PGĐ Sở Tư pháp đánh dân: Án nào mới thích đáng?

Google News

(Kiến Thức) - Biết rõ hành vi cầm gậy đánh vào đầu ông Phước là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng vị PGĐ Sở Tư pháp Phú Yên vẫn cố ý thực hiện hành vi côn đồ...

Thời gian gần đây, dư luận tỉnh Phú Yên và cả nước phẫn nộ trước hành vi đánh người của ông PGĐ Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên. Theo nguồn tin từ Công an huyện Tây Hòa, vào khoảng 11h30 trưa 16/12, ông Huỳnh Xuân Phước (63 tuổi, thôn Phước Mỹ, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) đã bị ông Nguyễn Ngọc Bảo, PGĐ Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên dùng thanh gỗ đánh vào đầu, bất tỉnh phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên. Nguyên nhân vụ việc xuất phát từ việc ông Phước cùng người dân thôn Phước Mỹ phát dọn đường để làm đường giao thông nông thôn, ông Bảo khi đó cho rằng, ông Phước đã chỉ đạo xây đường nông thôn lấn vào phần đất nhà mình, nên đã ra tay đánh ông Phước.
 Ngoài việc dùng gậy đánh người, vị Phó giám đốc Sở Tư pháp Phú Yên cũng đã từng bị khai trừ Đảng do việc vay mượn tiền không trả và tổ chức đường dây nhận tiền chạy việc. (Ảnh minh họa)
Được biết, ông Nguyễn Ngọc Bảo đang đợi quyết định khai trừ Đảng và thôi việc vì hàng loạt sai phạm về việc vay mượn tiền của nhiều người nhưng không trả và tổ chức đường dây nhận tiền chạy việc làm.
Sở dĩ dư luận bức xúc trước hành động đánh người của vị PGĐ Sở Tư pháp bởi bản thân ông Bảo là lãnh đạo ngành Tư pháp tỉnh Phú Yên, am hiểu rất rõ về luật, lại có những hành vi vi phạm pháp luật như vậy là không thể chấp nhận được. Nhiều ý kiến cho rằng, nên sớm điều tra, xử lý nghiêm vị lãnh đạo ngành tư pháp tỉnh này bởi không chỉ vi phạm pháp luật, hành vi đánh người, mà còn bộc lộ tư cách đạo đức của người cán bộ xuống cấp trầm trọng. Dư luận cũng đặt ra câu hỏi, vị PGĐ Sở Tư pháp sẽ bị xử lý ra sao khi giở thói côn đồ, vi phạm pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề này, luật sư Trần Viết Hưng, Phó Giám đốc Công ty Luật Trường Sa cho rằng, hành vi đánh dân của ông Nguyễn Ngọc Bảo không thể nào có thể bào chữa được của một người được coi là lãnh đạo một Sở Tư pháp. Tuy biết rõ hành vi cầm gậy đánh vào đầu ông Phước (một người già yếu) là hành vi vi phạm pháp luật thế nhưng ông Bảo vẫn cố ý thực hiện hành vi của mình, thể hiện tính chất côn đồ, coi thường pháp luật.
“Đây là hành vi cố ý dùng hung khí là cây gậy gỗ đánh vào đầu người gây thương tích cho ông Phước. Nếu như bản giám định pháp y xác định tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên thì ông Bảo chắc chắn sẽ bị cơ quan Công an huyện Tây Hòa khởi tố tội danh “Cố ý gây thương tích” theo điều 104, Bộ Luật Hình Sự. Với hành vi dùng hung khí nguy hiểm là cây gậy đập vào đầu và phạm tội với người già yếu thì sẽ được coi là tình tiết tăng nặng định khung được quy định tại Khoản 2 điều 104, sẽ bị phạt từ từ hai năm đến bảy năm tù”, Luật sư Hưng nhận định.
 Luật sư Trần Viết Hưng, PGĐ công ty Luật Trường Sa.
Đồng quan điểm với LS Hưng, nói về mức xử phạt với hành vi đánh người của vị PGĐ Sở Tư pháp Phú Yên, LS Nguyễn Đình Xuân, Trưởng Văn phòng Luật sư Dân Nguyện cho rằng, căn cứ để xử lý hành vi đánh người của ông Nguyễn Ngọc Bảo chính là tỷ lệ thương tật của ông Phước do cú đánh gây ra.
“Nếu ông Phước bị thương tật dưới 11% thì ông Bảo sẽ bị truy cứu về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác” quy định trong điều 104, Bộ luật Hình sự, bị phạt cải tạo không giam đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (quy định tại khoản 1, BLHS), nếu ông Phước bị thương tật hoặc bị tổn hại sức khỏe thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm (khoản 2, điều 104, BLHS), nếu ông Phước bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe từ 31% đến 60% thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm”, LS Nguyễn Đình Xuân cho biết.
Trả lời về việc, ông Nguyễn Ngọc Bảo là cán bộ trong ngành tư pháp tỉnh Phú Yên, am hiểu pháp luật nhưng vẫn vi phạm, có tình tiết tăng nặng trong vụ việc này không? LS Nguyễn Đình Xuân cho biết, Bộ luật Hình sự không quy định trường hợp tăng nặng về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3.Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4.Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Hải Ninh

Bình luận(0)