Vớt được khung kính buồng lái tiêm kích Su-22 gặp nạn

Google News

(Kiến Thức) - Sau khi trục vớt thành công khung kính buồng lái, đến 16h30 chiều nay, việc lặn tìm kiếm mảnh vỡ máy bay Su-22 tạm dừng và sẽ tiếp tục vào sáng mai (19/4).

Đến đầu giờ chiều nay, các chiến sĩ đặc công đã phát hiện và trục vớt thành công khung kính buồng lái của một trong hai máy bay Su 22. Ngay lập tức, mảnh vỡ này được chuyển đến tàu chỉ huy để phân tích và lên phương án tiếp tục tìm kiếm. Ngoài ra, các chiến sĩ đặc công nước còn phát hiện một đoạn ống thép dài nhưng đã bị gẫy làm đôi chưa rõ là bộ phận nào của máy bay.
Việc phát hiện được khung kính máy bay là thông tin rất quan trọng để xác định vị trí của máy bay.
Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, sau đó, các người nhái tiếp tục phát hiện một đoạn chi tiết máy bay hình trụ có chu vi khoảng hơn một vòng ôm. Chi tiết này được phán đoán có thể là một đoạn thân máy bay, nằm ở phần đuôi.
Tin tức của VOV cho biết các đặc công cùng thợ lặn chuyên nghiệp đã trục vớt được một số mảnh vỡ, nghi là của hai máy bay tiêm kích Su-22 gặp nạn. Tuy nhiên đến trưa nay, mảnh vỡ nghi là phần đuôi của Su-22 vẫn chưa được trục vớt vì đang chờ tàu cứu hộ chuyên dụng đến hiện trường. 
Gần 60 cảnh sát biển cùng tàu tuần tra 2009 và tàu cứu nạn cứu hộ 9002 đã được điều động từ Cảnh sát biển Vùng 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến đảo Phú Qúy tham gia tìm kiếm tiêm kích Su-22. Hiện lực lượng này đang chia làm nhiều nhóm thay phiên lặn, tiếp tục tìm kiếm xung quanh khu vực biển - nơi phát hiện mảnh vỡ nghi là đuôi máy bay vào chiều 17/4, cách phía tây nam đảo Đá Bé một hải lý.
Một mảnh vỡ của máy bay Su-22 được vớt lên. Ảnh: VOV.
Từ hôm qua (17/4), lực lượng tìm kiếm, cứu nạn của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phát hiện đuôi một máy bay Su-22 M4 ở vĩ độ 10.36.18 độ vĩ Bắc, 108.21.18 độ kinh Đông nằm dưới độ sâu khoảng 32m ở vùng biển Bình Thuận. Do đó, ngay trong hôm qua, kế hoạch trục vớt máy bay Su-22 gặp nạn vào sáng nay đã được vạch ra.
Dang truc vot may bay Su-22 gap nan
 Bản đồ vị trí máy bay Su-22 gặp nạn. Ảnh: Zing.
Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND VN, đã đến hiện trường, trực tiếp chỉ đạo công tác trục vớt đuôi máy bay Su-22.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, hai tàu quét mìn của hải quân từ Quảng Ngãi đã được điều đến hiện trường để tham gia tìm kiếm. Hai tàu này đang trên đường đến hiện trường. Với khả năng dò quét và phát hiện những mảnh vỡ kim loại, sự có mặt của hai tàu quét mìn sẽ tạo thuận lợi nhiều hơn cho lực lượng tìm kiếm.
Trong khi đó, Văn phòng Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, tham gia tìm kiếm máy bay tiêm kích Su-22 mất tích ở đảo Phú Quý hôm nay gồm các lực lượng: một tàu cảnh sát biển vùng 3, hai tàu hải quân vùng 4, đặc công nước thuê một tàu số hiệu NT – 9032TS của ngư dân để làm phương tiện ra vị trí lặn, một trực thăng quân sự. Thượng tá, Nguyễn Hồng Song - Phó đoàn trưởng đặc công nước là người chỉ huy đội lặn.
Đại diện Ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết thêm, lực lượng cứu hộ đã phát hiện thêm một ống phóng tên lửa nghi của một trong hai chiếc máy bay Su-22 đang mất tích.
23 chiến sĩ đặc công nước trực tiếp lặn tìm kiếm. Thời tiết tốt, sóng chỉ cấp ba, cấp bốn nhưng do nơi máy bay rơi dòng chảy khá xiết gây khó khăn cho việc lặn tìm kiếm.
Bên cạnh công tác trục vớt máy bay Su-22 thì việc tìm kiếm hai phi công của máy bay gặp nạn cũng đang được tích cực triển khai. Hai phi công gặp nạn gồm trung tá Lê Văn Nghĩa (phi công cấp 1), Phó trung đoàn trưởng trung đoàn 937, Sư đoàn 370, lái máy bay số hiệu 5857 và đại úy Nguyễn Anh Tú (phi công cấp 3, Phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370).
Trong đêm 17/4, các thợ lặn và lực lượng đặc công cùng các lực lượng khác đã triển khai tìm kiếm hai phi công bị mất tích. Hiện Bộ Quốc phòng đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp với ngư dân trên biển khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn hai phi công này. Đây cũng là yêu cầu cao nhất và nhiệm vụ ưu tiên số 1 hiện nay.
Lê Tuấn - Lê Thịnh (tổng hợp)

Bình luận(0)