn thân bị thương thì cô mất 14 tháng điều trị những vết thương trong bệnh viện. Kim Phúc nhớ lại rằng trái bom napalm nổ khiến cho quần áo em bị đốt cháy hoàn toàn và da bị phồng rộp khắp cơ thể.

Sau hơn 40 năm bị bom Napalm làm sát thương, hiện bé Phúc ngày nào giờ đã là phụ nữ hai con. Gia đình của Kim Phúc sống gần Toronto, Canada. Bà đi du lịch khắp thế giới để chia sẻ rằng, mình không còn căm giận và hoàn toàn tha thứ cho những hành động tàn ác của lính Mỹ - những người đã khiến cơ thể bà bị biến dạng.

"Thông qua câu chuyện của mình, tôi thực sự muốn đem đến cho mọi người niềm hy vọng. Nếu như họ đang tìm kiếm hy vọng về sự tha thứ của những nạn nhân mà họ xuống tay khi đó, thì đó quả là điều có thể xảy ra", bà Phúc chia sẻ khi trả lời qua điện thoại.

 Kim Phúc (giữa) trong bức ảnh "Em bé Napalm" là mô%3ḅt trong những khoảnh khắc dữ dô%3ḅi nhất của cuô%3ḅc chiến tranh ở Viê%3ḅt Nam.

Bà Phúc thành lập một quỹ nhằm giúp đỡ các nạn nhân là trẻ em của chiến tranh, có buổi nói chuyện tại Trường Fenn ở Concord như là một phần của Diễn đàn Giáo dục đa văn hóa thường niên lần thứ 4.

Khi tới tham dự sự kiện này, bà Phúc sẽ nói chuyện với những người tham dự diễn đàn về việc các trường học phát triển những phẩm chất như sự tôn trọng, cảm thông và tha thứ như thế nào. Bà được mời đến tham dự diễn đàn và phát biểu tại đây sau khi Giám đốc và một số giảng viên của ngôi trường này có dịp nghe thấy buổi nói chuyện của bà tại một hội nghị vào năm 2012.

Trước khi sang Canada, bà Phúc sống ở Trảng Bàng, phía bắc Sài Gòn. Vào ngày 8/6/1972, Phúc cùng với gia đình, những người dân làng khác và binh sĩ chính quyền Sài Gòn cũ đã trú ẩn trong một ngôi chùa 3 ngày. Vào ngày ngôi chùa bị tấn công, tất cả mọi người tại đó nghe thấy tiếng máy bay bay lượn trên đầu họ. Một trong những người lính nói với người dân trong làng hãy chạy khỏi nơi này bởi những chiếc máy bay đó sẽ ném bom vào ngôi chùa.

Sau đó, Phúc đi ra ngoài ngôi chùa và nhìn thấy chiếc máy bay tiến gần hơn và tiếp theo nghe thấy tiếng nổ của bốn trái bom. Khi đó, bà không biết cho đến mãi sau này đó là những quả bom Napalm mang chất đốt cháy giống như gel bám vào cơ thể nạn nhân và đốt cháy chúng.

"Đột nhiên tôi thấy lửa bốc cháy ở khắp cơ thể. Khi ấy, tôi không nhìn thấy bất cứ ai ngoài lửa. Đột nhiên, tôi thấy cánh tay trái của mình bị cháy nên đã sử dụng tay phải để cố gắng dập lửa", bà Phúc xúc động nhớ lại.

Tay trái của bà bị thương nặng, quần cũng bị đốt cháy hoàn toàn. Sau đó, bà cảm thấy may mắn vì đôi chân của mình không bị thương và có thể chạy, chạy cho đến khi cảm thấy mình đã ra khỏi đám cháy. Lúc đó, bà nhìn thấy anh em ruột, anh em họ của mình cũng như một số binh sĩ đang chạy ngang qua. Sau đó, bà tiếp tục chạy cho đến khi không thể chạy được nữa.

"Tôi hét lên: 'Nóng quá, nóng quá'. Sau đó, một trong những người lính ở đó cố gắng dập lửa giúp tôi. Ông đổ nước lên cơ thể tôi. Sau đó, tôi đã ngất đi và không biết gì", bà Phúc nhớ lại.

Một nhiếp ảnh gia có tên Huỳnh Công "Nick” Út đã đưa bà đến bệnh viện. Hai người anh em họ của bà khi đó mới 9 tháng tuổi và 3 tuổi không may đã thiệt mạng trong vụ đánh bom Napalm. Khi được đưa vào bệnh viện, bà Phúc bị bỏng hơn hai phần ba cơ thể và một số bác sĩ cho rằng khả năng sống của bà rất thấp.

Do bị bỏng quá nặng nên bà điều trị trong bệnh viện suốt 14 tháng và trải qua nhiều ca phẫu thuật ghép da và các phẫu thuật lớn nhỏ. Sau khi hồi phục, bà được gọi là "biểu tượng sống của cuộc chiến tranh".

Khi đi du học ở Cuba, Kim Phúc bà đã gặp được một nửa của đời mình vào năm 1986.

 Bà Kim Phúc hiện đang định cư cùng chồng và hai con trai tại Canada.

Hai người kết hôn và đi nghỉ tuần trăng mật ở Moscow vào năm 1992. Sau đó, họ chuyển tới sinh sống ở Canada. Hiện hai vợ chồng bà Phúc sống cùng hai con trai là Thomas 18 tuổi và Stephen 15 tuổi. Trước khi kết hôn và có gia đình hạnh phúc như ngày nay, bà Phúc rất lo sợ vết thương trên cơ thể của mình sẽ khiến bà khó có thể kết hôn và được làm mẹ.

"Sau khi rời bệnh viện, tôi thường xuyên chịu đựng sự đau đớn và nhìn vào vết sẹo đó mỗi ngày. Tôi chưa bao giờ nghĩ  mình sẽ gặp được người yêu thương tôi và có tổ ấm hạnh phúc trong tương lai. Tôi từng nghĩ bản thân sẽ không bao giờ có cuộc sống bình thường như những người khác", bà Phúc tâm sự.

Cho đến nay, vết sẹo trên lưng và cánh tay của bà Phúc vẫn còn đau nhức nhối, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi.

Hiện bà Phúc làm việc như là một đại sứ thiện chí cho Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa và có 20-25 bài phát biểu trên khắp thế giới mỗi năm.

"Các bác sĩ và y tá giúp tôi vượt qua lúc khó khăn, đau đớn nhất. Họ tìm cách giúp đỡ tôi trở lại cuộc sống bình thường và mở ra cánh cửa tương lai cho tôi. Và bây giờ tôi muốn cống hiến cho xã hội đáp lại những điều tốt đẹp mà tôi nhận được", bà Phúc chia sẻ.

Những hình ảnh rung động lòng người về em bé Napalm do nhiếp ảnh gia "Nick” Út làm việc cho AP khiến ông nhận được giải thưởng Pulitzer. Hiện bà Phúc lưu giữ một bản sao tấm ảnh đó ở nhà riêng. Nó nằm lấp trong một tủ sách và các tạp chí. Bà chỉ xem lại tấm ảnh đó chỉ khi ở một mình.

"Nó thật kinh khủng, xấu xí. Tôi có thể cảm thấy cơ thể mình đang bị đốt cháy, bốc khói mọi lúc. Đó là quá khứ kinh hoàng mà tôi rất muốn quên đi", bà Phúc xúc động trò chuyện.

TIN BÀI LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Nhật Anh (theo Bostonglobe)

Bình luận(0)