Một số quan chức, lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan nhà nước xin từ chức thời gian qua đã khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên, bàn luận. Tuy nhiên, có một thực tế là số lượng quan chức xin từ chức đã ít, những người từ chức vì lòng tự trọng lại càng ít hơn.
Từ chức vẫn là sự kiện lạ tại Việt Nam
Mới đây nhất, ngày 27/11/2014, thông tin từ Chi Cục Thi hành án Dân sự huyện Củ Chi (
TP HCM) cho biết cơ quan này vừa có chi cục trưởng mới. Nguyên nhân là do người giữ chức chi cục trưởng trước đó là ông Đăng Văn Tuấn, đã làm đơn xin từ chức, thôi làm chi cục trưởng, xuống làm chấp hành viên. Lý do ông Tuấn đưa ra là
sức khỏe không đảm bảo để đảm nhận vị trí lãnh đạo của Chi cục.
Hồi cuối năm 2011, thông tin ông Trần Quốc Tuấn, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) xin từ chức sau thất bại của đội tuyển bóng đá Việt Nam tại SeaGames đã được báo chí đưa tin rầm rộ, nhiều tờ báo lấy làm tin nổi bật như một sự kiện lạ lùng tại Việt Nam. Sự rút lui của ông Tuấn đã khiến VFF khi đó vô cùng lúng túng vì ông đang đảm nhiệm vai trò ủy viên, đại diện cho VFF ở nhiều ban của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) và Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC).
|
Ảnh minh họa. |
Trong năm 2010, hồi tháng 7, Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Bình Dương, ông Dương Thế Phương xin từ chức đã khiến người dân cũng như các trang báo, diễn đàn về giáo dục bàn tán xôn xao.
Lý do ông Phương xin từ chức là ông bức xúc vì tại Kỳ họp lần thứ 17, HĐND tỉnh Bình Dương, ông đã bị chất vấn gay gắt, vì để tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh năm 2010 vừa qua rớt hạng từ bậc 42 xuống 43, chỉ tăng 9% (86,15%) so với năm trước 2009 (77,4%), trong khi nhiều tỉnh, thành phố khác, mức tăng 40-50% so với năm trước.
Trao đổi với báo chí, ông Phương cảm thấy “khá buồn khi mình làm thật mà không nhận được sự chia sẻ”. Ông cho rằng, một số đại biểu chưa thấu hiểu thực trạng của giáo dục, không có sự chia sẻ và gần như phủ nhận hết nỗ lực của ngành giáo dục Bình Dương thời gian qua.
Ông Phương thẳng thắn nói: "Quan điểm của tôi là không chạy theo phong trào, phải chất lượng thực sự, không vì bệnh thành tích mà cố chạy theo những kết quả, con số ảo”. Ông cũng cho biết, lên nhận chức 4 năm nay, cũng là lúc cuộc vận động “hai không” bắt đầu triển khai mạnh, ông đã hứa với Tỉnh ủy sẽ đưa chất lượng giáo dục lên đúng thực chất, thế nên tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh Bình Dương năm 2010 mới có mức tăng thấp hơn nhiều tỉnh thành, nhưng đó là con số thực chất".
“Chữ “từ chức” kia cũng có ba bảy đường”
Việc lãnh đạo, quan chức xin từ chức có nghìn lẻ lý do, không phải trường hợp nào cũng khiến dân xót xa, tiếc nuối như những trường hợp nêu trên.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bạc Liêu cũng đã có đơn gửi tới các cơ quan quản lý xin được từ chức, thôi đảm nhận nhiệm vụ giám đốc tại sở này. Ngoài ra, ông Tấn cũng gửi đơn xin rút, không tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu khóa 13.
Lý giải về nguyên nhân, ông Tấn cho biết, do thấy hết trách nhiệm nặng nề của người đứng đầu đã để xảy ra vụ việc nâng điểm thi trái phép cho học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông - bổ túc văn hóa (2005-2006) vừa qua, dẫn đến nhiều cán bộ trong ngành Giáo dục – Đào tạo Bạc Liêu bị dính đến đường dây nâng điểm thi nên ông đã tự nguyện xin từ chức.
Trong khi đó, vụ việc nâng điểm 1.746 thí sinh THPT, bổ túc THPT từ rớt thành đậu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT niên khóa 2005 – 2006 vẫn còn gây bức xúc trong dư luận và đã có 15 đối tượng liên quan bị khởi tố, trong đó có 1 phó giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Bạc Liêu. Vì thế, khi ông Tấn xin từ chức, dư luận băn khoăn, đặt ra câu hỏi liệu ông từ quan thì có thoát được tội hay không?
Theo Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, trong khi tại nhiều nước, việc lãnh đạo, quan chức xin từ chức là “chuyện thường ngày ở huyện” thì ở Việt Nam, đây vẫn là một sự kiện hiếm hoi. Thế nên chỉ cần một anh lãnh đạo ở một phòng ban, chi cục nào đó ở một quận, huyện xin từ chức là đã được báo chí đưa tin rầm rộ.
“Chúng ta phải thừa nhận một thực tế là trong xã hội hiện nay, có không ít vụ việc tiêu cực, thể hiện sự tha hóa hoặc bất tài hoặc cả hai thứ đó của cán bộ đương chức, cán bộ lãnh đạo, thế nhưng rất ít người có "gan" xin từ chức. Một số vụ cùng lắm các quan chức xin tự kiểm điểm, tự rút kinh nghiệm. Đến nỗi dư luận, báo chí phải chân thành kêu gọi nên có "văn hóa từ chức" một khi không còn xứng đáng ở cương vị đó", ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, ở nước ta, hầu như ngày nào cũng xảy ra sự cố ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nào tai nạn giao thông, tai biến y khoa bất thường, tai nạn lao động… Vậy nhưng, gần như chẳng ai đứng ra chịu trách nhiệm hay giải trình trước công chúng. Tất cả đều rơi vào sự im lặng đáng sợ.
Dường như ở Việt Nam, chuyện văn hoá từ chức mới chỉ được nói đến trên bàn nghị sự. Mới đây có một số cử tri bức xúc quá đã đem ra chất vấn thẳng ở nghị trường Quốc hội.
Vậy vì sao việc từ chức lại khó đến như vậy? Bởi vì chức tước thường đi đôi với quyền lực, thường gắn với lợi ích, bổng lộc, đặc quyền, đặc lợi. Nếu từ chức có nghĩa sẽ không còn gì cả. Bên cạnh đó, tâm lý học để làm quan đã ăn sâu, bén rễ trong tâm thức người Việt và vì thế rất nhiều người xem việc làm quan là một sự thành đạt cao nhất, thế nên không dễ gì họ từ bỏ ghế quan.
Một trong những thách thức mà nhà lãnh đạo phải đối mặt là biết lúc nào nên rút lui và lúc nào nên tiếp tục. Đối với những người thất bại, hay những người không có tự trọng, họ thường bị bắt buộc từ chức hay cho cơ hội để rút lui. Nhưng đối với những người thành công, được người được dân mến mộ và có lòng tự trọng, họ cũng chính là những người tự quyết định số phận chính trị của mình, biết lúc nào nên lui. Và sự từ chức đó rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, không phải sự từ chức nào cũng cần được ca ngợi. Chữ “từ chức” kia cũng có ba bảy đường. Có những lãnh đạo làm những việc sai phạm, khi bị đánh động đã vội xin từ chức, hưu trí trước tuổi để tránh sự truy xét, xét xử của pháp luật thì đây là việc cần phải phanh phui đến cùng.