Phạt người đội mũ bảo hiểm giả: không công bằng!

Google News

(Kiến Thức) - "Chẳng thể công bằng khi chỉ phạt người đội mũ bảo hiểm giả. Người dân không thể phân biệt được", GS.TS Hoa Hữu Lân, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội nghi ngại.

Quản lý như thế thì chẳng có gì bất ngờ

Kết quả kiểm tra mũ bảo hiểm do Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thực hiện mới đây cho thấy, có khoảng 70% mũ không đạt chất lượng. Theo ông thì con số này nói lên điều gì?

Tôi cho rằng, con số đó thể hiện mấy vấn đề sau: Thứ nhất, việc kiểm soát khâu sản xuất, lưu thông, phân phối mũ bảo hiểm của ta chưa tốt. Mà cũng chẳng riêng gì với mặt hàng này đâu, nhiều mặt hàng khác cũng thế. Trong đó có cả nạn tuồn mũ bảo hiểm có chất lượng trôi nổi từ thị trường bên ngoài vào Việt Nam.

Thứ hai, hiện nay, cơ chế đánh giá tiêu chí chất lượng của ta chưa rõ ràng. Thế nên, nhà sản xuất, nhà kinh doanh lách luật, họ bày bán mũ bảo hiểm bên cạnh mũ thể thao. Dù ta nhìn thấy rõ ràng nhưng chưa cụ thể hóa cơ chế nên chưa thể lập biên bản vi phạm.

Thứ ba là ý thức của người tham gia giao thông về sự nguy hiểm do đội mũ giả, mũ kém chất lượng là chưa tốt. Nhiều khi người ta đội mũ chỉ đơn thuần là để đối phó với cảnh sát giao thông mà thôi. Cũng có một bộ phận đội mũ giả vì kiểu dáng đẹp, phớt lờ an toàn về sức khoẻ, tính mạng.

Một nguyên nhân nữa được cho là gắn với thu nhập. Với nhiều người thì tiền mua mũ bảo hiểm không vấn đề gì, nhưng nếu quy ra thóc với những người nghèo thì nó cũng khiến họ phải đắn đo, ham rẻ mà mua mũ bảo hiểm giá thấp, đồng nghĩa chất lượng không đảm bảo như đã thấy. 

Tôi không đồng tình với ông ở điểm cuối này, vì nếu nghèo thì làm gì có tiền mà mua xe máy?

Đúng thế. Đó chỉ là một cái cớ để họ bao biện cho mình thôi. Nhưng tâm lý ham rẻ là có thật!

Cá nhân ông có thấy bất ngờ với con số đó?

Với cách quản lý như hiện nay thì con số đó cũng phải thôi, không có gì là bất ngờ!

GS.TS Hoa Hữu Lân, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội. 

Không thể cứ đổ lỗi cho lực lượng mỏng

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng thừa nhận, theo thống kê của Ủy ban thì tỷ lệ đội mũ bảo hiểm giả xấp xỉ 70%. Cùng với những phân tích của ông thì phải chăng dân mình không sợ chết?

Ai mà chẳng sợ chết! Thế nhưng, dân mình vẫn có thói "chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ". Song công bằng mà nói, việc người dân phớt lờ đến sự an toàn của bản thân như thế, đương nhiên chủ quan họ cũng có lỗi song không thể đổ hoàn toàn cho ý thức của người dân.

Phải chăng ông đang muốn nói tới phần lỗi của những nhà quản lý?

Đúng thế. 

Nhưng lâu nay, chúng ta vẫn nghe những nhà quản lý thị trường than là lực lượng mỏng trong khi thị trường lại quá rộng, quá nhiều mặt hàng nên không thể kiểm soát nổi?

Đó là sự thật. Thế nhưng, không thể cứ đổ lỗi cho lực lượng mỏng để lấp liếm sai phạm, yếu kém được! Khi phân bổ nhân lực cho các cơ quan, đơn vị quản lý thị trường, người ta cũng tính toán cả rồi đấy chứ. Thêm nữa, lực lượng quản lý thị trường cũng khá rộng, cấp Trung ương có Cục Quản lý thị trường thì cấp địa phương cũng có các chi cục. Vấn đề là người ta có chịu làm hay không mà thôi?

Ông đang ám chỉ việc để 70% mũ bảo hiểm không đạt chất lượng đồng nghĩa các cơ quan quản lý "không chịu làm gì"?

Không nên quy chụp như thế. Nhưng rõ ràng, như tôi đã chỉ ra, vì có quá nhiều lỗ hổng, bất cập trong công tác quản lý, kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm, cộng với cơ chế chưa rõ ràng nên mới thế. Và mũ bảo hiểm không phải là mặt hàng cá biệt. Rất nhiều mặt hàng có chất lượng trôi nổi, không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng cũng vẫn bày bán đấy thôi. Báo chí cũng nói nhiều rồi. 

Mũ bảo hiểm giả chẳng khác thuốc Tây giả

Tới đây, người đội mũ bảo hiểm giả sẽ bị phạt. Thế nhưng, trong khi mũ bảo hiểm giả vẫn bày bán thì có vẻ như việc xử phạt ấy sẽ không công bằng?

Đương nhiên, chẳng thể công bằng khi chỉ phạt từ một phía như thế. Vì chính người dân cũng không thể biết thế nào là mũ thật, thế nào là mũ giả bởi có quy chuẩn nào cụ thể, rõ ràng đâu? 

Theo ông thì để đảm bảo công bằng sẽ phải làm gì?

Đó là xử phạt lực lượng quản lý thị trường và tất nhiên là những người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Thứ nữa là xử phạt những cơ sở sản xuất, kinh doanh buôn bán mũ không đạt chất lượng. Nói thế chứ tôi cũng nghi ngờ về việc xử phạt này.
Xử phạt lực lượng quản lý thị trường?

Đúng thế!

Tôi nghi ngờ về tính hiệu quả của việc xử phạt này!

Người ta không tin vì nó chưa có tiền lệ. Nhưng để đảm bảo công bằng, để mũ bảo hiểm kém chất lượng bày bán tràn lan thì phải xử phạt thôi. Thậm chí, tôi cho rằng việc mũ giả này chẳng khác nào bán thuốc Tây giả, cũng phải xử lý hình sự.

Đừng làm theo kiểu phong trào

Ông vừa bảo ông nghi ngờ về việc xử phạt những người đội mũ bảo hiểm giả? Vì sao ông nghi ngờ?

Tôi nghi ngờ rằng, việc ra quân kiểm tra mũ bảo hiểm trước khi xử phạt người vi phạm do đội mũ kém chất lượng sẽ chỉ là một phong trào như rất nhiều phong trào mà chúng ta ra quân rầm rộ trước đó. Rồi sẽ chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa" mà thôi. Thêm nữa, với cách quản lý và tâm lý ham rẻ của người dân hiện nay thì việc xử phạt này khó có thể khả thi. Nó cần phải có thời gian!

Để không "bắt cóc bỏ đĩa" như ông nói thì theo ông phải làm gì?

Đương nhiên, tăng cường kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm là biện pháp hành chính cần thiết vì chúng ta đã phải trả giá quá nhiều cho việc mũ kém chất lượng. Thế nhưng, nếu đã làm vì sức khoẻ, tính mạng của nhân dân thì phải làm đến nơi đến chốn, làm chặt chẽ hơn, thường xuyên hơn trong cả năm chứ không nên chia theo đợt cao điểm, theo phong trào. Không cẩn thận sẽ chẳng khác gì việc bày bán thịt thú rừng ở chùa Hương, vì người ta sẽ tìm đủ mọi lý do để trốn tránh, để lách luật. Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Người dân cũng cần phải nâng cao ý thức bởi khi không còn tâm lý ham rẻ, ham đẹp trong việc sử dụng mũ bảo hiểm thì những cơ sở sản xuất, kinh doanh mũ kém chất lượng cũng không còn lý do để tồn tại.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

- "Bây giờ, dân mình đang bị buộc phải thông minh nhiều quá! Chẳng riêng gì việc không biết thế nào là mũ bảo hiểm gắn tem của cơ quan quản lý Nhà nước vì ra cửa hàng, mũ giả cũng có tem "chính thống" mà ngay cả thức ăn hằng ngày cũng vàng thau lẫn lộn. Trước khi chờ cơ quan quản lý nhà nước làm tốt phần việc của mình, kiểm soát chất lượng sản phẩm thì người dân phải tự thân vận động mà thôi".
GS.TS Hoa Hữu Lân

- Trước những luồng dư luận trái chiều về việc xử phạt đội mũ bảo hiểm giả, tại cuộc họp của Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (11/3), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho rằng, dự thảo nghị định cần đưa vào các nội dung: Xử phạt người ngồi trên xe không đội mũ, đội mũ không cài quai theo Nghị định 34 và đội mũ không đủ ba bộ phận gồm vỏ mũ, đệm hấp thụ xung lực và quai đeo được quan sát thấy bằng mắt thường.

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU

Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)