“Công cụ” nào giúp thanh tra giao thông dễ “phù phép”... trục lợi?

Google News

(Kiến Thức) -“Phù phép” sửa chữa biên bản vi phạm, “làm luật” với tài xế, tạo chốt TTGT… là chiêu trò bị phanh phui gần đây. Vậy, có hay chăng việc buông lỏng quản lý lực lượng này?

Bóc mẽ chiêu trò của TTGT
Như Kiến Thức đã đưa tin, vừa qua, CA TP Hải Phòng đã công bố quyết định bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Bùi Mạnh Tuấn (SN 1970), Đội trưởng Đội xử lý tổng hợp - Văn phòng Sở GTVT Hải Phòng về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ”. Trước đó, ngày 1/11/2013, CA TP Hải Phòng cũng bắt tạm giam 4 tháng đối với Vũ Hoàng Tùng (35 tuổi), Phạm Hồng Khang (37 tuổi) và Lưu Tuấn Dương (37 tuổi), nguyên là các Đội phó Đội 5 Thanh tra giao thông (Sở GTVT Hải Phòng) và là cấp dưới của Bùi Minh Tuấn (từ tháng 8/2011 đến tháng 5/2013) với cùng tội danh.
Hàng loạt cán bộ Thanh tra giao thông (TTGT) trên bị bắt do hành vi thu tiền phạt mà không ghi biên lai, trả lại giấy tờ xe sai thẩm quyền. Trong thời gian 2 năm (2011 -2012), cán bộ của Đội 5 sửa chữa hơn 730 biên bản theo hướng ghi sai trọng tải thiết kế của xe vi phạm, mà đúng ra theo đúng quy định phải Chánh thanh tra Sở mới có thẩm quyền giải quyết, để chuyển cho thanh tra viên quyết định, gây thất thoát hàng tỉ đồng ngân sách.
 Chiêu trò "Phù phép" biên bản vi phạm của TTGT không qua được mắt cơ quan chức năng.
Ngay một trong những cán bộ bị bắt trên đã trần tình, tiết lộ những chiêu trò mà một số cán bộ TTGT đã từng áp dụng và đề nghị rà soát lại toàn bộ các biên bản vi phạm: “Thực tế việc sửa chữa biên bản đã diễn ra từ trước. Các đội TTGT khác còn sử dụng biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện để lập các lỗi vi phạm, sau đó mới chuyển sang biên bản vi phạm hành chính. Theo quy định của cơ quan, sau khi chuyển từ biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện sang biên bản vi phạm hành chính thì phải nộp lại biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện cho đội Xử lý – Tổng hợp văn phòng. Tuy nhiên, thực tế, các đội TTGT khác nhận nhiều biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện từ đội xử lý – tổng hợp văn phòng khi chuyển sang biên bản vi phạm hành chính thì không nộp lại biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện đã sử dụng. Phải chăng các đội TTGT đã dùng biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện để lập các lỗi nặng, sau đó chuyển thành lỗi nhẹ sang biên bản vi phạm hành chính?", vị này cho biết.
Ở một số tỉnh thành khác, người dân cũng phản ánh về thực trạng trên nhiều tuyến đường có xuất hiện những tổ công tác TTGT. Để tránh gặp phiền phức, nhiều tài xế đã phải “làm luật” với lực lượng này dù bản thân họ không biết việc TTGT kiểm tra phương tiện của họ là có đúng thẩm quyền hay không?
Ngay trưởng phòng CSGT, CA tỉnh Hải Dương, Lê Thành Nhân cho biết, bản thân ông có nhận được phản ánh của người dân về việc tổ công tác TTGT thành lập chốt, dừng, kiểm tra các phương tiện lưu thông trên đường, dù là trái thẩm quyền của TTGT.
“Trước đây tại tỉnh Hải Dương cũng từng bắt quả tang và xử lý một số cán bộ TTGT lập chốt kiểm tra và lập biên bản đối với phương tiện đang lưu thông sai quy định”, ông Nhân cho biết.
Ai giám sát hoạt động TTGT?
Những vụ việc vi phạm TTGT liên tục được phanh phui khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn. Có ý kiến băn khoăn bởi với chức năng quyền hạn của TTGT, họ có quyền tuần tra kiểm soát xe đang lưu thông, phát hiện và xử lý vi phạm hay không? Và hoạt động TTGT sẽ do ai giám sát, nếu có lực lượng giám sát tại sao những vi phạm vẫn diễn ra?…
Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề này, Trưởng phòng CSGT Hải Dương, Lê Thành Nhân cho biết, lực lượng TTGT không có nhiệm vụ tuần tra kiểm soát xe đang lưu thông, phát hiện và xử lý vì phạm. TTGT có chức năng kiểm tra giao thông đầu bến, giao thông tĩnh khi phương tiện dừng.
“TTGT có quyền dừng phương tiện giao thông đường bộ đang lưu thông trong trường hợp cấp thiết để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ có dấu hiệu vượt quá tải trọng cho phép của cầu đường, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Việc TTGT lập tổ công tác đứng chốt trên đường quốc lộ, kể cả tỉnh lộ là không đúng thẩm quyền. Chỉ khi có kế hoạch thì CSGT và TTGT mới phối hợp lập chốt, tăng cường xử lý. Nhưng nguyên tắc phải có cả hai lực lượng này mới được phép yêu cầu phương tiện đang lưu thông để dừng và kiểm tra, xử lý vi phạm”, ông Lê Thành Nhân cho hay.
Người dân và báo chí, lực lượng liên ngành cùng tham gia giám sát hoạt động của TTGT (Ảnh minh họa).
Ngay trong quy định của Bộ GTVT về chức năng, nhiệm vụ của TTGT cũng nêu rõ, TTGT đường bộ chỉ có quyền dừng phương tiện giao thông đường bộ đang lưu thông trong trường hợp cấp thiết để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ. Ngoài ra, TTGT được phép phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định về hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các điểm dừng xe, đỗ xe trên đường bộ, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí và tại cơ sở kinh doanh vận tải đường bộ.
Về vấn đề này, đại diện Bộ GTVT cho biết, hiện nay có nhiều lực lượng tham gia giám sát TTGT thực thi công vụ như lực lượng liên ngành, người dân và cả báo chí.
“Theo quy định, tất cả những quy trình kiểm tra, xử lý phải công khai. Chúng tôi rất đồng tình trước việc báo chí và các cơ quan thông tin đại chúng, nhân dân giám sát lại lực lượng thực thi công vụ. Thanh tra Bộ vẫn thường xuyên có các văn bản chỉ đạo, yêu cầu lực lượng TTGT các tỉnh, thành phố, địa phương thực hiện đúng, công khai các quy trình thanh tra. Thời gian tới, Thanh tra Bộ sẽ phối hợp với thanh tra của ngành công an tiến hành tuần tra kiểm soát liên ngành, kiểm tra chính những người đang thực thi công vụ. Đối với các tuyến quốc lộ được cho là “điểm nóng”, chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng thanh tra đột xuất để kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm”, vị này khẳng định.
Hải Ninh

Bình luận(0)