Lựu pháo Đức bất lực trước bùn lầy kinh hoàng ở Ukraine

Google News

Tờ New York Times đưa tin, kiểu thiết kế bánh xích của lựu pháo PzH 2000 đã tỏ ra không phù hợp với địa hình bùn lầy ở Ukraine vào mùa xuân.

Tờ Sputnik trích thông tin được đăng tải trên tờ New York Times của Mỹ cho biết, pháo tự hành PzH 2000 đã tỏ ra không phù hợp với địa hình bùn lầy ở Ukraine hiện tại.
Trước đó, Đức cùng Hà Lan đã cung cấp 14 khẩu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 - viết tắt là PzH 2000 cho Ukraine. Tờ New York Times nhận định: "Với kiểu bánh xích có răng kim loại giống như móng vuốt, pháo tự hành PzH 2000 tỏ ra không phù hợp với điều kiện bùn lầy".
Các báo cáo của quân đội Ukraine hồi tuần trước cũng cho biết, các khẩu pháo tự hành của Đức không thể tự di chuyển trên chiến trường. Một trung úy Ukraine cũng than phiền về việc họ phải dùng một khẩu pháo tự hành khác hoặc dùng thiết giáp cứu hộ để kéo những khẩu lựu pháo của NATO ra khỏi những bãi bùn.
Luu phao Duc bat luc truoc bun lay kinh hoang o Ukraine
Pháo tự hành PzH 2000 của Đức có thiết kế bánh xích không phù hợp với việc lội bùn. Ảnh: BI.
New York Times nhận định, sẽ không thể có bất cứ một cuộc phản công lớn nào từ phía Ukraine dưới điều kiện thời tiết này. Nhất là khi các phương tiện thiết giáp do phương Tây viện trợ cho Ukraine có kích thước cồng kềnh và trọng lượng lớn hơn nhiều so với thiết giáp của Nga.
Ngoài ra, các loại phương tiện chiến đấu do phương Tây sản xuất được trang bị rất nhiều thiết bị, linh kiện điện tử phức tạp. Điều này khiến người lính buộc phải "nhẹ tay" trong quá trình sử dụng. Bản thân quân đội Ukraine cũng không đủ khả năng bảo dưỡng cho các loại vũ khí hạng nặng chuẩn phương Tây này.
Các trạm bảo dưỡng xe tăng, thiết giáp phương Tây đã được dựng lên tại Ba Lan, điều kiện chiến đấu ở Ukraine hiện tại không thích hợp cho việc đặt các trạm bảo dưỡng quy mô lớn. Chưa kể, các kỹ sư của Ukraine sẽ cần nhiều năm trời học hỏi, trước khi có thể thành thạo việc bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị quân sự phương Tây.
Tạp chí Medium đưa ra dẫn chứng rằng các thiết bị quân sự hạng nặng, đắt tiền của phương Tây có độ bền không thua kém gì những trang bị tương đương do quân đội Nga sử dụng. Tuy nhiên, các trang thiết bị của phương Tây cần được bảo dưỡng đầy đủ và đúng thời gian quy định, nếu không, sẽ có rất nhiều hỏng hóc trong quá trình sử dụng.
PzH 2000 là loại pháo tự hành do Đức sản xuất, bắt đầu phục vụ quân đội từ năm 1998 tới nay. Tính theo thời giá năm 2022, mỗi khẩu pháo PzH 2000 có giá tương đương 17 triệu USD.
Ưu điểm vượt trội của loại vũ khí này là tốc độ bắn cực nhanh, tối đa có thể lên tới 3 viên trong 9 giây đầu tiên kể từ lúc khai hỏa - nghĩa là cứ 3 giây/viên. Khi sử dụng đạn tăng tầm, PzH 2000 có thể đạt tầm bắn tối đa 67 km - vượt xa tầm bắn của mọi loại pháo tự hành Nga đang có trong tay.
Trần Trân

>> xem thêm

Bình luận(0)