Đánh nữ nhân viên trạm thu phí: Hậu quả “phí chồng phí“?

Google News

(Kiến Thức) - Việc nữ nhân viên thu vé bị đánh tại trạm thu phí cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) khiến dư luận chú ý và có người cho rằng đó là hậu quả của “phí chồng phí”. 

Ngày 28/4, xe ô tô Mezcedes-Benz, BKS 19L-4036 lưu thông hướng khu du lịch Bãi Cháy - Hòn Gai, khi đi qua chốt soát vé lái xe không mua vé mà bấm còi đòi qua chốt. Lúc này, chị Nguyễn Thị Thoa (SN 1965) nhân viên soát vé yêu cầu lái xe phải mua vé theo quy định mới mở barie. Tuy nhiên người lái xe nói rằng đã đóng tiền phí bảo trì đường bộ rồi, không cần phải mua vé qua cầu nữa và yêu cầu chị Thoa phải mở barie cho xe đi qua.

Mặc cho chị Thoa cùng các nhân viên khác giải thích, sau một hồi "lời qua tiếng lại" giữa 2 bên, 4 đối tượng mở cửa xe lao đến chốt soát vé liên tục chửi bới, quát tháo, túm tóc chị Thoa, lôi kéo đánh đấm. Chưa dừng lại ở đó, các đối tượng mở cốp sau ô tô lấy tuýp sắt đập vỡ cửa kính chốt soát vé, nhấn nút điều khiển mở barie, kéo chị Thoa ra ngoài hành hung. Hậu quả, chị Thoa phải đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Bãi Cháy trong tình trạng bị đa chấn thương.

Trước vụ việc này, một số độc giả bày tỏ sự bất bình về cách hành xử “xã hội đen’ của nhóm thanh niên trên nhưng cũng lo ngại về việc “phí chồng phí”. Đây có thể là nguồn cơn dẫn đến mâu thuẫn, bức xúc của người đi đường.

Nữ nhân viên bị nhóm người đi ô tô lôi ra khỏi phòng bán vé đánh đập. Ảnh chụp từ clip

“Đánh người là sai trái nhưng nguồn cơn khiến họ bức xúc và có hành động manh động như vậy có lẽ cũng xuất phát từ tình trạng “phí chồng phí”. Nếu như trước đây, nhà nước chưa quy định đóng phí bảo trì đường bộ thì người dân đều ý thức là qua cầu là phải mua vé và sự việc trên có thể đã không xảy ra”, anh Nguyễn Minh Trung, Cầu Diễn, Từ Liêm Hà Nội nói. 

Độc giả Đỗ Văn Thắng (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Ai cũng nghĩ đường là của nhà nước, đâu phải người dân nào cũng biết được trạm nào Nhà nước đã bán cho các nhà đầu tư, trạm nào không. Vì thế, khi thấy trạm bỏ, trạm không, có người thể hiện sự bất bình là không tránh khỏi. Cũng không loại trừ trường hợp có doanh nghiệp lợi dụng sự nhập nhèm của của các quy định để thu lợi”.

Trao đổi với Kiến Thức, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội GTVT cho rằng, vụ va chạm xảy ra tại trạm soát vé Bãi Cháy ngày 28/4 là hành động bộc phát của quan hệ giữa người thu phí và mua vé. Sự việc không phải là hệ quả của “phí chồng phí” vì tính chất hai loại phí này là khác nhau nhưng cũng có phần liên quan đến sự tồn tại của một số trạm thu phí sau khi nhà nước triển khai thu phí bảo trì đường bộ. Vì vậy, nhân vụ việc này, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xử lý để tránh xảy ra những sự vụ tương tự. 

“Việc thu phí bảo trì đường bộ áp dụng với tất cả các phương tiện giao thông, thể hiện sự công bằng hơn. Theo đó, sau khi áp dụng loại phí này, Nhà nước đã chủ trương loại bỏ việc thu phí ở các trạm nhưng do yếu tố lịch sử để lại, hiện còn khoảng 10 trạm thu phí trên các tuyến đường vẫn tồn tại. Đây là những trạm Nhà nước đồng ý bán quyền thu phí cho nhà đầu tư tư nhân có thời hạn nên việc xóa bỏ cần có thời gian vì nó liên quan đến kinh phí mua lại. Số tiền đó không nhỏ nên chúng ta cũng phải đồng cảm với khó khăn của Nhà nước và mong rằng sớm tìm ra nguồn kinh phí để khắc phục tình trạng trên”, ông Liên phân tích.

Cũng theo ông Liên, hiện Thủ tướng đã có ý kiến xóa bỏ một số điểm trạm thì các cơ quan chức năng nên sớm giải quyết ổn thỏa. Những trạm nào vẫn phải thu phí thì cũng nên công bố công khai để mọi người dân được biết và đồng tình ủng hộ. 

Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo chiều qua (6/5), Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong số các trạm thu phí trả vào ngân sách Nhà nước trên toàn quốc thì 19 trạm thu phí đã dừng việc thu phí từ ngày 1/1/2013. Một số trạm, trong đó có 4 trạm Phù Đổng, Hoàng Mai, Bàn Thạch (Quốc lộ 1) và Bãi Cháy (Quốc lộ 18), đã được Nhà nước đồng ý bán quyền thu phí cho nhà đầu tư tư nhân với thời hạn bán quyền thu phí còn lại của các trạm này đến hết ngày 31/12/2014.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính tiến hành đàm phán với các nhà đầu tư để Nhà nước mua lại các trạm thu phí này. Ước tính, số tiền phải trả cho nhà đầu tư để mua lại quyền thu phí trong thời gian còn lại của cả 4 trạm này khoảng 800-900 tỷ đồng. Bộ Giao thông vận tải đang cùng Bộ Tài chính xây dựng phương án xử lý và hiện tại phương tiện tham gia giao thông qua các trạm này vẫn phải mua vé.

Đối với trạm Bãi Cháy, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Bộ Giao thông vận tải chủ trì đàm phán với nhà đầu tư về phương án tài chính, nguồn vốn mua lại và thời điểm dừng thu để báo cáo Chính phủ xem xét quyết định. Hiện việc mua lại như thế nào, giá cả ra sao vẫn đang được các bên đàm phán. Do vậy, đến thời điểm này, trạm thu phí Bãi Cháy vẫn chưa có quyết định ngừng hoạt động. 

Trước đó, giải đáp bức xúc của một số người dân về việc sau khi triển khai thu phí bảo trì đường bộ, một số trạm thu phí vẫn thu phí qua chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” tối 17/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: “Không có chuyện phí chồng phí” bởi vì phí bảo trì đường bộ được dùng để bảo trì các công trình đường bộ được đầu tư xây dựng bằng ngân sách Nhà nước, còn với các công trình BOT và được xây dựng bằng các nguồn vốn khác, các nhà đầu tư phải bỏ tiền ra đầu tư, bảo trì, sửa chữa. Việc một số trạm vẫn tiếp tục thu phí qua cầu như Bãi Cháy, Phù Đổng, Hoàng Mai… Bộ trưởng Thăng “hứa” sẽ cố gắng thu xếp trong thời gian sớm nhất.

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU


Thuần Lương

Bình luận(0)