Tiếng thở dài cho thắng cảnh Đà Lạt

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều danh lam thắng cảnh nức tiếng tại Đà Lạt (Lâm Đồng) đang bị xâm hại nghiêm trọng khiến vẻ thơ mộng, trong lành đang dần chỉ còn lại trong hoài niệm. 

“Thiếc tặc” đục khoét Thung Lũng Tình Yêu 

Không phải bây giờ người ta mới phải chứng kiến những đường hầm thiếc đục khoét, tấn công trực diện vào lòng khuôn viên khu du lịch nức tiếng bậc nhất phố hoa Đà Lạt - Thung Lũng Tình Yêu. Trước đó, vào năm 2007, người dân phát hiện một hệ thống địa đạo ăn sâu vào lòng đất kéo dài đến hàng trăm mét với quy mô rất lớn. Những người Đà Lạt và du khách gần xa không khỏi không sửng sốt, xót xa trước sự ngang nhiên “tấn công” của “thiếc tặc”.
 
 Vẻ đẹp bề ngoài thể hiện sự yên bình của Thung Lũng Tình Yêu...

Điều đáng nói, vào thời điểm trên, việc đào hầm khai thác thiếc trái phép trong khu du lịch này diễn ra gần như công khai, tiếng động cơ của hàng chục máy máy nổ, tiếng cười nói, đào đãi thiếc tấp nập suốt ngày đêm biến nơi đây thành một “công trường” với nhiều đường hầm thiếc ăn sâu từ vài chục đến cả trăm mét vào lòng những đồi thông thơ mộng. Việc đào đãi thiếc rầm rộ đến nỗi nước hồ ở Thung Lũng Tình Yêu vốn hằng ngày trong xanh, mát rượi đã phải nổi đục vì nước thải từ bãi đào đãi thiếc chảy ra. Người ta cũng đã chứng kiến hàng chục cây thông phải nằm xuống để nhường chỗ cho những kilogam thiếc được lấy lên.
 
Sau khi phát hiện, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc. Kết quả của những lần truy quét là bắt được vài chiếc máy nổ cùng một số công cụ phục vụ việc đào đãi thiếc thô sơ khác như dây điện, ống nước. Những đối tượng đứng sau, “giật giây” cho nhóm người đào đãi thiếc này vẫn nhởn nhơ trước sự khó hiểu của những người có trách nhiệm với Đà Lạt. 

Một lãnh đạo trong bộ máy chính quyền tại địa phương cũng thừa nhận, lúc đi thăm dò, kiểm tra thì phát hiện rất đông người cùng các máy móc đang đào đãi thiếc nhưng khi lập được đoàn kiểm tra, ập vào truy quét hiện trường thì chẳng còn ai. Từ đó (năm 2007) đến nay, năm nào người dân cũng phát hiện thêm nhiều đường hầm thiếc mới ăn sâu vào lòng đất tạo thành một hệ thống địa đạo được kè gỗ rất kiên cố, công phu.
 ...nhưng trong lòng đất là những hệ thống đường hầm đào đãi thiếc.

Chỉ riêng từ đầu năm 2013 đến nay, ngành chức năng Đà Lạt liên tục phát hiện, ra quân truy quét và 3 lần phải dùng máy xúc đánh sập những đường hầm đào đãi thiếc này. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế khi những đối tượng cầm đầu vẫn chưa được đưa ra ánh sáng để xử lý nghiêm minh. Chính vì vậy, những năm qua, mặc dù chính quyền địa phương đã rất nỗ lực ngăn chặn nhưng nạn đào đãi thiếc trộm trong khu du lịch này vẫn ồ ạt tái diễn dưới nhiều hình thức.
 
Mới đây nhất, vào những ngày cuối thàng 4/2013, UBND phường 8, TP Đà Lạt lại phát hiện hai địa đạo nằm trong rừng thông, gần một suối nước, cách khu vực bãi thiếc cũ ở Thung Lũng Tình Yêu khoảng 1,5 km, thuộc tiểu khu 144B, lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Viên quản lý; Công ty TNHH Thùy Dương nhận khoán bảo vệ rừng. Sau khi phát hiện, UBND phường 8, TP Đà Lạt lập đoàn kiểm tra tới hiện trường nhưng các đối tượng đào đãi thiếc đã bỏ đi chỉ thu giữ được một số mô tơ phát điện, xe rùa, cuốc xẻng.

Hồ Xuân Hương dậy mùi vì ô nhiễm   

Đến nay, chính quyền Lâm Đồng đã tốn nhiều tỷ đồng để tìm hướng xử lý, tiêu diệt tảo lam ở thắng cảnh quốc gia hồ Xuân Hương. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có hồi kết bởi tình trạng ô nhiễm nước hồ Xuân Hương ngày càng nghiêm trọng, tảo lam xuất hiện nhiều hơn với mật độ dày đặc. 

Theo PGS.TS Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, không phải đến bây giờ mọi người mới chứng kiến hồ Xuân Hương xuất hiện tảo lam đóng váng đặc quánh, bốc mùi hôi tanh. Thật ra, “căn bệnh” trên đã xuất hiện ở hồ Xuân Hương cả chục năm nay. Chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã chi nhiều tỷ đồng cho các nhà khoa học “bốc thuốc” để điều trị dứt điểm “căn bệnh nan y” này nhưng hiệu quả đem lại không như kỳ vọng.
 Hồ Xuân Hương, bên cạnh những ngày bình yên, thơ mộng....

Đầu năm 2010, Lâm Đồng quyết định tháo cạn nước hồ Xuân Hương để thay nước, tiến hành nạo vét lòng hồ, xây lại bờ kè, mở rộng cầu Ông Đạo, tổng kinh phí đầu tư gần 100 tỷ đồng. Cuối năm 2010, người dân địa phương và du khách vui mừng khi chứng kiến nước hồ Xuân Hương đã trong xanh trở lại sau gần 1 năm bị tháo cạn trơ đáy. 

Thế nhưng, chỉ vài tháng sau những mảng tảo lam khổng lồ lại lu lù xuất hiện trên mặt hồ Xuân Hương cùng mùi hôi tanh nồng nặc theo gió xộc lên khiến cho mọi người phải lắc đầu ngao ngán. Nước hồ ô nhiễm nặng có thời điểm khiến cá chết hàng loạt, nổi bồng bềnh trên mặt nước. 

Một công nhân chuyên vớt rác trên hồ Xuân Hương, cho biết vào những ngày Đà Lạt nắng đều, lặng gió tảo lam bùng phát thành “dịch”, nổi đặc quánh cả mặt nước, kết thành từng tảng lớn dày tới hơn 1cm, nặng nhất là đoạn gần cầu Ông Đạo. Những người đi ngang qua đây do không chịu được mùi hôi tanh đã phải dùng tay che mũi và cố bước qua thật nhanh khu vực này.

Nguyên nhân khiến hồ Xuân Hương ô nhiễm nặng như hiện nay được các nhà khoa học đưa ra là do chất thải từ việc bón phân cho cỏ ở sân Golf Đà Lạt không tiêu thụ hết đã chảy ra hồ. Bên cạnh đó, một lượng lớn chất thải nông nghiệp từ phía thượng nguồn vẫn hàng ngày trực tiếp đổ ra hồ mà không qua xử lý.
 ...không ít ngày khiến nhiều người phải hãi hùng vì tảo lam.

Ông Trần Mạnh Linh, Chánh văn phòng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, cho biết việc xử lý ô nhiễm ở hồ Xuân Hương thực sự là vấn đề nan giải. Tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt đang làm mọi cách để ngăn chặn tình trạng tảo lam xuất hiện và ô nhiêm nguồn nước. Sau nhiều cuộc hội thảo khoa học “bắt bệnh” và “tìm thuốc” cho hồ Xuân Hương, mới đây nhất, gần 1 tấn cá mè đã được thả xuống hồ để tiêu diệt tảo lam. 

Ngoài ra nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nguồn nước cũng đang được chính quyền địa phương triển khai. Riêng về vấn đề “thiếc tặc” tấn công khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu, về mặt quản lý nhà nước về du lịch, khi phát hiện Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kịp thời có biện pháp ngăn chặn.

TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU
   
Khắc Lịch

Bình luận(0)