Xuất khẩu nông sản Việt: Muốn chất lượng, phải làm cả chuỗi!

Google News

(Kiến Thức) - Vì sao Việt Nam có nhiều loại nông sản ngon nhưng lại không có thương hiệu trên thị trường quốc tế? 

Năm 2013, Việt Nam đã được Nhật Bản chuyển giao công nghệ bảo quản nông sản, thực phẩm (CELLS ALIVE SYSTEM-CAS) rất tiên tiến. Công nghệ này cho phép nông sản, thực phẩm giữ nguyên được cấu trúc, hương vị, màu sắc và dinh dưỡng từ hai năm trở lên. Nhiều người đã kỳ vọng, công nghệ hiện đại này sẽ giúp cải thiện chất lượng nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế chất lượng nông sản của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Gạo, cà phê... của Việt Nam khi ra quốc tế vẫn không có thương hiệu
Xuat khau nong san Viet: Muon chat luong, phai lam ca chuoi!
Ảnh minh họa. 
PGS.TS Nguyễn Kim Vũ, Khoa Công nghệ Sinh học & Môi trường, trường Đại học Phương Đông cho biết: "Để có một chiếc áo đẹp phải đảm bảo đủ các yếu tố gồm chất liệu vải tốt, màu sắc, kiểu dáng phù hợp, người may có tay nghề cao và thậm chí là cả người mặc phải phù hợp với tấm áo đó. Với câu chuyện chất lượng nông sản cũng vậy, để tạo ra chất lượng nông sản, người ta phải dựa vào một chuỗi giá trị từ chất lượng hạt giống, quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, xây dựng và quảng bá thương hiệu... chứ không chỉ dựa vào mỗi khâu bảo quản sau thu hoạch". 
Cũng theo PGS.TS Vũ, bảo quản sau thu hoạch dù tốt đến mấy, nhưng giống kém, quy trình canh tác lạc hậu, khâu thu hoạch thô sơ gây thất thoát lớn thì không thể làm tăng chất lượng giá trị nông sản. Đây chính là lý do vì sao cà phê của chúng ta có giống tốt, năng suất rất cao không thua kém cà phê của nhiều nước xuất khẩu cà phê nhưng hạt cà phê của Việt Nam không có mặt trên bản đồ cà phê quốc tế. Tương tự, chúng ta có nhiều giống gạo ngon, năng suất cao, nhưng trên thị trường gạo quốc tế, gạo Việt không có thương hiệu.
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Vũ, muốn giá trị nông sản của Việt Nam được nâng cao, chúng ta cần nâng cao chất lượng, hiệu quả và đi theo cả toàn bộ chuỗi, chứ không thể chỉ dựa vào một khâu. Đó là câu chuyện tổ chức lại sản xuất, liên kết chặt chẽ giữa bốn bên (quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà nông) để tăng hàm lượng chế biến, tăng hàm lượng về quản lý chất lượng sản phẩm. 
Để làm được điều đó, cần cải tạo, phát triển các loại giống có năng suất cao; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật; thực hiện cơ giới hóa, hiện đại hóa, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến và thực hiện đa dạng hóa sản phẩm; xây dựng vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp. Đặc biệt, để tạo sức mạnh cho các mặt hàng nông sản, cần làm tốt khâu xây dựng và quảng bá thương hiệu.
S.Hà

Bình luận(0)