Những “người rừng” đặc biệt nhất Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Vào rừng để trốn đau thương, quên đi chuyện đau lòng, thậm chí để đi tìm cái chết… là lý do xuất hiện những “người rừng” đặc biệt ở Việt Nam.

Họ sống tách biệt với thế giới bên ngoài trong khoảng thời gian dài, đến mức thấy xa lạ với cuộc sống hiện đại.
“Người rừng” trở về sau 40 năm tách biệt loài người
Ngày 7/8, người dân ở vùng núi rừng sâu hoang sơ thuộc xã Trà Phong, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi bỗng xôn xao khi bắt gặp hai con người trần trụi sống trên ngọn cây, trong những chòi lợp bằng lá cây. Và người dân nơi đây gọi đó là “người rừng”.
“Người rừng” tên là Hồ Văn Thanh, sinh năm 1931 và người con là Hồ Văn Lang, năm nay khoảng 41 tuổi, ngụ ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Thanh có một gia đình đầm ấm với vợ và 4 đứa con. Tuy nhiên, trong một cuộc oanh tạc của không quân Mỹ, gia đình ông đã vô tình bị một quả bom rơi trúng và nổ ngay trong nhà.
Người rừng Hồ Văn Lang khi mới trở về thế giới hiện tại.
Quá đau đớn và hoảng loạn, vì vụ nổ cướp đi sinh mạng hai người con ngay trước mắt, ông Thanh mang theo đứa con tên Lang chạy vào rừng sâu để trốn. Rồi kể từ ngày đó đến nay, không ai thấy ông Thanh trở về.
Sống tách biệt với thế giới bên ngoài suốt 40 năm, cuộc sống của hai cha con “người rừng” hầu như đều ở trên cây, quần áo được tận dụng từ lá cây, ăn uống như “bầy” người nguyên thủy thời xưa…
Người con còn lại của ông Thanh là anh Hồ Văn Tri, được mẹ nuôi nấng. Anh Tri năm nay đã 39 tuổi, kể rằng, năm 12 tuổi anh tìm được nơi ở của bố nhưng ông nhất quyết không chịu trở về. Anh Tri vẫn thường xuyên lên thăm bố.
Lần gần đây nhất, thấy sức khỏe bố đã quá yếu, bệnh nặng, anh đã nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền và người dân trong làng vượt rừng lên chỗ bố và anh mình sinh sống để đưa họ về chăm sóc.
 "Người rừng" đang trong quá trình tiếp cận cuộc sống cộng đồng.
Hai cha con “người rừng” đã rất hoảng sợ khi thấy rất đông người hiếu kì đến xem. Anh Lang không chịu nói chuyện với em mình và mọi người và tỏ ra xa lạ với cuộc sống hiện đại, với thế giới “văn minh”.
Sau gần một tuần trở về từ rừng sâu, cha con "người rừng" đã tiếp cận cuộc sống cộng đồng. "Người rừng" Hồ Văn Lang vẫn ít nói, nhưng bắt nhịp với cuộc sống hiện đại khá nhanh. Tóc đã cắt ngắn, da dẻ hồng hào, mặc áo quần mới và diện mạo anh Lang đã thay đổi nhanh chóng.
"Người rừng" Lang rất thích hút thuốc lá, ăn trầu và thích dùng điện thoại di động để nghe nhạc và dường như không còn ngại ngùng, lẩn tránh như những ngày mới trở về làng.
Hiện nay, chính quyền địa phương đang tính đến phương án làm nhà và cấp đất sản xuất để cha con "người rừng" dần ổn định cuộc sống.
"Người rừng" trên đỉnh Hoàng Liên Sơn
Trước đó, câu chuyện kể về công cuộc đi tìm cái chết của "người rừng" trên đỉnh Hoàng Liên Sơn cũng từng được dư luận quan tâm. Tuy mới sống ở rừng 7 năm, nhưng ông Trần Ngọc Lâm cũng được gọi là “người rừng”. Ông Lâm thoắt ẩn, thoắt hiện trên những mỏm đá cao nhất của dãy Hoàng Liên Sơn kỳ vĩ. Ông đi hết cánh rừng này đến cánh rừng khác để tìm thuốc, chăm sóc, gieo trồng cây thuốc quý nhằm cứu tính mạng mình và những người khác.
Hộ khẩu thường trú của “người rừng” Trần Ngọc Lâm ở TP. Lào Cai, nhưng đã có 7 năm sống cùng thú hoang trên độ cao 2.900m của dãy Hoàng Liên Sơn, cách “nóc nhà Đông Dương” chỉ còn 2 tiếng đi bộ.
 "Người rừng" Trần Ngọc Lâm trên đỉnh Hoàng Liên Sơn. Ảnh: VTC
Ông Trần Ngọc Lâm sinh năm 1952 trong một gia đình đông anh em. Năm 1972 vào bộ đội, đi chiến trường B, từng vào sinh ra tử trong rất nhiều trận đánh khốc liệt. Bạn bè, đồng đội ngã xuống rất nhiều, nhưng ông may mắn sống được đến ngày hòa bình. Đất nước giải phóng, ông về làm lái xe và sửa chữa ô tô ở đội xe của bưu điện tỉnh Hoàng Liên Sơn.
Năm 1989, ông có triệu chứng bệnh tật, thường xuyên ho rất nặng, thậm chí ho cả ra máu, cơ thể sa sút rất nhanh. Đi khám ở đâu bác sĩ cũng bảo bị bệnh lao. Chữa trị nhiều nhưng bệnh càng nặng thêm, cho tới khi xét nghiệm lại, bác sĩ khẳng định ông bị ung thư phổi.
Nghĩ rằng có điều trị tích cực, tốn rất nhiều tiền, cũng chỉ sống được thời gian ngắn, ông Lâm giấu bệnh tật của mình, không nói cho ai biết và làm việc cật lực để mong mất nhiều sức, chết nhanh hơn. Sau đó, ông có một quyết định kỳ cục, đó là trèo lên đỉnh Fansipan tu thiền và chờ chết một cách lặng lẽ trên đó.
Trong cuộc leo núi đi tìm cái chết này, điều kỳ diệu đã xảy ra. Khi đến độ cao 2.900m, ông Lâm thấy rất nhiều loại cây thuốc mà ông từng sử dụng ở Tây Tạng. Và ông Lâm đã tìm được những cây thuốc quý trị ung thư. Ông đã ở lại trên đỉnh núi cao để trị bệnh, và thanh thản sống cùng bầy khỉ, gấu trên dãy Hoàng Liên Sơn.
“Làng người rừng” ở Đăk Lăk
Ở sâu trong rừng, thuộc xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk có một ngôi làng không có tên chính thức mà nhiều người gọi tên “làng người rừng”. Có người gọi đây là “làng 4 không”: không điện, không đường, không trường, không trạm. Có người gọi đây là Làng Nữ Chúa An Kỳ (hay làng Bà Kỳ), bởi làng được một người phụ nữ tên An Kỳ lập nên và đứng đầu. Hoặc, cũng có người gọi đây là Làng Đất Đỏ, vì làng ở trên vùng đất đỏ…
Bà An Kỳ kể về nguồn gốc ngôi làng nhỏ này: “Tổ tiên tôi mấy đời nay vẫn ở Lạng Sơn. Tôi nhớ năm 1999, 2000, ở quê cuộc sống ngày càng khó khăn thì không nói, buồn nhất là bà con mình bí quá cứ bị dụ sang bên kia biên giới làm “trâu kéo cày” mà tiền không được bao nhiêu, lại bị đánh đập, chửi bới, chị em phụ nữ còn bị lợi dụng thân xác…
 Trẻ em ở "làng người rừng".
Gia đình tôi cũng gặp phải chuyện đau lòng nên lúc đó tôi nảy ra ý định đi tìm một nơi khác sinh sống và giúp bà con. Lang thang vào đến đây, thấy vùng đất này còn hoang sơ, gần như chưa có dấu chân người. Nên quyết định về kéo bà con theo”.
Bà An Kỳ cho biết, hiện làng đã có hơn 100 ngôi nhà với khoảng 400 người, đều là đồng bào dân tộc Mông, Mường từ Cao Bằng, Lạng Sơn di cư vào đây. Họ sống bằng phương thức tự cung, tự cấp. Vì là dân di cư tự phát, sống trong rừng sâu, gần như không ai biết, nên trước năm 2008, làng không có chính quyền, chỉ có bà An Kỳ đứng đầu.
Đến nay, làng đã được chính quyền cho tồn tại hợp pháp, với hơn 100 đứa trẻ trong độ tuổi đến trường. Thế nhưng, chúng không được đi học vì xa quá và phần khác như bà An Kỳ giải thích: “Chúng tôi đã được núi rừng che chở rồi, nên không cần cái chữ đâu”.
Tiểu Phong (tổng hợp)

Bình luận(0)