Xứ Thần kinh - Miền đất võ

Google News

Vùng Thuận Hóa (Huế) với lợi thế là đất kinh thành nhiều năm của triều Nguyễn mới là nơi phát tích, ươm mầm cho sự ra đời của nhiều võ phái...

- Lâu nay, nói về "Miền đất võ" người ta thường nghĩ về vùng đất Tây Sơn Bình Định, nơi mà "Con gái cũng biết múa roi đi quyền". Nhưng chính vùng Thuận Hóa (Huế) với lợi thế là đất kinh thành nhiều năm của triều Nguyễn mới là nơi phát tích, ươm mầm cho sự ra đời của nhiều võ phái, nhiều tài năng võ học.

Vật làng Sình.
Vật làng Sình.

Tiếng vọng trăm năm

Từ xưa, văn sự và võ bị là hai điều cốt yếu trong việc trị nước. Các Văn miếu, Võ miếu được xây dựng để tôn vinh, cổ vũ cho việc học văn luyện võ.

Khởi từ năm 1558 khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn giữ đất Thuận Hoá cho đến khi vua Gia Long lập kinh đô Phú Xuân, Huế là miền đất võ quy tụ anh hùng hào kiệt bốn phương bởi vì thời chiến "trọng võ khinh văn".

Năm 1802, vua Gia Long thống nhất sơn hà, cho thành lập xưởng súng đại bác, mở trường bắn huấn luyện voi, ngựa và trường huấn luyện võ kinh, võ lâm cho binh sĩ.

Từ thời Minh Mạng thứ 17 mở khoa thi võ ở Thừa Thiên, sau mở thêm trường thi ở Hà Nội, Thanh Hóa. Năm 1820, vua Minh Mạng chia binh đội ra thành bộ binh, thủy binh, tượng binh, kỵ binh và pháo binh, lập ra trường Anh Doanh và Giáo Dưỡng Binh để cho các con của quan võ vào học. Vua cho mở ra các khoa thi chọn người đậu tú tài, cử nhân và tiến sĩ võ khoa.

Năm Thiệu Trị thứ 5 quy định các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì mở khoa võ hương thí; năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi mở khoa võ hội thí. Thi võ qua 3 kỳ: Xách tạ, múa côn - đánh quyền - đấu kiếm hoặc đâm mộc bằng giáo, bắn súng. 3 kỳ thi nếu đỗ thứ (trung bình khá) thì đậu tú tài võ, đỗ ưu thì đậu cử nhân võ được vào thi hội, đỗ nữa nếu biết chữ và có học võ kinh thì vào thi đình (võ tiến sĩ).
Di tích Võ miếu ở Huế.
Di tích Võ miếu ở Huế.

Cái nôi của nhiều võ phái

Từ sau khi các phong trào Cần Vương, "Bình Tây sát tả", binh biến "Kinh thành thất thủ" năm Ất Dậu (1885) bị thất bại, người Pháp bắt đầu nghiêm cấm các hoạt động luyện tập võ nghệ và ra lệnh cấm võ trên toàn cõi Đông Pháp (1901), chỉ cho phổ biến những môn thể thao phương Tây, mở võ đài đấu quyền Anh.

Chính trong thời điểm này ba võ sư Hàn Bái, Ba Cát, Bảy Mùa, được xưng là "Tam Nhật", là những người tiên phong trong việc phát huy dòng võ cổ truyền Việt Nam. Họ đều xuất thân dòng võ tướng, từng dự các kỳ thi cử nhân võ cuối cùng của triều Nguyễn. Năm 1918, Hàn Bái cùng hai bạn mong muốn phục hưng truyền thống hào hùng của võ cổ truyền Việt Nam, dùng võ ta triệt võ tây, nhưng ông chỉ thực hiện được 10 năm thì đột ngột qua đời. Các đệ tử của ông tiếp tục truyền dạy môn phái Hàn Bái ở miền Nam...

Nhiều môn võ ngoại lai phát triển ở Huế sớm nhất như Karate, Judo... Người đầu tiên đem môn Aikido về phổ biến tại Việt Nam là võ sư Đặng Thông Trị, chàng trai xứ Huế. Đặc biệt là môn Karate với hai hệ phái chính đều phát tích ở Huế.

Người đầu tiên có công phổ biến môn Karate hệ phái Suzucho là võ sư Choji Suzuki, một võ quan quân đội Thiên Hoàng, Nhật Bản, sang Việt Nam năm 1940. Khi Nhật đầu hàng đồng minh, Suzuki đứng vào hàng ngũ Việt Minh. Năm 1954, Suzuki ra cố đô Huế và dạy môn karate một cách bí mật tại số 8, đường Võ Tánh. Năm 1963, ông chính thức mở võ đường Suzuki Dojo Noen. Đầu thập niên 1970, một hệ phái khác là Cương nhu Karate cũng được hình thành tại Đại học sư phạm Huế, do công của võ sư Ngô Đồng.

Có thể làm một chuyến du khảo các làng võ cổ truyền ở Huế theo hành trình của những câu ca thật thú vị. Võ sư Ngô Càng Nam, đại đệ tử võ phái Vạn An, đưa chúng tôi về miền ngoại ô An Cựu. "Sông An Cựu nắng đục mưa trong". Võ phái Vạn An từ nổi danh từ trước năm 1975 với môn quy nghiêm khắc, đào tạo nhiều võ sĩ có thực tài....

Môn phái này có gốc tổ là Thoại Đình Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, truyền đến Trương Ngọc Giai - từng được sắc phong Chánh đội trưởng Đội Cẩm y thị vệ thời vua Tự Đức, rồi truyền đến Võ cử Nguyễn Thanh Vạn, một người từng có nhiều công trạng dưới thời nhà Nguyễn. Lưu truyền đến đời thứ 4 thì được cố võ sư Trương Văn Thăng (qua đời năm 2002) chính thức khai lập môn phái vào năm 1972, đặt tên Võ kinh Vạn An phái.

Hiện nay, võ đường Vạn An phái do võ sư Trương Quang Kim con trai của võ sư Trương Văn Thăng làm chưởng môn. Môn phái võ cổ truyền này cũng đã vượt biên giới để mang tinh hoa Võ Việt ra nước ngoài. Võ kinh Vạn An phái là một trong những môn phái chiếm lĩnh ngôi đầu và cùng tham gia các sự kiện văn hóa quy mô như thao diễn thủy binh thời Nguyễn lần đầu diễn ra tại Festival Huế 2010.

"Đò từ Đông Ba, đò qua Đập Đá, đò về Vĩ Dạ, thẳng ngã ba Sình". Đập Đá nổi tiếng với những phủ của các ông hoàng bà chúa, nếu rẽ trái qua một nhánh của sông Hương, bên kia là Cồn Hến - một hòn đảo nhỏ với những vườn "hoa bắp lay" trong nắng chiều. Nơi đây nổi danh với môn võ huyền bí "Thất Sơn thần quyền", tuy môn đồ không đông nhưng được nhiều người biết và nói đến với vẻ vừa nghi hoặc vừa nể sợ.

Trên thôn Vĩ Dạ có võ đường Minh Đạo nổi tiếng của võ sư Nguyễn Nhuận, giáo sư Đại học khoa học Huế, môn sinh đầu tiên thầy Choiji Suzuki.

Làng Sình là tục danh của xã Phú Mậu, quận Phú Vang, nơi đây nổi tiếng về môn vật. Mỗi năm vào dịp đầu xuân, làng Sình đều tổ chức lễ hội vật theo nghi thức cổ truyền với quy mô lớn, thu hút nhiều đô vật và khách tham quan các nơi về dự.

Làng Tân Mỹ ở cuối quận Phú Vang lại nổi tiếng về môn búng sào, múa gậy, đi thuyền. Người dân ở đây làm nghề chăn vịt trên sông rạch nên rất giỏi sử dụng những cây sào dài để chèo chống, lùa vịt, tự vệ.

"Con trai Thừa Lưu, cưỡi trâu đánh hổ; Con gái Nam Phổ, ở lỗ trèo cau". Thừa Lưu là làng nằm dưới chân núi Bạch Mã, có tiếng về nghề võ, Nam Phổ nhiều cau và những cô gái rắn rỏi, gan dạ như miền Bình Định...
  Tổ đường phái Võ kinh Vạn An.
Tổ đường phái Võ kinh Vạn An.
Danh võ Hồ Ngạnh (1891 - 1976) đất Bình Định với ngọn roi thần tốc gây nhiều giai thoại trong võ lâm, cũng được người thầy là một tạo sĩ (tiến sĩ võ) từng là giáo đầu về môn roi cho binh sĩ hộ thành Huế, tham gia phong trào Cần Vương bị truy nã chạy vào Bình Định, truyền dạy.
Thiên Tường

Bình luận(0)