Lý do gì Sếp nghỉ hưu... vẫn lương "khủng" 65 triệu/tháng?

Google News

(Kiến Thức) - Nguyên Tổng giám đốc Công ty bia Huda nghỉ hưu năm 2000 và từ đó đến nay, dù nhiều lần điều chỉnh tăng lương tối thiểu, thì mức 65 triệu đồng/tháng có đúng?

Vụ việc ông Nguyễn Minh, nguyên Tổng giám đốc Công ty bia Huda hưởng mức lương hưu hơn 65 triệu đồng/tháng đã khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên, bàn tán nhiều ngày qua. Không ít người thắc mắc vì sao ông Minh lại có một mức lương hưu cao như vậy, liệu có sai sót gì ở đây không? Nếu không, ông Minh đã phải đóng bảo hiểm như thế nào để đạt được mức lương hưu cao như thế?
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Quân, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, nếu thấy lương hưu của một cá nhân nào đó ở mức 65 triệu/tháng hay cao hơn thì không có nghĩa là bảo hiểm tính nhầm hay có điều gì mờ ám ở đây. Mức lương hưu này có thể là hợp lý nếu cá nhân đó đóng bảo hiểm xã hội cao, cộng với khi nghỉ hưu, nhà nước có những lần điều chỉnh tăng lương cơ sở dẫn đến mức lương hưu cũng tăng với số phần trăm tương đương.
 Nhờ chục lần tăng lương tối thiểu mà mức lương hưu của ông Nguyễn Minh, nguyên Tổng giám đốc Công ty bia Huda đến nay khá cao.
"Tôi không rõ thực hư mức lương của ông Minh thế nào, đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu, tuy nhiên nhìn về lịch sử Công ty bia Huế (Huda) thì có thể thấy giai đoạn 1990 – 1994 là công ty 100% vốn Việt Nam, từ năm 1994, công ty này liên doanh với Tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch). Mà khi ông Minh đã làm việc cho công ty liên doanh, nếu làm được việc, mang lại doanh thu, hiệu quả cao thì họ trả lương rất cao là điều bình thường. Mà mức lương ông Minh cao thì lương đóng bảo hiểm xã hội cũng sẽ cao, do đó ông ấy nhận lương hưu khủng cũng là điều dễ hiểu.
Theo như ông Minh giải thích trên báo chí thì lương bình quân của ông có thời điểm lên đến 10.000 USD/tháng, cuối năm 2000 về hưu, ông Minh đã hưởng lương hưu là hơn 10 triệu/tháng.
Như vậy, ông Minh về hưu cuối năm 2000. Khi đó chưa có luật Bảo hiểm xã hội mới (năm 2006). Do đó, lương hưu hàng tháng của ông Minh lúc đó được tính theo các quy định pháp luật cũ về bảo hiểm xã hội, tức là bằng 75% lương đóng bảo hiểm trung bình của 5 năm cuối làm việc của ông. Mà những năm cuối ông Minh làm việc, công ty bia Huda đã trở thành công ty liên doanh làm ăn phát đạt nên mức thu nhập và lương đóng bảo hiểm của ông Minh chắc chắn sẽ rất cao, dẫn đến việc lương hưu cao là điều dễ hiểu.
Một yếu tố quan trọng nữa khiến lương hưu của ông Nguyễn Minh đến thời điểm hiện tại ở mức rất cao đó là nhờ các lần tăng lương cơ sở (lương tối thiểu) của Nhà nước từ thời điểm ông Minh nghỉ hưu tới nay, theo đó mức lương của người về hưu cũng được điều chỉnh tăng tương xứng.
Cụ thể, trong giai đoạn từ thời điểm ông Minh nghỉ hưu là năm 2000 đến 2014, Việt Nam có tới 10 lần điều chỉnh tăng tiền lương cơ sở, có lúc tăng tới 30%. Theo đó, mức lương tối thiểu từ mức 180.000 đồng/tháng thời điểm năm 2000 qua 10 lần điều chỉnh hiện đã được tăng lên 1.150.000 đồng/tháng. Cùng với việc tăng lương cơ sở cho khu vực công chức, người về hưu cũng được điều chỉnh tăng lương tương xứng với mức đó, và nguyên Tổng giám đốc bia Huda cũng không nằm ngoài trường hợp này. Hơn nữa, ông Minh lương cao thì mức tăng lại càng nhiều, nên lương sau khi tăng lại càng cao", Luật sư Quân phân tích.
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội cũng cho rằng, việc một một cá nhân đóng bảo hiểm xã hội cao thì hưởng lương hưu cao là điều bình thường. Điều bất cập trong cách tính lương hưu hiện nay nằm ở những vấn đề khác, chứ không phải ở câu chuyện lương hưu của ông Nguyễn Minh.
TS Phong nêu quan điểm: "Tôi theo dõi vấn đề bảo hiểm xã hội thì thấy, dự luật Bảo hiểm xã hội mới nhất đưa ra 2 phương án tính lương hưu hàng tháng. Phương án một, từ năm 2018, mức lương hưu tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng của lao động nữ và 20 năm của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Phương án hai, số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; mỗi năm sau tăng thêm một năm và từ 2022 là 20 năm. Sau đó, cứ mỗi năm thì tính thêm 2% với nam và 3% với nữ, mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, để tránh vỡ quỹ bảo hiểm xã hội, dự thảo Luật quy định kéo dài năm công tác của người lao động để được hưởng lương hưu và giảm mức lương hưu. Đây là một điều bất hợp lý. Quy định gì thì quy định, lương hưu cho người lao động, công viên chức phải được cải tiến theo chiều tốt lên, chứ không phải ngày càng giảm đi trong khi giá cả ngày càng đắt đỏ. Quyền lợi của người lao động sẽ như thế nào sau khi nghỉ hưu do các chính sách liên tục thay đổi, những dự thảo quy định mới được nêu ra liên tục “gây sốc”, trong khi các nhà quản lý liên tục cho rằng nguyên nhân thay đổi là do nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội. Mà ngành bảo hiểm xã hội trước khi kêu ca vỡ quỹ cũng cần phải xem lại, bởi ngành này đang sử dụng cả nghìn tỷ đồng để cho vay, cần xem xét lại việc quản lý và sử dụng quỹ như thế nào, nên đầu tư vào đâu và ra sao cho hiệu quả”.
Cách tính lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006
Khoản 1, Điều 50 Luật BHXH quy định, người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
- Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
Khoản 1 Điều 52 Luật BHXH quy định, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 50 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

Bình luận(0)