Cán bộ điện lén lút ép dân nghèo đóng tiền lắp đặt công tơ

Google News

(Kiến Thức) - Hàng trăm hộ dân nghèo đang bị ngành điện “ép” đóng tiền cho lắp đặt công tơ điện, trong khi đó chính quyền không được thông báo thông tin này.

Nghịch lý ngành điện: Chưa nộp tiền công, dừng lắp công tơ
Bao năm chung sống cùng đèn dầu, quạt nan, mới đây hơn hai trăm gia đình đồng bào dân tộc Mường ở khu Cọ Sơn 1, Cọ Sơn 2, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đón nhận tin vui là có dự án đưa điện lưới Quốc gia về bản được phê duyệt, triển khai thực hiện.
Đường điện được đầu tư lên bản Cọ Sơn, nhưng các hộ dân ai đóng tiền thì mới có điện.
Đến áp Tết cổ truyền 2014, điện được đóng trong tiếng reo cười hạnh phúc của bà con dân bản. Thế rồi cán bộ của Điện lực Tân Sơn, nhân viên hợp đồng đại lý điện Thu Ngạc đến thông báo các gia đình phải nộp 300.000 - 500.000 đồng mới được lắp công tơ điện với nhiều lý do rất mập mờ, bất nhất, vô nguyên tắc như “tiền công lắp đồng hồ”, “chi phí đường dây”, “bồi dưỡng cán bộ làm hồ sơ”… gây bức xúc cho dân bản, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh ngành điện.
Tưởng chúng tôi là nhân viên ngành điện đến thu tiền, anh Hà Văn Nguyên (khu Cọ Sơn 1) nói: “Các bác thông cảm, nhà em độ này túng quá. Để thư thả mấy hôm nữa lo được tiền, nhà em sẽ xuống nộp…”.
Khi biết chúng tôi không phải cán bộ ngành điện, anh cười buồn, giải thích: “Tháng trước, các bác thợ điện áo vàng đi ôtô mang hơn chục chiếc công tơ điện lên xóm bảo mỗi nhà nộp 300.000 tiền công để lắp. Nhà em lúc ấy không đủ tiền thế là các bác mang đi lắp cho nhà khác…”.
Theo anh Nguyên, chưa có công tơ, không thể đấu điện, ti vi, quạt máy. Những thứ này nhà anh đã dồn tiền mua sắm, giờ phải phủ nilon nằm đợi. Tối đến, nhìn trẻ nhỏ chạy đi xem nhờ tivi hàng xóm rồi ngồi học bài dưới ánh điện nhập nhoạng chợt sáng, chợt tối của thuỷ điện nhỏ mà tủi phận.
Anh Nguyên cũng cho biết: "Ngay sát nhà tôi gia đình chị Nguyễn Thị Lâm đã nộp 300.000 đồng cho anh em điện lực và được lắp công tơ, đấu điện sử dụng ngay trong ngày".
Đang chạy đôn chạy đáo lo kinh phí hoàn thiện ngôi nhà xây kiên cố, nghe nhân viên đại lý điện Thu Ngạc bảo muốn có công tơ, đấu điện nhanh thì mỗi nhà nộp 500.000 đồng kèm hồ sơ, anh Hà Văn Đại (Cợ Sơn 2) đã mang 2.000.000 đồng xuống nộp cho 4 gia đình anh em, nhưng hơn tháng nay, vẫn chưa thấy ai lên lắp công tơ, đấu điện.
Nhà đang làm, nhu cầu sử dụng điện lưới cao, anh phải xoay sở đấu nhờ vào công tơ điện của nhà hàng xóm - một trong những công tơ được Điện lực Tân Sơn mang đến lắp từ ngày trước tết âm lịch để các hộ chủ động dùng chung, có điện đón tết.
Việc nhân viên Điện lực Tân Sơn và đại lý điện Thu Ngạc thu 300.000 đồng/gia đình ở khu Cọ Sơn 1 và 500.000 đồng ở khu Cọ Sơn 2 (riêng hai gia đình Trưởng khu được ưu tiên… miễn phí) diễn ra từ năm trước.
Anh Hà Văn Toán, Trưởng khu Cọ Sơn 1 cho biết: “Anh em Điện lực đến thu tiền lắp công tơ của người dân hoàn toàn không thông báo qua cán bộ khu dân cư. Tôi biết chuyện này khi nghe bà con kể lại và trực tiếp nghe nhân viên Điện lực Tân Sơn tuyên bố thu mỗi hộ 300.000 tiền công lắp hôm họ đi ô tô mang hơn chục công tơ điện đến. Nhà nào có tiền thì lắp, không thì thôi. Hôm đó tôi cũng vay tiền mang ra nộp, nhưng anh nhân viên mặc đồng phục ngành điện bảo: Riêng Trưởng khu thì… ưu tiên!”.
Trưởng khu Cọ Sơn 2 Hà Văn Đính cũng khẳng định: “Việc ngành điện thu tiền mới lắp công tơ là có thật. Ở khu tôi, 6 gia đình được lắp công tơ điện đầu tiên là nhà ông Đinh Văn Biên, Hà Văn Minh, Hoàng Văn Đắc, Đinh Văn Huân, Đinh Văn Lái và bà Hoàng Thị Tư đều phải nộp cho nhân viên Điện lực Tân Sơn 300.000 đồng/nhà.
Các hộ lắp sau, phải nộp cho anh Nghĩa - Đại lý điện Thu Ngạc 500.000 đồng. Theo tôi được biết, khoảng 20 gia đình đã nộp tiền…”. 
Cũng như anh Toán, gia đình Trưởng khu Đính được đặc cách ưu tiên không phải đóng tiền.
Có phải “con sâu” làm rầu… ngành điện?
Trực tiếp đứng ra thu tiền của người dân tại khu Cọ Sơn 2, nhân viên đại lý điện Thu Ngạc Hoàng Đình Nghĩa thừa nhận: “Chúng tôi thu 500.000 đồng mỗi hộ là tiền… chi phí đi lại, làm thủ tục hồ sơ. Trước đây nhân viên Điện lực Tân Sơn thu tiền ở Cọ Sơn 1, đầu năm họ bảo tôi thu ở Cọ Sơn 2. Số tiền 500.000 đồng/gia đình thu được tôi giữ lại 100.000 đồng còn 400.000 đồng nộp lại. Tôi nghe chỉ đạo miệng và cứ thế thu chứ không có danh sách, hoá đơn, chứng từ gì. Tôi đã thu tiền của khoảng 20 hộ rồi…”.
Bản Cọ Sơn, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ hiện vẫn là một bản nghèo của tỉnh. 
Phó Giám đốc Điện lực Tân Sơn, ông Hoàng Kim Đoàn cho biết: “Trạm biến áp trên Cọ Sơn là trạm thứ 5 của Thu Ngạc thuộc gói Dự án Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Phú Thọ vay vốn Ngân hàng Tái Thiết Đức (gọi tắt là Dự án KFW) đang được triển khai do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư, Công ty Điện lực Phú Thọ được ủy thác quản lý phần xây lắp.
Ngành điện đã hoàn thành đầu tư xây lắp khoảng 4km đường dây cao thế, gần 2km dây hạ thế; trạm biến áp… nghiệm thu đảm bảo chất lượng, tiến hành đóng điện trước Tết Nguyên đán vừa rồi…”.
Khi được hỏi về việc các nhân viên ngành điện thuộc quyền quản lý của mình thu tiền của dân, ông Đoàn lý giải: “Tôi chỉ là người phụ trách kỹ thuật, nên không trả lời về việc thu tiền”. Tuy nhiên, ông Đoàn khẳng định: “Về nguyên tắc, người dân chỉ chịu chi phí đấu nối, thiết bị từ sau công tơ điện. Mọi khoản thu nếu có là sai quy định”.
Còn ông Hoàng Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Thu Ngạc (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) bức xúc nói: “Qua tìm hiểu trực tiếp từ người dân, tôi được biết họ đã thu 30-40 hộ ở khu Cọ Sơn 1 với mức 300.000đồng mỗi hộ. Còn 20-30 hộ ở Cọ Sơn 2 với mức 500.000 đồng mỗi hộ. Chúng tôi hoàn toàn không được thông báo gì về việc thu tiền này”.
Theo ông Liêm, mấy năm gần đây, Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án, đời sống người dân Cọ Sơn có nhiều chuyển biến tích cực nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cả 2 khu có hơn hai trăm nóc nhà thì gần 100 hộ thuộc diện nghèo. Vậy mà họ nỡ làm như vậy…Rất mong các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị vi phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng, lấy lại niềm tin của người dân…”.
Khi chúng tôi mang thông tin kể trên đến phản ánh với ông Trần Đại Hùng - Giám đốc Điện lực Tân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ông Hùng cho biết: “Đơn vị sẽ cố gắng khắc phục, yêu cầu cá nhân hoàn trả các khoản thu sai quy định với người dân, lấy lại uy tín, hình ảnh đẹp của cán bộ, công nhân viên ngành điện…”.
Theo ông Hùng, đơn vị đã thành lập đoàn công tác trực tiếp về địa phương xác minh với quan điểm tích cực. Làm rõ sự việc, mức độ sai phạm; quy trách nhiệm, xử lý nghiêm cá nhân nào vi phạm.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm hành vi vi phạm thu tiền trái quy định tại xóm bản Cọ Sơn, tránh để tình trạng “con sâu" làm rầu nồi ngành điện.
Cao Khôi - Tiến Dũng

Bình luận(0)