Với việc cấm người dân quay phim và chụp ảnh CSGT khi làm nhiệm vụ, Công văn 1042/C67-P3, ngày 26/4/2013, của Cục CSGT đường bộ - đường sắt (C67), gửi CSGT các địa phương, đang gây ra nhiều tranh cãi gay gắt và bức xúc trong công luận nước nhà.
|
Pháp luật không cấm việc quay phim chụp ảnh CSGT “hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm”. (Ảnh: Tiền Phong) |
Có thể nói “điểm nhấn” gây “bão dư luận” của Công văn nói trên chính là quy định: “Kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ, hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ, hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.
Trả lời báo chí, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ-đường sắt (C67) cho rằng: Văn bản trên nhằm chỉ đạo nội bộ, mục đích để cán bộ chiến sỹ nâng cao tinh thần cảnh giác trước một số đối tượng giả danh nhà báo để quay phim, chụp ảnh chiến sỹ làm nhiệm vụ rồi cắt dán đưa lên mạng nhằm mục đích xấu; Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng C67, người ký văn bản, cũng khẳng định: Văn bản trên không có gì là sai, việc nhận xét đánh giá theo chiều hướng như thế nào là việc của dư luận…
Tuy nhiên, nếu xem xét Công văn 1042/C67-P3 dưới góc độ hệ thống pháp lý hiện hành, người ta bất ngờ vì văn bản này chứa đựng nhiều yếu tố bất cập về mặt luật pháp.
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công văn 1042/C67-P3 chỉ là một văn bản chỉ đạo nội bộ ngành và vì vậy phạm vi điều chỉnh của nó chỉ thuộc nội bộ hệ thống ban hành (lực lượng CSGT) mà không được điều chỉnh hành vi của các đối tượng khác ngoài hệ thống. Pháp luật không cấm việc quay phim chụp ảnh CSGT “hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm”. Người dân nói chung và nhà báo nói riêng đương nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công văn 1042/C67-P3, vì vậy bất kỳ sự can thiệp nào của CSGT vào quyền dân sự của họ (được luật pháp quy định) đều là bất hợp pháp
Cũng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Công văn 1042/C67-P3, về mặt thể thức không phải là một văn bản quy phạm pháp luật vì vậy nó không có hiệu lực đối với nhân dân nói chung và nhà báo nói riêng. Việc một văn bản chỉ đạo nội bộ ngành lại có phạm vi điều chỉnh đối với toàn dân là một việc làm tùy tiện và ấu trĩ về mặt luật pháp.
Ngoài ra với quy định đã dẫn ở trên, Công văn 1042/C67-P3 không những trái với Luật CAND (vì không có điều nào của luật này quy định chức năng, nhiệm vụ của người CSND như vậy) mà còn trái với Luật Báo chí (vì CSGT thông có thẩm quyền xét hỏi giấy tờ của bất kỳ ai xem họ có phải nhà báo hay không khi người đó không vi phạm pháp luật).
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền phải xem lại tính hợp hiến của văn bản này.
Ngọc Dũng
".