Không dám dừng dự án Bauxite Tây Nguyên

Google News

(Kiến Thức) – Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, họ không dám dừng dự án Bauxite Tây Nguyên vì thiệt hại quá lớn.

Sáng nay (16/5), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tổ chức cuộc họp báo, thông tin về hai dự án bauxite ở Tây Nguyên là Tân Rai và Nhân Cơ.

Liên quan đến những ý kiến về việc dừng dự án Bauxite Tây Nguyên do những lo ngại về hiệu quả kinh tế của 2 dự án, người phát ngôn của Vinacomin về các dự án bauxite, TS. Nguyễn Tiến Chỉnh cho biết, Tập đoàn cũng đưa vấn đề này ra xem xét, đánh giá xem có nên dừng hay không. Tuy nhiên nếu dừng thì thiệt hại về mọi mặt là quá lớn.

 “Đã có rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học kiến nghị dừng dự án. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, khi đặt ra vấn đề này, cũng phải xem xét xem ở vị trí của doanh nghiệp, của nhà đầu tư, nếu dừng thì mất gì? Hiện dự án đã đầu tư vào đó mấy nghìn tỷ, nhà máy đã xây dựng, thiết bị, công trình nằm ngổn ngang, hợp đồng với các đối tác cũng đã ký. Vậy nếu dừng thì thiệt hại lớn như thế nào? Khi làm dự án này, Chính phủ, các cơ quan chức năng đã xem xét, chúng tôi có trách nhiệm làm, nếu có thiệt hại gì thì chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước. Nói thực là chúng tôi đã xem xét đến khả năng dừng nhưng không dám dừng vì thiệt hại quá lớn”, ông Chỉnh nói.

 Công trường xây dựng nhà máy sản xuất alumina Nhân Cơ. Ảnh: Vinacomin cung cấp

Về những lo ngại đến hiệu quả kinh tế của dự án, Vinacomin cho biết đã thuê tư vấn tính toán và thẩm tra lại tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế của 2 dự án. Kết quả cho thấy, dự án có hiệu quả kinh tế trên 3 thông số về tác động kinh tế - xã hội, nộp NS Nhà nước, tài chính doanh nghiệp cũng như thời gian hoàn vốn giản đơn.

Theo tính toán, thời gian hoàn vốn của Tổ hợp nhôm Lâm Đồng là 12 năm, còn Tân Rai là 13 năm. Hàng năm, 2 dự án nộp ngân sách bình quân khoảng 850 tỷ đồng.

“Ban đầu, dự án có thể lỗ trong thời gian từ 3 – 5 năm do những khấu hao về đầu tư, lãi vay…Tuy nhiên, sau đó, dự án chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả theo tính toán của chúng tôi”, người phát ngôn của Vinacomin khẳng định.

Ngoài ra, dự án còn mang lại hiệu quả kinh tế xã hội tổng thể: tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, phát triển dịch vụ, công nghiệp phụ trợ, tạo tiền đề xây dựng và phát triển ngành công nghiệp nhôm ổn định và bền vững trong tương lai.

Báo cáo của Vinacomin tại buổi họp báo cho hay, dự án Tổ hợp bauxite – nhôm Lâm Đồng và Dự án Alumin Nhân Cơ – Đăk Nông có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 650.000 tấn alumin/năm. Dự án bauxite – nhôm Lâm Đồng đã hoàn thành Nhà máy tuyển quặng, Nhà máy alumina; đến nay khai thác được trên 1,6 triệu tấn quặng bauxite và sản xuất được trên 265.000 tấn quặng tinh bauxite (tính đến tháng 4/2013). Tính đến tháng 4/2013, tổng giá trị đầu tư đã thực hiện của toàn bộ dự án này khoảng 11.612 tỷ đồng, tổng giá trị đã giải ngân khoảng 11.125 tỷ đồng.

Dự kiến đến tháng 5/2013 sẽ tiến hành chạy đồng bộ các chỉ tiêu để đưa Nhà máy alumina vào sản xuất sản phẩm thương mại đầu tiên.

Đối với Dự án Alumin Nhân Cơ – Đăk Nông, tổng giá trị đã thực hiện của toàn bộ dự án và một số dự án khác liên quan là khoảng 6.836 tỷ đồng (đến tháng 4/2013), trong đó, đã giải ngân gói thầu EPC đạt khoảng 4.606 tỷ đồng. Dự án này bao gồm Nhà máy tuyển quặng bauxite và Nhà máy alumin Nhân Cơ. Vinacomin đã báo cáo Thủ tướng điều chỉnh một số nội dung của gói thầu EPC (phạm vi cung cấp, thời gian thực hiện, giá gói thầu) để triển khai thực hiện đối với Nhà máy tuyển quặng bauxite.

Gói thầu EPC Nhà máy alumin Nhân Cơ đã triển khai thực hiện 72/73 hạng mục (còn hạng mục trồng cây xanh chưa thực hiện). Dự kiến nhà máy có sản phẩm vào năm 2014.

Vinacomin đang xem xét  trình bộ Tài nguyên và môi trường  để phê duyệt báo cáo Đánh giá tác động môi trường và Dự án cải tạo phục hồi môi trường, làm cơ sở để Vinacomin phê duyệt dự án khai thác mỏ. Trong quá trình san gạt mặt bằng các hạng mục công trình của dự án  khu CN Nhân Cơ, nhà máy Alumin Nhân Cơ và nhà máy tuyển quặng bauxite Nhân Cơ đã tận thu được khối lượng trên 1,5 triêu tấn quặng bauxite nguyên khai, đủ để phục vụ công tác chạy thử của Nhà máy tuyển quặng và Nhà máy alumin của dự án.

Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm alumin với Công ty Marubenin (Nhật Bản) và Công ty Nhôm Vân Nam (Trung Quốc). Ngoài ra, các công ty của Thụy sỹ, Hàn Quốc, Anh, Malaysia… cũng bày tỏ sự quan tâm xem xét mua alumin của Việt Nam. Tập đoàn cho biết việc tiêu thụ sản phẩm của 2 dự án này là hoàn toàn khả thi.

Trước nhiều câu hỏi về giá thành quặng khi bán ra thị trường, Vinacomin đều từ chối trả lời vì cho rằng đó là bí mật kinh doanh không công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU

Như Biển - Lương Lan

Bình luận(0)