Nổ súng với hành vi chống người thi hành công vụ: chưa hợp lý

Google News

(Kiến Thức) - Ông Nguyễn Tuấn Tiết, nguyên Thẩm phán TAND Quận Hoàng Mai, TP Hà Nội nhận định như trên về việc người thi hành công vụ được phép nổ súng để phòng vệ chính đáng...

Theo tinh thần Nghị định 208/2013 của Chính phủ quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, có hiệu lực từ ngày 01/2/2014.
Mối lo ấy ngày càng có cơ sở!
Từ ngày 1/2/2014, người thi hành công vụ được phép nổ súng để "phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ". Theo ông thì vì sao có quy định này?
Thực ra, từ trước tới nay chúng ta đã có những văn bản luật (đặc biệt trong Bộ luật Hình sự) và văn bản dưới luật (trong đó có các nghị quyết của TAND Tối cao) quy định rõ việc xử lý người chống người thi hành công vụ rồi. Thế nhưng, có thể thấy rằng, trong tình hình hiện nay, việc các đối tượng gây rối trật tự trị an của xã hội đã phức tạp hơn, không phân biệt lứa tuổi và cũng manh động hơn. Khi lực lượng chức năng nổ súng chỉ thiên để cảnh báo, họ vẫn nhơn nhơn, vẫn chống đối quyết liệt khiến người thi hành công vụ bị thương, thậm chí hy sinh. Do đó, việc đưa ra quy định này cũng là dễ hiểu.
Trong bối cảnh việc chống người thi hành công vụ ngày càng manh động như thế thì hẳn quy định này cũng là cần thiết nhằm hạn chế thương vong đối với lực lượng thi hành công vụ, thưa ông?
Khi đưa ra quy định này, hẳn người ta cũng mong muốn như thế. Đương nhiên, về mặt quản lý nhà nước thì nó có lợi. Nhưng tôi e rằng mặt khiến phải phân vân sẽ lớn hơn.
Ông phân vân vì điều gì?
Sự phân vân, nghi ngại lớn nhất là việc nghị định này sẽ bị lạm dụng. Đặc biệt, xét trong bối cảnh khi nghị định này chưa có hiệu lực, đã có trường hợp cảnh sát giao thông rút súng bắn người vi phạm, rồi thì cảnh người thi hành công vụ dùng vũ lực trấn áp người dân thì mối lo ấy càng có cơ sở. Chắc chắn sẽ có chuyện lạm quyền xảy ra.
 Ảnh minh họa.
Làm theo cảm tính thì "chết" rồi!
Nhưng quy định đã ghi rõ rằng, "trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ" thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ mới có thể được nổ súng theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan!
Tôi không đảm bảo rằng tất cả người thi hành công vụ sẽ nắm được đâu, vì mỗi người một tính nết, trình độ. Chưa kể, quy định này nguy hiểm ở chỗ người thi hành công vụ sẽ mang cảm tính vào cách hành xử của mình. Chẳng hạn, chỉ vì bị người vi phạm văng tục, gây gổ, anh cán bộ đã vội vàng rút súng ra bắn. Mà nên nhớ, người ta có tâm lý khi ăn thì tìm đến, đánh nhau thì chạy đi. Lúc anh bắn xong rồi, nhất là khi làm chết người, muốn tìm người đứng ra làm chứng xem việc nổ súng ấy có phù hợp không thì không hề đơn giản đâu, vì chẳng ai dại gì mà dây vào cho rắc rối. Còn anh thi hành công vụ, anh sẽ tìm mọi cách để bào chữa cho mình chứ! Khi đó, để chứng minh việc nổ súng là đúng sẽ rất khó khăn. Rõ ràng, làm theo cảm tính như thế thì "chết" rồi!
Có vẻ ông không tin tưởng lắm vào tác dụng của quy định này?
Thực ra, có muốn tin nó sẽ phát huy tác dụng như mong đợi rằng sẽ hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ cũng khó, vì rất có thể nó sẽ phản tác dụng.
Liệu ông có bi quan quá không?
Khi nghị định được thực thi, có thể những người vi phạm sẽ chống đối điên cuồng hơn, manh động hơn bây giờ, vì họ biết chắc chắn người thi hành công vụ sẽ nổ súng vào mình. Trong khi đó, khó tránh khỏi chuyện người thi hành công vụ làm theo cảm tính. Thế thì nguy hiểm quá còn gì.
Hẳn những người làm nghị định này cũng phải lường được những điều ông đang phân vân, nghi ngại chứ?
Tôi tin họ có ý tốt, có điều nó vẫn khiến công luận chưa thật yên tâm đâu.
Ông Nguyễn Tuấn Tiết, nguyên Thẩm phán TAND quận Hoàng Mai, TP Hà Nội nói về việc người thi hành công vụ được phép nổ súng để phòng vệ. 
Chỉ có lợi cho công an
Trước đó, vào tháng 3/2013, Bộ Công an đã đưa dự thảo nghị định này, trong đó có nội dung người thi hành công vụ được phép nổ súng vào người và phương tiện vi phạm, để lấy ý kiến của đông đảo nhân dân. Ông đánh giá thế nào về động thái này, nhất là khi nghị định được ban hành?
Rõ ràng, Bộ đã làm một việc nên làm là lấy ý kiến nhân dân về một việc chúng ta chưa hề áp dụng. Thế nhưng đến bây giờ, khi chỉ còn hơn một tháng nữa nghị định này sẽ có hiệu lực song tôi vẫn chưa thấy có những hướng dẫn cụ thể nào trong việc thực hiện. Vẫn còn những nghi ngại như khi còn là dự thảo. Dĩ nhiên, khi triển khai thực hiện thì sẽ góp phần bảo vệ người thi hành công vụ, nhưng nó sẽ không được lòng dân lắm đâu!
Có những "con số biết nói" như thế này: Từ năm 2000 đến tháng 8/2012, cả nước xảy ra hơn 8.500 vụ chống người thi hành công vụ, khiến 43 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh và 2.218 cán bộ, chiến sĩ công an khác bị thương. Dẫu có thể quy định nổ súng "không được lòng dân lắm" như ông nói, nhưng chí ít nó cũng sẽ bảo vệ được người thi hành công vụ thì âu cũng là lẽ nên làm chứ?
Biểu hiện chống người thi hành công vụ ở nhiều địa phương, trong mọi mặt đời sống xã hội là khó tránh khỏi, vì ý thức pháp luật của một bộ phận nào đó trong dân chúng vẫn chưa tốt. Nhưng không thể vì thiệt hại của ngành công an mà đưa ra quy định nổ súng được cho là chỉ có lợi cho công an mà không có lợi cho cộng đồng, như những gì tôi phân tích ở trên. Còn nói đi cũng phải nói lại, người thi hành công vụ bị chống đối nhiều cũng phải xem lại mình rằng đã làm đúng luật, đúng thẩm quyền chưa.
Cần cụ thể hóa lực lượng được nổ súng
Dẫu sao thì nghị định này cũng sắp sửa có hiệu lực. Theo ông, để tránh việc người thi hành nhiệm vụ lạm dụng quyền nổ súng thì cần phải làm gì?
Trước tiên là phải cụ thể hóa xem lực lượng nào sẽ được nổ súng. Tôi cho rằng không nên quy định chung chung là "người thi hành công vụ", vì như thế rất khó kiểm soát. Đồng thời, phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong dân chúng. Với người thi hành công vụ cũng cần phải được nâng cao ý thức, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công vụ để họ làm đúng theo pháp luật.
Vậy theo ông, lực lượng nào cần được trao quyền nổ súng?
Tôi nghĩ là lực lượng công an, cảnh sát bảo vệ, cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông, kiểm lâm - những người làm nhiệm vụ trực tiếp. Còn lực lượng hỗ trợ thì không nên trao quyền này.
Cảm ơn ông.
Theo Nghị định 208/2013 thì: Người thi hành công vụ được hiểu là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật... Việc nổ súng chỉ được thực hiện khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Trong mọi trường hợp nổ súng, cần phải hạn chế thiệt hại gây ra và người nổ súng được miễn trừ trách nhiệm khi đã tuân thủ đúng quy định.
Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)