5 lý do chẳng nước nào muốn đối đầu với Hải quân Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Hình ảnh về Hải quân Mỹ được biết đến nhiều thông qua các tàu sân bay tuy nhiên sức mạnh của lực lượng này lại đến từ những thứ vũ khí nhỏ hơn.

Hải quân Mỹ được đánh giá là lực lượng chiến đấu trên biển lớn nhất thế giới với hạm đội tàu chiến hiện đại kết hợp với đó là dàn tàu siêu tàu sân bay không đối thủ, hạm đội toàn tàu ngầm hạt nhân, cùng nhiều vũ khí hiện đại khác.

Từ những yếu tố trên tạp chí National Interest đã liệt kê 5 vũ khí nguy hiểm nhất của Hải quân Mỹ và đây cũng chính là lý do mà không một quốc gia nào trên thế giới muốn gây chiến với lực lượng này. Theo National Interest, tàu sân bay, tàu đổ bộ không nằm trong danh sách này. Chúng tuy là những vũ khí nguy hiểm nhất của Hải quân Mỹ, tuy nhiên các nền tảng lớn thực sự là tổng thể đến từ những  thứ nhỏ hơn.

Khu trục hạm lớp Arleigh Burke

Lớp chiến hạm này được đặt theo tên Đô đốc Arleigh Burke huyền thoại của Hải quân Mỹ trong Thế chiến II. Đây là lớp tàu chiến được đánh giá có sức mạnh tác chiến hàng đầu thế giới. Hiện tại, Hải quân Mỹ đang vận hành 62 tàu khu trục lớp Arleigh Burke, tạo nên xương sống sức mạnh tác chiến trên biển của Hải quân Mỹ.

Trái tim của Arleigh Burke là hệ thống chiến đấu tối tân Aegis mà cốt lõi là radar AN/SPY-1. Hệ thống radar Aegis có thể dẫn đường cho hàng loạt tên lửa phòng không đối phó với nhiều mục tiêu từ các hướng khác nhau.

Tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ. 

Các khu trục hạm Arleigh Burke đóng vai trò điều phối việc bảo vệ toàn bộ hạm đội. Ngày nay, Arleigh Burke còn có thêm sức mạnh tấn công các mục tiêu bên ngoài phạm vi của radar trên tàu, bằng cách kết nối với radar trên các máy bay cảnh báo sớm E-2D Advanced Hawkeye.

Hải quân Mỹ là lực lượng đầu tiên trên thế giới áp dụng giải pháp tấn công mục tiêu chuyển tiếp ngoài tầm nhìn. Ngoài ra, một số tàu khu trục Arleigh Burke còn có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo trong khuôn khổ chương trình Aegis BMD.

Nhìn chung Arleigh Burke là lớp tàu chiến công thủ toàn diện và hầu như không có đối thủ xứng tầm trên thế giới. Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có các chiến hạm Aegis nhưng chúng được chế tạo dựa trên công nghệ chuyển giao từ Mỹ nên không được xếp vào đối thủ trực tiếp.

Máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler

Đây là cỗ máy chiến tranh phi sát thương. EA-18G được phát triển dựa trên tiêm kích F/A-18F Super Hornet. Sức mạnh của máy bay này không phải là vũ khí mà là những thiết bị điện tử mà nó mang theo.

EA-18G được trang bị một loạt các thiết bị gây nhiễu với nhiệm vụ làm tê liệt hệ thống radar trinh sát và điều khiển hỏa lực của đối phương. Growler tạo ra cuộc tấn công điện tử nhằm vào hệ thống radar của đối phương khiến chúng không thể nhận dạng được mục tiêu.

Máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler. Ảnh: USAF. 

Nói một cách nôm na, EA-18G tạo ra tấm “áo giáp điện từ” che chắn cho các chiến đấu cơ trong đội hình tấn công. Ngoài ra, EA-18G cũng có khả năng tấn công thực thụ bằng tên lửa chống bức xạ AGM-88 Harm để tiêu diệt radar đối phương. Khoảng 115 chiếc EA-18G đang hoạt động trên các tàu sân bay Mỹ.

Tàu ngầm tấn công lớp Virginia

Virginia là một trong những tàu ngầm tấn công hạt nhân thành công nhất thời hậu Chiến tranh Lạnh. Lớp tàu ngầm này được trang bị một loạt các công nghệ tối tân như cột buồm lượng tử ánh sáng, hệ thống bơm phun. Ít nhất 33 tàu đã được lên kế hoạch.

 Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia, cỗ máy chiến tranh dưới nước đáng sợ của Mỹ. Ảnh: US Navy.

Tàu ngầm lớp Virginia có chiều dài 115 m, rộng 10,3 m, lượng choán nước 7.800 tấn. Mỗi tàu được trang bị 12 ống phóng thẳng đứng chứa tên lửa Tomahawk và 4 ống phóng ngư lôi 533 mm. Ngoài nhiệm vụ tấn công, tàu ngầm Virginia còn có khả năng trinh sát tình báo hữu ích.

Virginia được trang bị hệ thống cảm biến dưới nước tinh vi. Nó cũng có thể mang theo các tàu ngầm mini không người lái để mở rộng phạm vi trinh sát. Virginia là một thiết kế rất thành công cả về hiệu suất tác chiến và chi phí.

Tàu ngầm tấn công lớp Ohio

Hải quân Mỹ đang vận hành 4 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Ohio, một cỗ máy chiến tranh dưới nước không có đối thủ trên thế giới. 4 tàu này vốn là tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio mang tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II nhưng được chuyển đổi cho nhiệm vụ mang tên lửa hành trình.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Ohio chuyển đổi là cỗ máy chiến tranh dưới nước mang nhiều tên lửa nhất thế giới. Ảnh: US Navy. 

Mỗi tàu có 22 ống phóng thẳng đứng, mỗi ống chứa 7 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk. Tổng cộng mỗi tàu có thể mang theo tới 154 tên lửa Tomahawk. Tên lửa này có tầm bắn hơn 2.500 km được mệnh danh là “Sứ giả chiến tranh”.

Tên lửa hành trình Tomahawk từng gieo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp thế giới và trở thành một chuẩn mực cho vũ khí dẫn đường công nghệ cao. Với 154 tên lửa Tomahawk mang theo, mỗi tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Ohio có thể hủy diệt mọi mục tiêu.

Tàu đổ bộ USS Ponce

USS Ponce là một tàu đổ bộ cũ đã được Hải quân Mỹ cho ngưng hoạt động nhưng nó đã được hồi sinh để mang theo một trong những vũ khí của chiến trường tương lai. Ponce là tàu chiến đầu tiên của Mỹ cũng như trên thế giới được trang bị hệ thống vũ khí laser năng lượng cao LaWS.

 USS Ponce là chiến hạm cũ mang vũ khí của tương lai. Ảnh: US Navy.

Hệ thống vũ khí LaWS được thiết kế để bắn hạ máy bay không người lái, trực thăng, tàu thuyền nhỏ của đối phương. LaWS sử dụng tia laser năng lượng cao để đốt cháy mục tiêu. Nó tấn công với tốc độ ánh sáng nên rất chính xác.

Một trong những lợi ích của vũ khí laser là chi phí cho mỗi lần bắn rất thấp. Nó biến năng lượng điện thành năng lượng ánh sáng nên hầu như không hết đạn và mỗi lần bắn chỉ tốn khoảng 69 cent. Loại vũ khí mà Hải quân Mỹ đang sử dụng để tấn công các tàu thuyền nhỏ là tên lửa Griffin có đơn giá khoảng 99.000 USD/quả.

Tên lửa phòng không tầm thấp RIM-116 RAM chuyên dùng để tấn công máy bay không người lái và trực thăng tầm thấp có đơn giá khoảng 250.000 USD/quả. Chi phí mỗi lần bắn của LaWS thậm chí còn thấp hơn hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx 20 mm.

Tuy nhiên, vũ khí laser rất phức tạp trong quá trình chế tạo và số tiền cần thiết để sản xuất ra một vũ khí như vậy rất đắt đỏ. Công suất của vũ khí laser bị giới hạn bởi hệ thống cung cấp điện năng trên tàu.

Mời độc giả xem video: Mục kích hạm đội tàu chiến Mỹ dàn quân trên biển. (Nguồn Hải quân Mỹ)
Quốc Minh

>> xem thêm

Bình luận(0)