45 phút giành sự sống cho bệnh nhân tim ngừng đập

Google News

(Kiến Thức) - Mỗi người đều có một quả tim đập trong lồng ngực. Quả tim làm việc không mệt mỏi kể cả khi chúng ta ngủ nhưng vì lý do nào đó, quả tim bị bệnh thì con người cũng nhanh chóng giã từ cuộc sống. Cứu chữa bệnh cho quả tim không hề đơn giản. 

Cứu sống bệnh nhân hẹp 90% thân chung
Đã hơn nửa năm trôi qua nhưng BS Trần Thị Thanh Hà, Phó khoa Hồi sức cấp cứu nội, Bệnh viện Tim Hà Nội vẫn nhớ như in về một bệnh nhân đặc biệt: Tự dưng đau ngực dữ dội, tim ngừng đập, phải sốc tim tới 45 phút để giành sự sống cho bệnh nhân.
Bệnh nhân tên là Hoàng Văn Thông (64 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) không có tiền sử gì đặc biệt. Vào một ngày đầu năm 2013 bỗng lên cơn đau ngực, gia đình chuyển vào Bệnh viện Xanh Pôn, khi chụp động mạch vành mới phát hiện bị hẹp 90% thân chung nên chuyển sang Bệnh viện Tim Hà Nội.
Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, các bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân thở máy, đồng thời dùng thuốc an thần, thuốc trợ tim liều cao, sốc tim, can thiệp cấp cứu. PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội là người trực tiếp thực hiện can thiệp nong phần hẹp và đặt stent cho bệnh nhân. Trong khi thực hiện, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn đã yêu cầu các bác sĩ hồi sức cấp cứu đứng xung quanh để "lỡ có gì" còn cấp cứu kịp.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn bơm bóng để nong phần hẹp, chỉ nong ngắn rồi xả bóng ra, dừng một lúc rồi lại nong (bởi hẹp nhiều nên nếu cho bóng vào nong lâu thì sẽ bị tắc phần thân chung). Sau khi nong thành công, bệnh nhân được đặt stent vào chỗ hẹp, tiếp đó là công đoạn của các bác sĩ hồi sức.
Trong khi nằm hồi sức, bệnh nhân bị rung thất (tức là quả tim chỉ rung chứ không đập), các bác sĩ đã phải ép tim bằng tay, rồi chuyển qua bằng máy, nhưng ép mãi mà vẫn không ăn thua. 30 phút trôi qua... đã có bác sĩ được cử ra để thông báo với người nhà diễn tiến sự việc, chuẩn bị tình huống xấu nhất... Trong lúc đó, máy vẫn được dùng để ép tim (mục đích của ép tim là để máu đi toàn bộ cơ thể). Thật may, 15 phút sau, quả tim bệnh nhân đã đập trở lại.
Kể về chuyện đã qua nửa năm nhưng BS Trần Thị Thanh Hà vẫn thấy hồi hộp, căng thẳng như sự việc mới diễn ra hôm qua. Hơn 100 ống Adrenaline (thuốc chống sốc phản vệ, dùng trong trường hợp cấp cứu khi tim ngừng đập) đã được sử dụng trong 45 phút giành sự sống cho bệnh nhân.
BS Trần Thị Thanh Hà đang thăm khám cho bệnh nhân. 
"Đã nghe ông bà ông vải gọi"!
Bệnh nhân Thông may mắn đã được cứu sống trong sự thở phào của cả gia đình lẫn êkip bác sĩ. Bản thân bệnh nhân khi qua cơn hiểm nghèo cũng bất ngờ khi biết mình bị nhồi máu cơ tim, bởi bản thân không có bệnh, chỉ thấy tự dưng đau ngực (sau khi vào viện được tầm soát mới biết mình bị cao huyết áp). Khi tỉnh dậy, được hỏi về cảm giác trước đó, bệnh nhân còn đùa: "Tôi đã nghe thấy ông bà ông vải gọi rồi...!".
Trước đây, những ca như bệnh nhân Thông thường được mổ cấp cứu. Nhưng nay, nhờ can thiệp tim mạch, bệnh nhân có thể được cứu sống mà không cần mổ. Thực tế, nếu mổ, bệnh nhân phải được chạy máy tuần hoàn ngoài cơ thể; sau mổ, quả tim sẽ bị "đờ" một thời gian, chức năng tim bị giảm đi ít nhiều. Tuy nhiên, can thiệp cũng có cái khó là bệnh nhân có nguy cơ tử vong trên bàn. 
BS Trần Thị Thanh Hà cho biết, nhồi máu cơ tim thường rất bất ngờ. Cách phòng nhồi máu cơ tim hữu hiệu là đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ để tầm soát bệnh tim mạch, huyết áp, tránh những rủi ro "bất đắc kỳ tử".
Quả tim có 2 nhánh chính: Nhánh phải và trái. Trong đó, nhánh trái lại chia làm 2 nhánh nữa để cung cấp máu cho 2/3 quả tim phía bên trái. Phần bị hẹp của bệnh nhân là ở chỗ trước khi chia tách ở nhánh trái, gọi là "thân chung". Khi bị hẹp thân chung, bệnh nhân bị thiếu máu ở 2/3 quả tim phía trái. Can thiệp thân chung, lại trong bệnh cảnh hẹp tới 90% là ca bệnh rất khó.
Hoài Hương

Bình luận(0)