Thầy cô phải làm được nhạc trưởng

Google News

(Kiến Thức) - Thầy cô phải trở thành một nhạc trưởng điều khiển lớp học, không chỉ là dạy chữ mà còn dạy cho học trò các kỹ năng sống, hòa nhập với thực tế và làm được những việc phù hợp với lứa tuổi.

Không bắt học vẹt

Đó là chia sẻ về phương pháp dạy học tích cực của cô giáo Phạm Thị Thùy, trường tiểu học Nguyễn Văn Kịp (quận Tân Bình, TPHCM). Cô Thùy chia sẻ: Giáo viên bây giờ phải trở thành người tổ chức các hoạt động tại lớp cho học trò của mình. Vì nếu chỉ mở sách ra dạy theo chương trình và ngày nào cũng lặp lại thì học sinh cũng mệt mỏi và dần dần trẻ sẽ tiếp thu thụ động. 

Cô Thùy thường dựa vào sách giáo khoa là nguồn tài liệu chính thống để đặt ra các mục tiêu cụ thể và chia các mục tiêu thành những hoạt động cụ thể cho phù hợp với nội dung chương trình. Môn khoa học của chương trình lớp 5 có bài về sự sinh trưởng và phát triển của cây, cô đã phân nhóm cho các bé trồng cây. Khi cây mọc, các em học sinh được hướng dẫn cách tưới cây, bón phân hoặc xới đất giúp cây lớn nhanh. 

"Với các bài hình học là hình lập phương, hình hộp chữ nhật, tôi hướng dẫn các em chuẩn bị hình bằng cách sưu tầm từ những con xúc xắc hoặc quan sát hộp sữa cho bài hình hộp chữ nhật sẽ có mấy mặt, mấy cạnh, mấy đỉnh, sau đó là so sánh độ dài các cạnh. Sau khi các em đã có thời gian chuẩn bị, tôi cho các bé 15 phút tự trao đổi và thảo luận rồi sau đó cô sẽ giảng bài", cô Thùy nhớ lại. Phương pháp này giúp học sinh vận dụng sự so sánh trong bài học cũng như khả năng quan sát thực tế nhanh nhạy. Quan trọng hơn là khi tự tay chuẩn bị dụng cụ trực quan phục vụ cho bài học, học sinh sẽ nhớ lâu kiến thức đã được học.

Với các môn học thuộc như lịch sử, cô Thùy không bắt học sinh thuộc đến từng dấu phẩy dấu chấm mà xưa nay vẫn gọi là học vẹt. "Tôi giúp học trò của mình nhớ và hiểu bài bằng hình ảnh trực quan. Hơn nữa, kết hợp với bài học, tôi dành thời gian cho các em xem phim tư liệu. Xem một lần chưa hiểu thì cho các em xem lại. Trong lúc học trò xem phim lồng vào đó, tôi sẽ giảng giải các sự kiện quan trọng để học trò hiểu và nhớ sự kiện lịch sử".  

Tiếp xúc với học sinh hằng ngày nên cô Thùy biết thế mạnh về môn học cũng như khả năng của từng học sinh. Từ đó, cô sẽ tự phân chia các em giỏi và khá nhưng vẫn cho học sinh ngồi xen kẽ để hỗ trợ nhau. Đồng thời cô sẽ dành thời gian quan tâm giảng bài cho những học sinh chậm hiểu hơn để lớp luôn trật tự. 

Cô Thùy không bao giờ bắt học sinh học vẹt. 

Thẳng thắn trong giảng dạy về giới tính

Hiện nay, ở lớp các em đã bắt đầu làm quen với giáo dục giới tính. Qua sách Khoa học lớp 5, các con đã được học về cơ thể người, về trứng, tinh trùng... Vài năm gần đây, tỷ lệ các em học sinh lớp 5, nhất là học sinh nữ "thành người lớn" ngày càng tăng. Vì thế, với các vấn đề khoa học về cơ thể, cô Thùy thường chọn cách nói thẳng. "Đã đến lúc các em nam phải hiểu về cơ thể bạn nữ và các bạn nữ cũng cần phải biết về bạn nam", cô Thùy nhấn mạnh.

Khi được cô Thùy giảng giải về tâm sinh lý, nhiều em đã không còn tỏ ra xấu hổ trước những câu hỏi tế nhị. Có em nữ lần đầu có kinh nguyệt cũng gọi hỏi nó là như vậy phải không cô, con biết phải làm sao rồi... Thậm chí, ngoài đồ dùng dạy học, trong ngăn kéo của cô còn có cả băng vệ sinh, quần lót giấy... phòng lúc các em học sinh nữ lỡ... "đến tháng".

Quỳnh Anh (ghi)

Bình luận(0)