Dân kiện “quan“: kiện mạnh vào!

Google News

(Kiến Thức) - "Khi bị người thực thi công quyền xâm hại đến quyền lợi của mình, nhiều người dân chọn giải pháp im lặng... và bị thiệt", Luật sư Văn Trường Chinh chỉ rõ.

Dân không tin vào tòa án

Mới đây, người dân ở TPHCM đã kiện Sở GTVT vì để lô cốt dựng trước nhà 42 tháng, ảnh hưởng tới đời sống của gia đình mình. Ông bình luận gì về vụ này?

Tôi cho rằng, đây là một hiện tượng mới trong xã hội. Tuy nhiên, dù thế nào thì ở đây có hai tín hiệu đáng mừng. Thứ nhất, tòa án đã thụ lý vụ kiện tức là thừa nhận vụ kiện đó hợp pháp. Đây là một thắng lợi rồi, vì có khi người ta kiện nhưng chẳng ai nghe. Thứ hai, việc người dân kiện chính quyền cho thấy đó là dấu hiệu của dân chủ đấy!

Nhưng tôi nhớ là trước đó đã có những vụ người dân kiện chính quyền đấy chứ! Vậy sao ông lại nói rằng đó là "hiện tượng mới" được?

Nói "mới" là vì luật pháp đã quy định điều này từ lâu rồi, khi mà lợi ích bị xâm hại nghiêm trọng thì người bị hại có quyền khởi kiện, bất kể đó là cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào. Thế nhưng, việc thực thi thì mãi gần đây mới có và cũng chỉ xuất hiện lẻ tẻ thôi.

Theo ông, vì sao luật đã quy định từ lâu mà gần đây người ta mới thực hiện và cũng chỉ "lẻ tẻ"?

Bởi thứ nhất là hạn chế về mặt nhận thức pháp luật của người dân. Nhiều khi họ coi đó là vấn đề đơn giản nên không khởi kiện. Thứ hai là niềm tin của dân đối với việc đi kiện cơ quan công quyền còn thấp, có tâm lý hồ nghi rằng chưa chắc mình thắng. Một vấn đề nữa là luật đã có nhưng người ta chưa quan tâm tới hướng dẫn, áp dụng pháp luật, nên khi gặp trường hợp cụ thể thì người thực thi không biết làm thế nào. Đây là hạn chế từ phía chính quyền nói chung. 

Do đâu mà người ta không có niềm tin vào kết quả thắng kiện khi kiện cơ quan công quyền vậy?

Vì luật pháp của mình chưa hoàn thiện. Do đó nó vẫn tồn tại nhiều sơ hở.

Không tin vào kết quả thắng kiện nghĩa là người dân không tin vào tòa án?

Một phần là như thế.

Luật sư Văn Trường Chinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Nghĩa,
Đoàn Luật sư Hà Nội.

"Con kiến mà kiện củ khoai"

Nhưng thưa ông, tòa án là "cán cân công lý" cơ mà? 

Nguyên tắc là thế nhưng thực tế nhiều khi không hẳn vậy.

Ý ông là sao?

Tôi đã từng giữ quyền công tố cũng như đại diện cho viện kiểm sát tại tòa án cấp phúc thẩm. Có những lần, chúng tôi phải thay đổi bản án của cấp sơ thẩm do có sai sót. Như vậy, trên thực tế có chuyện tòa án cấp sơ thẩm đã xử sai, có thể do họ cả nể, hoặc có thể họ bao che cho chính quyền (tuy nhiên, đây là một vấn đề rất khó và tế nhị - không ai người ta nhận như vậy cả mà thường cho là nhận thức, nghiệp vụ kém...). Trong những trường hợp đó, dân sẽ chịu thiệt. Do đó, việc kiện chẳng khác nào "con kiến mà kiện củ khoai".

Khi người dân không còn niềm tin vào tòa án thì hệ quả của nó là gì?

Hệ quả là tính dân chủ (quyền bình đẳng) trong xã hội sẽ không được phát huy hết.

Trù dập dân chỉ là những công chức "lọt sàng"

Thú thực, ông nói làm tôi phân vân quá! Nếu như tôi mà cũng có quyền lợi bị cơ quan công quyền xâm phạm thì cũng chẳng dám kiện vì biết đâu ông tòa án đã "bắt tay" với ông chính quyền rồi?

Nỗi lo đó không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, cũng không đến mức bi quan quá, vì có thể tòa án cấp sơ thẩm "ưu ái" cho chính quyền nhưng còn cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm nữa kia mà.

Nhưng để theo kiện đến các cấp như ông nói thì lại mất thời gian và tiền bạc. Liệu có trường hợp người ta ngại mà không khởi kiện không?

Cái đó cũng có. Nhưng tôi tin, càng ngày nhận thức pháp luật của người dân càng được nâng lên do chúng ta đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết hợp giải thích pháp luật thì chuyện ngại đó cũng không phải là vấn đề lớn đâu. 

Nếu tiền bạc và thời gian không phải là vấn đề lớn thì liệu có chuyện người dân không dám kiện vì sợ bị trù dập?

Tôi nghĩ tâm lý đó là có đấy và nó cũng dễ hiểu. Tôi cũng tin là chuyện trù dập có nhưng số đó không nhiều đâu. Chỉ có những công chức "lọt sàng", không am hiểu pháp luật mới hành xử như thế thôi.

Nếu bây giờ, người dân mà thực hiện quyền của mình một cách thực sự, sẵn sàng khởi kiện những vụ việc cơ quan công quyền xâm hại đến lợi ích của mình thì theo ông, số vụ kiện đó có nhiều không?

Thực ra, nói xung đột giữa chính quyền với người dân trong một số lĩnh vực không phải là ít đâu. Chính quyền làm tốt thì dân ít kiện. Nhưng hiện nay, nếu mà người dân thực hiện đầy đủ quyền của mình thì tôi nghĩ là vụ kiện sẽ nhiều đấy! 

Thủ tục khởi kiện

Có bao giờ ông xét xử vụ dân kiện chính quyền hay đi bào chữa cho vụ việc tương tự?

Có nhiều chứ.

Kết quả thế nào?

Đương nhiên, nếu chính quyền sai rành rành thì không thể nào lấp liếm được. Vậy nên cũng nhiều người thắng cuộc đấy.

Những trường hợp nào thì dân được quyền khởi kiện chính quyền?

Cứ khi nào quyền lợi của dân bị xâm hại thì người ta có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Ví như khi tôi trả tiền điện nhưng điện phập phù thì cũng có thể khởi kiện công ty điện lực?

Đúng thế. Hãy cứ kiện đi, kiện mạnh vào vì đó là quyền của dân mà. Cơ quan Nhà nước phải tôn trọng quyền đó chứ! 

Ông bảo "cứ kiện mạnh vào", trong khi ông lại thừa nhận dân kiện cơ quan công quyền chẳng khác "con kiến kiện củ khoai". Ông đang "xui dại" dân đấy?

Thứ nhất, việc người dân khởi kiện khi quyền lợi bị cơ quan công quyền xâm hại chứng tỏ ý thức pháp luật của họ đã có. Dù kết quả kiện thế nào thì chí ít cũng khiến cho cơ quan công quyền lưu tâm làm tốt hơn phần việc của mình, nhanh chóng giải quyết hệ quả gây ra. Còn nếu người ta cứ sợ tòa không giải quyết được thì người ta đã chẳng kiện. 

Và quan trọng nữa như tôi vừa nói, có thể tòa này nhân nhượng chính quyền nhưng đâu phải phiên tòa nào cũng thế, cấp nào cũng thế.

Nhưng khi người dân "kiện mạnh vào" nghĩa là luật sư các ông lại... lắm việc?

Chẳng ai muốn kiện cáo làm gì cho mệt. Đừng nghĩ luật sư chúng tôi mong kiện nhiều, vì khi một xã hội kiện cáo ít đi chứng tỏ các mối quan hệ xã hội đã được đảm bảo hài hòa hơn. Như thế xã hội văn minh, tốt quá còn gì!

Nếu bây giờ, người dân muốn khởi kiện khi lợi ích của mình bị cơ quan công quyền xâm hại, họ sẽ phải làm gì, thưa ông?

Người dân cần làm đơn khởi kiện và cung cấp các tài liệu liên quan tới nội dung khởi kiện, gửi đến tòa án nơi mà quyền lợi của họ bị xâm hại ở địa bàn đó. Cần lưu ý rằng trước khi khởi kiện họ cần phải tham khảo luật khiếu nại tố cáo, luật hành chính...

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

"Đừng lo cơ quan công quyền sẽ lấy tiền ngân sách ra mà đền trong những vụ thua kiện người dân. Bởi mỗi cơ quan đều có những nguồn quỹ riêng không liên quan đến ngân sách. Vấn đề là dân được đền bù bao nhiêu mà thôi".
LS Văn Trường Chinh
Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)