Phía sau Mẫu Sơn lung linh là “giọt nước mắt đóng băng“

Google News

(Kiến Thức) - Không biết trong số du khách ngắm băng tuyết Mẫu Sơn có bao nhiêu người biết rằng gần đó có những giọt nước mắt đã đóng băng trên má trẻ nhỏ.

Đội băng tuyết đến trường

Trong cái lạnh tăng cường đầu năm 2013, khi ở Hà Nội nhiệt độ chỉ 10 độ C thì đỉnh Mẫu Sơn với độ cao hơn 1000 mét so với mặt nước biển mọi thứ gần như đóng băng vì nhiệt độ chỉ còn 4 độ C. Ngàn thông thơ mộng giờ xao xác, buốt giá. Mẫu Sơn, khu du lịch nổi tiếng của cả nước lúc này ít bóng người. Những người bán hàng rong cố bám trụ cũng phải  nép mình vào góc cầu thang của các nhà hàng để tránh rét bỏ mặc gánh hàng chỏng chơ.

 Trẻ em đi học trong cái lạnh cong người

Rét trên đỉnh Mẫu Sơn buốt thấu tâm can. Trên đoạn đường trơn và lầy lội bò lên đỉnh núi,  một nhóm trẻ khoảng 13 -14 tuổi ló ra trong sương mù. Đứa thì đi ủng, đứa thì đi dép, đứa có găng tay, đứa thì không…Chúng co ro, run rẩy trong từng bước chân.

"Lạnh thế này các em đi đâu?", tôi hỏi. "Cháu đi học" một cô bé ngần ngại trả lời. "Sao các em đi học giữa trưa thế này và hôm nay chủ nhật mà?", tôi ngạc nhiên. Cô bé rụt đầu vào trong cổ áo, nhát gừng:  "Mai phải học".

Để được học, lũ trẻ phải lụi cụi đi xấp xỉ 20km mới tới Trường dân tộc bán trú xã Mẫu Sơn. Tính ra chúng đội băng tuyết đi bộ khoảng 4 tiếng mới tới trường.

 Chưa đến Mẫu Sơn đã cóng

Ngôi trường ấy xe ô tô không vào được. Qua điện thoại, ông Triệu Sáng Suẩn (Bí thư xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lang Sơn) cho biết: “Xe ô tô của các anh không vào được bản đâu. Trơn lắm, nếu muốn vào thì phải đi bộ mất 2 tiếng”. Không tin lời ông bí thư, chúng tôi liều cho xe chạy vào nhưng chỉ được khoảng 2km là hoảng hồn quay ra vì mấy lần chực lao xuống vực do đường quá trơn. Ái ngại với chúng tôi, Ông Suẩn giãi bày: “Xã chúng tôi có tới hơn 80% hộ nghèo. Đã thế còn chẳng được thiên nhiên ưu đãi. Một năm 12 tháng thì có tới 9 tháng lạnh cắt da, cắt thịt, khổ nhất là lũ trẻ”.

 Các em đi dần vào trong sương

 Nước đóng băng trên lá cây

Để lần ra được trường học của lũ trẻ, chúng tôi lên đỉnh Mẫu Sơn nhờ một người bán hàng rong dẫn đường. Chị Triệu Chằn Nấm dẫn chúng tôi đi xuyên qua sương mù. Dù ngôi trường được xây 2 tầng nhưng chúng tôi phải đến thật sát mới có thể nhìn thấy.

Bữa cơm rau rừng

Chúng tôi vào trường và tận mắt chứng kiến bữa cơm chiều của các em. Đó là bữa cơm chỉ có rau rừng, co ro bên bếp lửa. Tiếp chúng tôi, bác Trần Chu (bảo vệ trường) nghẹn ngào nói: “Tiêu chuẩn ăn của các cháu chỉ có 10 nghìn đồng/3 bữa/ngày. Có đứa đêm đói khóc rồi ngủ quên, đến sáng nước mắt đóng thành băng”.
 
 Các em trường nội trú ăn cơm chiều

Dẫn chúng tôi đến phòng ngủ của các em, bác Chu nói: “Ở đây 3 cháu chung một cái chăn tiết kiệm”. Thấy mọi người ngơ ngác, chị Nấm dẫn đường nói: “Chăn tiết kiệm là chăn 30 nghìn đồng một chiếc, người thành phố chỉ dùng lót ổ cho chó, mèo. Muốn đủ ấm, các cháu phải tự đi kiếm thêm củi về để đốt sưởi”.

Bác Chu cho biết thêm: “Ở trường này có hơn 30 cháu nhưng chỉ có khoảng 1/3 số đó ở nhà có cơm để ăn. Số còn lại chỉ có cháo ngô để húp”. 

 Các em co ro bên bếp lửa

Mẫu Sơn cứ mỗi đợt rét đậm lại có tuyết, có băng, khách du lịch lại háo hức đến ngắm cảnh, chụp ảnh. Không biết trong số du khách ấy có bao nhiêu người biết rằng đằng sau sự lung linh, huyền ảo ấy có những giọt nước mắt đã đóng băng trên má trẻ nhỏ.

TIN LIÊN QUAN
 
 
 
 


Hải Ngọc

Bình luận(0)