Bộ trưởng Công thương 2 lần xin lỗi, đại biểu vẫn bức xúc

Google News

(Kiến Thức) - Khi nghe Bộ trưởng nhận lỗi, đại biểu Huỳnh Nghĩa bức xúc: "Trách nhiệm thì Bộ trưởng đã nhận, nhưng nguyên nhân nhiễu loạn thị trường thì lại chưa đề cập...".

Chỉ có 1 công trình được tính chi phí vào giá thành điện
Dư luận về chi phí giá điện bất hợp lý, có hạch toán cả chi phí xây biệt thự, sân golf, tennis vào giá điện hay không... là những nội dung nóng được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, trong phiên chất vấn giữa 2 kỳ họp Quốc hội tại UB thường vụ Quốc hội sáng nay, 1/4.
Cụ thể, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chất vấn: “Gần đây, dư luận cho rằng, việc tính chi phí giá điện, bao gồm cả chi phí xây dựng biệt thự, sân tennis, nhà ở cho công nhân viên vào giá thành là rất bất hợp lý”.
 Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn. 
Ngoài ra, Đại biểu Nghĩa cho biết, ông rất quan tâm đến khoản đầu tư ra ngoài ngành của EVN. “Ngành điện đầu tư ra ngoài ngành hơn 121 nghìn tỷ đồng, vậy khoản đầu tư này sẽ giải quyết ra sao, bao giờ EVN mới trả hết?”.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Hoàng thẳng thắn thừa nhận: Năm 2013, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra troàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành điện lực từ 2011 về trước.
Về dư luận hạch toán cả nhà ở, bể bơi, sân ten nít, biệt thự vào giá điện thì qua thanh kiểm tra chỉ có có 6 công trình có một số hạng mục như dư luận nêu, đó là: Nhiệt điện Ô Môn 1, Nghi Sơn 1, Phú Mỹ, Nhiệt điện Quảng Ninh 1 và Nhiệt điện Hải Phòng.
Tuy nhiên biệt thự, bể bơi, sân tennis rất hạn chế, chỉ có ở một số công trình xa trung tâm, xây dựng với mục đích để phục vụ cho các chuyên gia.
Sau khi hoàn thành dự án, những công trình này được dùng phục vụ cán bộ, công nhân viên của ngành điện công tác tại chính các nhà máy này.
“Để thu hút, phục vụ chính cán bộ của ngành điện thì việc xây dựng một số công trình như vậy cũng là phù hợp. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có dự án Phú Mỹ 1 hạch toán công trình phụ trợ vào giá thành điện. Còn lại 5 công trình khác chưa hạch toán những chi phí đó vào giá thành. Bộ Tài chính đã dự thảo xin ý kiến các bộ và Bộ Công Thương đã có văn bản trả lời. Không có câu chuyên đưa chi phí xây dựng nhà ở vào giá thành điện, trừ một dự án vừa nêu trên", Bộ trưởng Hoàng quả quyết.
Về số tiền đầu tư ngoài ngành, Bộ trưởng Hoàng cho biết, theo kết quả thanh tra đầu tư ngoài ngành (ngoài công ty mẹ), thực tế chỉ hơn 2000 tỷ đồng, còn đại đa số đầu tư lại cho ngành điện, phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng Công thương hai lần xin lỗi nhưng đại biểu vẫn không hài lòng
Tiếp theo vấn đề giá điện, lần lượt nhiều vấn đề khác cũng được các đại biểu đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Công thương, như thương lái thu mua nông sản gây nhiễu loạn thị trường, xuất khẩu lậu quặng, khoáng sản thông qua đường tiểu ngạch gây cạn kiệt nguồn tài nguyên, nguyên nhân từ đâu, trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng thế nào, lộ trình khắc phục ra sao... Và Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, sau khi trình bày nhiều giải pháp đều nhận trách nhiệm khi chưa giải quyết được triệt để, dù tình trạng trên đã xảy ra nhiều năm.
Khi nghe Bộ trưởng Hoàng nhận lỗi, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) tiếp tục chất vấn: "Trách nhiệm thì Bộ trưởng đã nhận, nhưng nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng thương lái nước ngoài gây nhiễu loạn thị trường thì Bộ trưởng chưa đề cập. Phải chăng pháp luật còn quá nhiều kẽ hở hay trách nhiệm của Bộ trưởng và các bộ liên quan còn quá chung chung?".
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hoàng đề cập đến diễn biến theo xu thế thương mại hóa toàn cầu và cho rằng để chấm dứt được tình trạng như đại biểu Nghĩa nêu thì thì ngoài hoàn thiện khung pháp lý thì phải nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước.
“Chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các bộ ngành liên quan để sớm chấm dứt tình trạng mà theo nhiều đại biểu là đã kéo dài hàng chục năm nay”, Bộ trưởng Hoàng nói.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) truy thêm: “Ai phải chịu trách nhiệm với việc nông dân được mùa thì rớt giá, buộc phải nuốt nước mắt vào trong, bán tháo, thậm chí chấp nhận vứt bỏ những sản phẩm mồ hôi nước mắt cả năm làm ra. Ai chịu trách nhiệm cho việc người dân phải sử dụng những sản phẩm đội giá nhiều lần so với giá bán của người sản xuất dù khoảng cách địa lý không lớn?”.
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thanh minh, đã cố gắng xúc tiến thương mại, áp thuế chống bán phá giá… để hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm của bà con nông dân. Tuy nhiên, Bộ có phần trách nhiệm vì chưa làm được hết theo yêu cầu.
Việc giá đến tay người tiêu dùng cao hơn nhiều giá sản xuất, ông Hoàng phân tích, khi xây dựng kinh tế thị trường, trừ những mặt hàng nhà nước quản lý (như xăng dầu, điện) thì người sản xuất, cung cấp sản phẩm thực hiện theo quy định về giá (công khai, niêm yết giá…). Bộ Công thương có trách nhiệm kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh xem bán đúng giá không. Còn cơ cấu giá hợp lý đến đâu, ông Hoàng cho rằng, ngành Tài chính chịu trách nhiệm. Bộ trưởng Công thương “ghi nhận” những chỉ trích, bức xúc của người tiêu dùng đang chịu nhiều thiệt thòi về giá.
Minh Hiếu

Bình luận(0)