Liên quan đến việc Hà Nội triển khai đề án thay thế 6700 cây xanh trên 190 tuyến phố, sau khi dư luận bày tỏ sự không đồng thuận, UBND TP Hà Nội đã tạm dừng để xem lại lộ trình. Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu lập Đoàn Thanh tra liên ngành, tiến hành thanh tra toàn diện việc thực hiện thay thế cây xanh trên một số tuyến phố thời gian qua.
Vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục tiến hành kiểm điểm trách nhiệm cá nhân theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố tại Thông báo ngày 20/3. Ngoài ra, PGĐ Sở Xây dựng Hoàng Nam Sơn phụ trách trực tiếp vụ cây xanh và các tập thể, cá nhân liên quan cũng cũng phải kiểm điểm trách nhiệm.
Ông Thảo cũng chỉ đạo Sở Xây dựng tạm đình chỉ công tác Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, cán bộ công chức liên quan trực tiếp trong việc thực hiện nhiệm vụ trên để phục vụ công tác thanh tra. Thông tin ban đầu cho thấy, có ít nhất 3 cán bộ thuộc các phòng của Sở xây dựng liên quan đến vụ việc phải tạm đình chỉ chờ thanh tra là các ông Trưởng, phó phòng Môi trường công trình ngầm Sở xây dựng.
Tuy nhiên, theo Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân, việc UBND TP Hà Nội tạm thời đình chỉ các cán bộ Sở Xây dựng Hà Nội liên quan đến việc thay thế cây xanh cũng chưa hoàn toàn chính xác.
|
Phải xem xét trách nhiệm của những cán bộ có liên quan vụ chặt hạ cây xanh, bất kể họ là ai. |
Theo luật sư Triển, khi có đề án thay đổi cây trồng, cần có quy hoạch, phải được thông qua hội đồng nhân dân TP Hà Nội và người dân. "Đề án thay thế 6700 cây xanh do Sở Xây dựng đưa ra là không hợp lý. Bởi nếu trong trường hợp các tuyến phố chật chội cần mở đường thì bắt buộc phải hi sinh cây xanh. Tuy nhiên, khi cây trồng không ảnh hưởng đến ai, giờ chặt phá hàng loạt để thay bằng loại cây mới là không đúng. Nếu muốn thay cây, cơ quan chuyên môn phải có những cuộc hội thảo, lấy ý kiến của các nhà khoa học, kiến trúc tìm phương án đúng. Tuy nhiên, Hà Nội lại bỏ qua giai đoạn quan trọng này, gây nhiều thiệt hại cả về vật chất, tinh thần với người dân Hà Nội, gây ảnh hưởng đến uy tín cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương”, luật sư Triển nhận định.
Luật sư Triển cho rằng điều cần phải làm rõ lúc này là cây thay thế cho các cây đã chặt là cây nào? Trước đây là cây vàng tâm nhưng hiện nay cây vàng tâm đang ở đâu mà giờ lại là cây mỡ, một loại cây ít lá, không phù hợp đô thị. Các cây cổ thụ đã chặt giờ ở đâu? Bán cho ai và giá cả thế nào?”.
Về việc tạm thời đình chỉ các cán bộ Sở xây dựng Hà Nội liên quan đến đề án chặt cây, Luật sư Trần Đình Triển nhận định là chưa chính xác.
“Những cán bộ này chỉ là người bắt buộc phải làm với vai trò và nhiệm vụ mà họ được giao. Cần phải xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật cho dù họ là ai đi nữa. Mấy trăm cây đã bị chặt phá đủ để khởi tố vụ án hình sự chứ không chỉ xử lý hành chính đơn thuần”, Luật sư Trần Đình Triển cho hay.